Bí quyết làm giàu: Nuôi le le thu tiền tỉ
Từ 3 con le le hoang dã, sau 12 năm nuôi và nhân đàn, ông Lê Hồng Thái (Bạc Liêu) thu lợi nhuận hàng tỉ đồng.
Ông Thái bên khu nuôi le le thương phẩm. ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Ông Thái (56 tuổi, ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, H.Phước Long) kể, năm 2006, người cháu của ông giăng lưới dưới kênh bắt được 3 con le le (1 con mái, 2 con trống). Thấy thích, ông hỏi mua lại với giá 60.000 đồng/con đem về nhà nuôi làm cảnh cho vui nhà. Sau đó, ông Thái bất ngờ phát hiện le le mái đẻ trứng đến 6 lần trong 1 năm, tổng cộng 65 trứng. Có bao nhiêu trứng le le, ông Thái đều cho gà mái ấp và nở được 60 con để gây nuôi nhân đàn. “Một hôm, có người đàn ông lạ đến tận nhà gạ mua hàng chục con le le giống với giá 60.000 đồng/con. Qua một năm, tôi tìm hiểu thì biết người mua đàn le le của mình sau đó tiếp tục bán lại cho người dân gây giống đã thu lời gấp 10 lần”, ông Thái kể.
Thấy le le dễ nuôi, đẻ nhiều, ít tốn công chăm sóc… ông Thái nảy sinh ý tưởng làm giàu từ le le. Sau đó, ông tìm hiểu nhu cầu le le giống trong dân và le le thương phẩm trên thị trường miền Tây, TP.HCM. Từ 2008 - 2009, ông được một số nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM đồng ý mua le le thương phẩm với số lượng lớn, giá khá cao. Về nhà, ông quyết định đào đất, lên mương, dựng tôn, rào lưới xung quanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang nuôi le le.
Đến nay, ông Thái đã mở rộng quy mô nuôi với diện tích trên 2 ha, gồm 8 hồ nuôi lớn, mỗi hồ rộng hàng ngàn mét vuông. Ngoài ra còn có hàng chục chuồng nuôi khép kín, nhỏ lẻ. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, năm 2013, ông thành lập trang trại le le Hồng Thái. Hiện trang trại có khoảng 800 con giống bố mẹ với hàng ngàn con le le nuôi thương phẩm.
Ông Thái cho biết le le được nuôi trong môi trường bán tự nhiên, trên ruộng cỏ năn, cỏ lác, xung quanh trồng cây ăn trái, thức ăn chủ yếu là cá lòng tong, tép mòng, lúa nên chất lượng thịt rất ngọt, thơm ngon. Nhờ đó, le le nuôi thương phẩm được các nhà hàng, quán ăn trong khu vực đến tận trang trại mua với giá khá cao. Le le thương phẩm sau 3 tháng 20 ngày nuôi, đạt trọng lượng từ 400 - 450 gr/con, bán ra thị trường 450.000 - 550.000 đồng/con. Còn le le bố mẹ, giá bán mỗi cặp 1,2 triệu đồng. Mỗi năm, ông Thái bán ra thị trường trên 2.000 con le le thương phẩm và hàng trăm cặp giống bố mẹ, doanh thu trên 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 500 triệu đồng
Theo ông Thái, le le bố mẹ chỉ sau 8 tháng thả nuôi là bắt đầu đẻ trứng. Mỗi năm, 1 con le le mái đẻ từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 7 - 14 trứng. Trứng le le sau 27 ngày ấp sẽ nở con. Kinh nghiệm cho thấy việc dùng lò ấp trứng bằng điện thì tỷ lệ trứng le le nở thành công rất thấp. Vì vậy, ông Thái nuôi thêm gà tre (gà mái) để ấp trứng le le. Để thuần dưỡng le le không bay được, ông Thái cắt cánh và làm ổ quanh bờ bao các hồ cho le le đẻ giống trong môi trường thiên nhiên, hoang dã.
Ông Trần Văn Hoàng, Trưởng ấp Bình Lễ, cho biết mô hình nuôi le le của ông Thái được đánh giá là có nhiều ưu điểm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm qua, ông Thái đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm nuôi le le cho bà con. Chỉ tính riêng ấp Bình Lễ đã có 26 hộ dân áp dụng, nhân rộng mô hình nuôi le le, với số lượng gần 3.000 con le le bố mẹ. Ngoài ra, ông Thái còn hỗ trợ, bán nợ con giống cho hộ nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Xuất phát điểm nuôi một con trâu cái, sau hai mươi năm gắn bó với nghề, anh đã sở hữu hàng trăm con có giá trị cả chục tỷ đồng
Trồng rau theo phương pháp thủy canh, khí canh đang được nhiều nông dân phát triển. Canh tác trong nông trại công nghệ cao, người dân có thể lãi 7 - 8 tỷ đồng
Lần theo địa chỉ “Điểm tham quan vườn xoài Mỹ Xương” chúng tôi đã tìm được vườn xoài du lịch tại tổ 3, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.