Thái Nguyên phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã triển khai nhiều phương án nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của địa phương.
Ông Lê Xuân Bảy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Toàn huyện hiện có gần 28.000 con trâu, bò, hơn 120 nghìn con lợn và trên 2 triệu con gia cầm. Vào mùa hè, thời tiết oi bức với nhiệt độ cao sẽ khiến cho gia súc, gia cầm suy giảm sức đề kháng, các loại dịch bệnh như dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm… dễ phát sinh lây lan. Chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tăng cường đôn đốc, giám sát việc phòng, chống nóng và dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y, hướng dẫn cho hộ chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình; thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến thời tiết bất thường hoặc dịch bệnh có thể xảy ra nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó khi có nắng nóng kéo dài.
Cùng với việc chống nóng, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nông dân lưu ý việc che chắn chuồng trại, tránh cho gia súc, gia cầm bị nhiễm lạnh khi có những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột ngột. Việc giảm mật độ nuôi nhốt gia súc, gia cầm cũng là yếu tố quan trọng để tạo sự thông thoáng, hạn chế sức nóng từ chuồng nuôi đối với con vật. Do đó người chăn nuôi nên chủ động cải tạo, bổ sung các ô chuồng mới để giảm mật độ nuôi nhốt hoặc tận dụng các cây bóng mát để chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng. Đối với những hộ chăn nuôi tập trung với số lượng lớn thì nên có hệ thống giàn phun nước tự động, quạt thông gió để làm mát chuồng nuôi, những hộ chưa có điều kiện đầu tư các thiết bị này có thể dùng các liếp che bằng chất liệu tranh, tre, nứa, lá… bởi những chất liệu này có khả năng chống nóng tốt hơn tôn hay broxi măng. Bên cạnh đó cũng nên chú ý việc bổ sung các máng uống nước trong mùa hè, có chế độ ăn hợp lý, thực hiện việc chăn thả vật nuôi vào những thời điểm mát mẻ nhằm đảm bảo sức khỏe cho con vật. Để phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa nắng nóng này, người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y, thực hiện tiêm phòng định kỳ, phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tránh các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh phải tiến hành cách ly ngay và báo cho thú y cơ sở, tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết.
Xã Tân Khánh là địa phương có số lượng gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn huyện Phú Bình với gần 1.800 con trâu, bò, hơn 3.000 con lợn và khoảng 200 nghìn con gia cầm. Việc phòng chống dịch bệnh, nắng nóng, cho vật nuôi đã được các ban ngành, đoàn thể và người dân trong xã chú trọng bằng các hình thức như: Chủ động thu gom, tích trữ rơm, rạ làm thức ăn trong những ngày nhiệt độ cao, không thể chăn thả gia súc; tiến hành che chắn chuồng trại để làm mát; tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y... Ông Nguyễn Xuân Mão, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi luôn xác định việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển chăn nuôi ở địa phương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, hàng năm, xã đều phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc gia súc, gia cầm, chủ động chống nóng và thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi để có những phương án kịp thời phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa hè.
Ông Nguyễn Bá Thủy, ở xóm Tranh là một trong những hộ chăn nuôi lớn và làm tốt công tác chăm sóc đàn vật nuôi cho biết: Gia đình tôi nuôi gà từ năm 2006 với số lượng trung bình khoảng 4.000 con/lứa. Để chống nóng và phòng dịch bệnh cho gia cầm, tôi đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ, mua lưới về quây xung quanh đồi cây ăn quả với diện tích gần 2ha sau đó thả gà vào để tận dụng bóng mát của cây cho gà trú nắng. Đối với gà con mới nở, tôi đầu tư xây dựng các ô chuồng rộng, thoáng để dễ chăm sóc, đồng thời sử dụng quạt điện làm mát cho gà trong những ngày nắng nóng. Do luôn có sự chủ động trong việc chăm sóc vật nuôi nên nhiều năm nay gia cầm của gia đình tôi không bị dịch bệnh và hạn chế được lượng gà ốm chết.
Có thể thấy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm là việc làm quan trọng và cần thiết. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ huyện đến cơ sở nên đến thời điểm này, đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn phát triển an toàn, ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Từ doanh nghiệp cho đến một số cá nhân đang tìm cách đẩy mạnh bán trong nước để giải phóng số vải đang chín rộ, sau khi thương lái đột ngột ngừng mua khiến giá rớt kỷ lục.
Dâu hiện là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trong đó, dâu hạ châu là loại cây ăn trái đặc sản tại địa phương đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Để duy trì và phát triển bền vững diện tích trồng dâu trên địa bàn Phong Điền, các cấp, các ngành chức năng tại địa phương và thành phố đã và đang rất quan tâm giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm.
Bên cạnh chôm chôm, măng cụt, dâu Hạ Châu… nhiều nhà vườn ở Cần Thơ và Hậu Giang hiện cũng đang bước vào mùa thu hoạch cóc với mức giá chấp nhận được.
Trong chuyến đi tham quan thực tế một số vườn xoài tại Đồng Tháp, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản thỏa thuận sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và xây dựng ngành hàng xoài ở Đồng Tháp.