Tháng ba mùa ong đi lấy mật

Chi hội Nuôi ong xã Phổng Lái (Thuận Châu) có 19 hội viên, với gần 1.000 đàn ong, thu gần 3 tỷ đồng/năm từ nghề nuôi ong. Chi hội là mái nhà chung cho những người nuôi ong chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau vốn, giống, kỹ thuật trong nghề nuôi ong lấy mật.
Ngay sau khi thành lập (năm 2004), Chi hội xây dựng quy chế hoạt động, trong đó tập trung hỗ trợ hội viên kỹ thuật, vốn, giống để duy trì và phát triển nghề nuôi ong. Thời gian đầu, hầu hết đàn ong của hội viên đều là ong địa phương, chỉ có 5 đàn ong ngoại nhập từ Chi hội Nuôi ong tỉnh. Trong các cuộc sinh hoạt, hội viên đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đàn ong, từ việc nhân đàn, chọn giống ong; đưa đàn ong đi lấy mật theo mùa hoa, chọn địa điểm nhiều hoa để di chuyển đàn ong lấy mật...
Căn cứ đặc điểm mùa, điều kiện tự nhiên, các hội viên di chuyển đàn ong đến những nơi có hoa nở rộ, hết mùa lại chuyển đàn ong về gia đình nuôi dưỡng và tách đàn. Trong đó, tháng 3, tháng 4, với mùa hoa nhãn đưa đàn ong vào Sông Mã; tháng 6, tháng 7 mùa hoa keo ở tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ; tháng 12 mùa hoa cỏ lào ở tỉnh Điện Biên...
Nhờ đó, năng suất bình quân đạt 70 kg mật/đàn/năm; 8 kg phấn hoa/đàn/năm. Với giá bán hiện nay, 100 nghìn đồng/kg mật và 200 nghìn đồng/kg phấn hoa, trừ chi phí thu nhập từ 80-200 triệu đồng/hội viên/năm.
Là người đầu tiên tham gia Chi hội, khởi nghiệp từ 10 đàn ong địa phương, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thành, bản Kiến Xương (Phổng Lái) có gần 100 đàn ong, trong đó, 60 đàn ong ngoại, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Theo ông Thành, người nuôi ong cần hiểu “tính nết” đàn ong và có biện pháp phù hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng. Nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và cần mẫn để “chạy” ong theo mùa hoa.
Tham gia sinh hoạt tại Chi hội, anh Phạm Văn Sơn, bản Tiên Hưng (Phổng Lái) có thêm nhiều kinh nghiệm nuôi ong. Anh chia sẻ: Gia đình tôi nuôi ong từ năm 2000, chủ yếu là giống ong địa phương. Do không có kinh nghiệm, đến mùa đông đàn ong thường bay vào rừng hoặc bị chết rét. Khi tham gia Chi hội, được các hội viên trao đổi cách chăm sóc, phòng bệnh, chọn vị trí đặt hòm ong đủ điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các biện pháp chống rét về mùa đông, chống nóng mùa hè. Đến nay, 50 đàn ong ngoại và 20 đàn ong địa phương của gia đình tôi phát triển tốt, thu nhập 80 triệu đồng/năm.
Những hoạt động tích cực của Chi hội nuôi ong xã Phổng Lái đã giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng quy mô đàn ong, nâng cao thu nhập. Đây cũng là hướng đi góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Pahổng Lái.
Có thể bạn quan tâm

Sau mùa vụ nuôi tôm kéo dài hơn 6 tháng, nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) đang bắt tay vào làm vụ lúa cấy trên đất nuôi tôm. Khắp nơi bà con đang nhanh tiến độ gieo mạ, làm đất để dồn sức cho mùa vụ mới.

Cồn Cống là cù lao nhỏ nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Với một mặt hướng thẳng ra Biển Đông, Cồn Cống không khác gì chốt tiền tiêu thiên nhiên, ngày đêm canh giữ vùng biển hạ lưu sông Tiền.

Làm thế nào để tiêu thụ hết sản lượng thanh long sản xuất ra với giá cả hợp lý, tăng thu nhập cho nông dân…? Đó là mục tiêu để mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp được hình thành.

Nhiều đề tài, dự án trồng nấm bước đầu có hiệu quả như “Xây dựng mô hình SX nấm dược liệu, nấm thực phẩm cao cấp” của Cty nấm Thuận Thái, “Xây dựng nhân rộng mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu” của Trường CĐ Công nghệ & kinh tế Bảo Lộc, “Xây dựng mô hình trồng một số loại nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao” của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm NLN Lâm Đồng...

Theo đánh giá của huyện, trong 6 tháng qua, tình hình nuôi tôm biển cực kỳ khó khăn, tôm chết hàng loạt dẫn đến nhiều thiệt hại lớn cho người nuôi. Năm nay, tiến độ thả giống nuôi tôm biển rất chậm, toàn huyện chỉ thả khoảng 13.000 ha so kế hoạch 16.000 ha, đạt 85% kế hoạch năm, so cùng kỳ giảm 14% (2.231 ha).