Thận Trọng Với Cây Bắp Biến Đổi Gen
Ngày 11-8-2014 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép sử dụng bốn giống bắp biến đổi gen (BĐG) làm thức ăn cho người và cho động vật tại Việt Nam nhưng việc cho trồng hay không là quyết định cuối cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bốn giống bắp này bao gồm giống Bt 11, MIR162 do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 do Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto) sản xuất.
Ba giống bắp đầu chứa một gen lấy từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Với gen này vi khuẩn Bt có thể tạo ra một loại độc tố chống lại côn trùng. Bằng kỹ thuật ghép gen, các nhà khoa học cắt và chuyển gen Bt của vi khuẩn vào bộ gen của cây bắp.
Nếu thành công, cây bắp mới có thêm gen Bt, vì vậy còn gọi là bắp Bt. Khi ấu trùng ăn vào, bắp Bt sẽ tạo trong ruột một loại độc làm thủng da ruột và gây tử vong. Mục đích của công ty sản xuất giống bắp Bt là nhằm giảm mức độ gây hại của côn trùng và qua đó tăng năng suất cây bắp.
Giống bắp thứ tư NK603 được tạo bằng phương pháp “bắn gen” để đưa gen kháng thuốc diệt cỏ Glyphosat (tên thương trường là Roundup) vào bộ gen bắp. Cây bắp với gen này có thể chịu đựng thuốc diệt cỏ Glyphosat, cũng do Monsanto, công ty mẹ của Dekalb Việt Nam, chế tạo.
Như vậy, người trồng có thể xịt thuốc làm chết cỏ thoải mái mà không phải lo lắng cây bắp (có gen kháng) bị thuốc hại. Đây là chiến lược “gọng kềm” toàn cầu của tập đoàn Monsanto, vừa bán thuốc diệt cỏ Roundup vừa bán giống bắp chịu được thuốc này.
Tuy nhiên, phương pháp kỹ thuật di truyền “bắn gen“ để chuyển gen không chính xác nên trong quá trình thực hiện có nhiều đoạn gen không kiểm soát cũng bị đưa vào bộ gen bắp và chúng có thể tạo ra những tính trạng không mong muốn và ảnh hưởng đến các quá trình sinh học tự nhiên của cây. Điều này đưa đến nhiều tranh cãi trong giới khoa học về sự tác hại của chúng đến sức khỏe, khi con người dùng trực tiếp hay gián tiếp (qua chế biến, động vật...) các sản phẩm này.
Thực phẩm BĐG ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như thế nào? Ngoài một vài dấu hiệu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe qua nghiên cứu về độc tố trên cây bắp của nhà sinh học Pháp Gilles - Eric Séralini thuộc Đại học Caen ở loài chuột, không nhóm khoa học nào, dù ủng hộ hay chống đối, có thể đưa ra một chứng minh rõ ràng để biện luận cho quan điểm của mình.
Vì vậy, quyết định cho phép sử dụng bắp BĐG làm thức ăn cho người hay động vật của Bộ NN&PTNT cần được giới hạn về thời gian, để có thể dễ dàng thay đổi quyết định đó khi có những dấu hiệu cụ thể về việc ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe.
Ngoài ra, cần có quy định về dán nhãn sản phẩm loại này để người tiêu thụ tự quyết định, như nhiều nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Trồng bắp biến đổi gen tại Việt Nam ?
Bốn giống bắp BĐG này sẽ trở thành một vấn đề phức tạp, nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép chúng được trồng tại Việt Nam. Nếu như vậy, hạt bắp BĐG không còn là nông sản nhập thuần túy, chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu thụ mà chúng còn có thể gây ra thêm nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường, kinh tế và chính trị.
Hai lập luận chính mà các nhà sản xuất bắp BĐG đưa ra để biện luận cho việc trồng bắp BĐG là việc giảm dùng thuốc diệt cỏ và tăng năng suất cây bắp. Tuy nhiên, các lập luận này đã bị nhiều nhà khoa học, tổ chức về môi trường, năng suất phủ nhận. Trong khi đó, việc trồng bắp BĐG lại khiến nông dân phải lệ thuộc vào nguồn cung giống và họ phải bỏ tiền mua.
Bốn giống bắp BĐG nói trên đang được trồng chủ yếu ở châu Mỹ, với diện tích lên đến 90% tổng diện tích bắp trồng. Châu Âu không phải là đất “dụng võ” cho các loại cây trồng BĐG, vì có nhiều cuộc biểu tình phản đối của người tiêu thụ cũng như của nhiều tổ chức môi trường. Năm ngoái, tập đoàn Monsanto tuyên bố rút ra khỏi thị trường châu Âu (Die Welt, TAZ 31-5-2013).
Vì vậy cũng dễ hiểu tại sao Monsanto và các nhà sản xuất cây BĐG khác tăng cường đưa các giống BĐG vào thị trường tại các nước đang phát triển. Ở Đông Nam Á, nếu Philippines đang tiếp nhận nồng nhiệt việc trồng cây bắp Bt thì Thái Lan vẫn giữ thái độ dè dặt.
Việt Nam có cơ cấu gần giống như Thái Lan, Philippines, đa số người dân sống về nghề nông. Nếu Chính phủ Việt Nam theo con đường dè dặt, đưa ra những chính sách phát triển theo hướng nông nghiệp bảo tồn (không hay ít dùng phân bón, thuốc trừ sâu và phát triển cây trồng truyền thống) thì một mặt giữ được sức khỏe cho người dân, tạo ra môi trường, môi sinh tốt, mặt khác còn có cơ hội xuất khẩu nông sản sinh học (bio) và châu Âu sẽ là một thị trường hấp dẫn.
Trái lại nếu Việt Nam theo con đường Philippines cho phép trồng giống BĐG thì qua đó có thể tạo ra vấn đề môi trường, môi sinh và sự phụ thuộc của nông dân vào các công ty sản xuất giống nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Với nhiều người, sau mỗi ngày làm việc vất vả thì không có gì thú vị hơn việc được nhâm nhi tách trà nóng, mạn đàm chuyện thế thái nhân tình và ngắm cảnh sắc thiên nhiên thu gọn trong những chậu cảnh muôn hình vẻ… Cũng từ cây cảnh, nhiều người đã kiếm bộn tiền.
Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 30 tháng 01 năm 2015 - Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Spotlight chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản suất thức ăn chăn nuôi. Nhà máy tọạ lạc trên diện tích 3 ha tại KCN Cái Mép, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng công suất nhà máy là 150.000 tấn/năm. Trong đó, thức ăn chăn nuôi 100.000 tấn/năm và thức ăn thuỷ sản là 50.000 tấn/năm. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.5 triệu USD, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.
Sáu giờ, nhiều ngư dân vội vã chèo thúng chai vào bờ để kịp giao những con tôm hùm trắng còn búng tanh tách cho thương lái để bán lại cho các bè ươm nuôi tôm hùm thương phẩm. Cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra ngay trên bờ biển. Thương lái nhẹ nhàng đếm từng con tôm hùm trắng và trả tiền ngay cho ngư dân.
Theo Tổng cục Thủy sản, ước tổng sản lượng thủy sản tháng 1/2015 đạt 413.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 225.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng nuôi trồng tháng 1 đạt 188.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỉ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng từ 21.000 - 24.000 đồng nhưng số lượng hộ và diện tích, ao nuôi cũng chưa được cải thiện.