Thắng Lớn Khi Đưa Cá Vào Chợ
Khi việc nuôi cá tra xuất khẩu không còn lãi như xưa, một số ngư dân trong tỉnh đã năng động đổi sang nuôi các mặt cá chợ, như: Cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá chim… để bán ở thị trường nội địa. Sự chuyển hướng kịp thời đã giúp họ thành công.
Ăn chắc
Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông Huỳnh Văn Xã (xã Mỹ Hòa Hưng) là một trong những ngư dân nuôi cá tra xuất khẩu nhiều nhất ở TP. Long Xuyên. Bình quân mỗi năm, sản lượng cá bán ra khoảng 10.000 tấn. Song, từ năm 2008 đến nay, khi cá tra không còn mang lại lợi nhuận nhiều như trước, ông đã linh hoạt chuyển từ nuôi cá tra xuất khẩu sang nuôi các mặt hàng cá bán chợ. Chính sự chuyển hướng kịp thời này đã giúp cuộc sống gia đình ông ổn định.
“Nuôi cá chợ trong bối cảnh hiện nay được xem là cách làm “ăn chắc mặc bền” bởi sản lượng ít, tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí nhẹ hơn. Chỉ có điều muốn nuôi quy mô lớn như cá tra thì không được vì thị trường nội địa có giới hạn” – ông Xã tâm sự.
Với đối tượng nuôi là cá điêu hồng, hơn 5 năm qua, chưa có năm nào ông Xã bị lỗ vì giá, chỉ có lời ít vì thức ăn thiếu độ đạm. Gia đình ông hiện nuôi 10 bè cá điêu hồng. Đây là số bè ông từng nuôi cá tra xuất khẩu. Với số lượng bè nói trên, bình quân mỗi năm, ông nuôi được 2 vụ, sản lượng cả năm khoảng 200 tấn.
Tháng vừa rồi, ông xuất 1 bè cá điêu hồng sản lượng 35 tấn, giá bán 33.500 đồng/kg, thu lãi được 2.000 đồng/kg. Trước đó, vào thời điểm tháng 7, 8, 9-2012, giá cá điêu hồng lên đến 40.000 đồng/kg, lẽ ra ông phải lời nhiều nhưng do thức ăn bị thiếu độ đạm so với độ đạm ghi trên bao bì nên hệ số chuyển hóa thức ăn tăng cao ( FCR:2.2 ), ông lời ít.
Chọn sự khác biệt
Khác với ông Xã, anh Lê Văn Thuyền chọn cá he làm đối tượng nuôi. Cá của anh được thương lái mua, đóng vào bao ôxy, đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… Anh Thuyền hiện có 2 bè nuôi cá he, mỗi bè ngang 7m, dài 15m, cao 5m. Bình quân mỗi vụ, 1 bè nuôi được 32 tấn cá, nuôi từ 8 – 9 tháng thì thu hoạch. Hiện tại, giá cá he thương phẩm đến 42.000 đồng/kg, anh lời thấp nhất từ 6.000 – 7.000 đồng/kg.
“Nếu so với nuôi cá tra xuất khẩu thì nuôi cá he lời hơn nhiều. Trong suốt gần 5 năm qua, chưa bao giờ giá cá he rớt xuống thấp. Thị trường cá he cũng rất rộng. Sở dĩ trong gần 5 năm qua, chúng tôi nuôi cá he có lời là vì ít người nuôi. Chứ nơi nào cũng nuôi cá he như nuôi cá tra trước đây thì thị trường nội địa không bao giờ tiêu thụ hết. Chúng tôi luôn chọn sự khác biệt để không bị đụng hàng, dội chợ ” – anh Thuyền chia sẻ.
Còn đối với ngư dân ở làng bè Vĩnh Nguơn (Châu Đốc), Đa Phước (An Phú), bà con nơi đây chọn nuôi cá basa, cá hú. Đây là mặt hàng cá chợ được người tiêu dùng rất ưa thích. Từ đầu năm đến nay, giá cá basa luôn ở mức 34.000 – 35.000 đồng/kg (bán tại bè), ngư dân lãi thấp nhất từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Còn đối với cá hú, giá xuất bè lên đến 40.000 – 42.000 đồng/kg, ngư dân lãi ít nhất 4.000 đồng/kg, mức lợi nhuận mà nuôi cá tra “nằm mơ” cũng chẳng thấy.
Chuyển hướng làm ăn trên cơ sở “có thị trường thì mới tổ chức sản xuất”, kết nối các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ là một cách làm đầy sáng tạo của ngư dân trong thời gian qua. Song, để mở rộng quy mô nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc, ngư dân rất cần vốn giá rẻ từ các ngân hàng thương mại, cần sự hỗ trợ trong kết nối giao thương, tiêu thụ cá của các cơ quan chức năng trong tỉnh. Có vậy thì phong trào nuôi cá chợ bán ở thị trường nội địa mới mang tính bền vững.
“Nuôi các mặt hàng cá chợ thì ngư dân không cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nuôi một cách nghiêm ngặt như nuôi cá tra xuất khẩu. Việc này đã giúp ngư dân giảm được chi phí, hạ được giá thành nuôi nên có lãi nhiều hơn. Chỉ có điều nuôi cá bán cho các chợ trong nội địa thì sản lượng nuôi bị hạn chế, chứ lãi thì nhiều hơn cá xuất khẩu” – ông Huỳnh Văn Xã nhấn mạnh.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Thoi-su/Thang-lon-khi-ua-ca-vao-cho.html
Có thể bạn quan tâm
Tây Bắc là xứ sở của nhiều loài cây ăn trái, như: mận, đào, xoài... Khi nói đến mận, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến mận tâm hoa Bắc Hà. Giống mận này nổi tiếng ngọt, giòn, róc hạt và từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc của xứ sở sương mù Bắc Hà (Lào Cai). Thế nhưng ít ai biết rằng, ở mảnh đất Ham Soong, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), gần 20 năm qua cây mận Bắc Hà đã bén rễ và “âm thầm” cho những mùa “quả ngọt”.
Mô hình trình diễn canh tác 17,5ha đậu tương vụ đông xuân trên đất lúa một vụ tại các bản Háng Trợ A, B, C (xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) huyện cùng 51 hộ dân trên địa bàn thực hiện đạt kết quả ngoài mong đợi. Mô hình mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực...
Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài nhiều ngày là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh sinh trưởng, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cây lúa... Để hạn chế sâu bệnh hại lúa, huyện Mường Chà đã chỉ đạo phòng, ban chuyện môn, các xã, thị trấn hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành “Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật trồng, nhân giống, chăm sóc, thu hái quả và sơ chế hạt cây mắcca”.
Nhiều năm gần đây, phong trào nuôi tôm tại huyện Tam Nông đang có chiều hướng đi xuống do nhiều nguyên nhân như: người dân khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, nguồn tôm giống chất lượng cũng gặp nhiều trở ngại...