Thu Tiền Tỉ Từ Trồng Tiêu
Vụ tiêu năm nay bị ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu dễ bị bệnh. Thế nhưng, nhờ áp dụng bón phân qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phòng chống bệnh kịp thời nên cây tiêu phát triển tốt, sản lượng đạt cao, một số người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa thu về tiền tỉ.
Bà Vũ Thị Hà ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) trồng 1,2ha tiêu, vụ này thu hoạch được 5 tấn tiêu khô; với giá bán 200.000 đồng/kg, bà thu về 1 tỉ đồng. Bà Hà cho hay năm nay nắng hạn nhưng tiêu vẫn được mùa, cộng với giá bán cao nên người trồng tiêu ai cũng phấn khởi.
Cách đây 4 năm, gia đình bà Hà đầu tư trồng tiêu, đây là năm đầu tiên bà thu hoạch tiêu. Các năm trước, thị trường tiêu biến động thất thường, khiến nhiều người ít đầu tư chăm sóc, nhưng gia đình bà vẫn quyết tâm đầu tư vốn để chăm sóc tiêu.
Bà Hà cho lắp đặt một hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây xanh xung quanh vườn tiêu để làm hàng rào chắn gió và làm hệ thống thoát nước. “Tôi chăm sóc vườn tiêu theo mô hình thâm canh sinh học thông qua bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh. Với cách làm này đã hạn chế được nấm bệnh gây hại trên cây tiêu, cho năng suất cao”, bà Hà nói.
Cạnh vườn tiêu của bà Hà là vườn tiêu của ông Lê Xuân Phương rộng 3ha, trong đó 1,1ha cho thu hoạch. Vụ tiêu vừa qua, ông Phương thu hoạch được 5 tấn tiêu khô, với giá bán 200.000 đồng/kg, ông cũng thu về 1 tỉ đồng. Sở dĩ có được kết quả này, theo ông Phương là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc cây.
Hiện vườn tiêu của gia đình ông Phương được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Với công nghệ này, ông không phải tốn nhiều công sức vì việc tưới vườn cây hoàn toàn tự động.
Hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm nước tối đa mà còn tránh được sâu bệnh, đứt rễ hoặc úng gốc cây tiêu. Khi bón phân chăm sóc cho cây, chủ vườn hòa trực tiếp phân bón vào bồn chứa nước, sau đó thông qua hệ thống tưới tự động này để bón đến từng gốc cây, vừa tiết kiệm, vừa phân bố đều nước, đồng thời dùng phân hữu cơ trùn quế có nấm đối kháng Trichoderma để bón lót và bón thúc cho cây tiêu.
Theo ông Phương, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp vườn tiêu cho năng suất cao hơn so với cách tưới nước thông thường như trước đây.
Ngoài ông Phương, bà Hà, tại xã Sơn Thành Tây còn có hộ bà Trần Thị Sương, Vũ Thị Lan, mỗi gia đình trồng 1ha tiêu, vụ này có thu nhập khoảng 1 tỉ đồng. Ông Đặng Sĩ Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, cho biết: Với giá tiêu tăng cao như hiện nay, hộ nào trồng 1ha tiêu và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tăng cường bón phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thì doanh thu đạt 1 tỉ đồng.
Lợi nhuận từ việc trồng tiêu khá cao, nên nhiều người mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng diện tích tiêu. Hiện tại xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông có 688ha, tăng 115ha so với năm 2013. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, tỉnh cần sớm quy hoạch chi tiết vùng trồng tiêu, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu; đồng thời tổ chức khảo nghiệm, chọn lọc giống tiêu mới cho năng suất cao và kháng một số bệnh nguy hiểm để nông dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi thay thế tôm càng xanh trước đây. Việc thay thế này bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Những năm gần đây, khi nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mở trại sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt để cung cấp cho thị trường. Thực tế thấy, mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và có xu hướng ngày càng mở rộng.
Gần 2 năm nay giá nghêu giống quá thấp, nên ông Trần Văn Vinh (Bảy Vinh), ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có ý tưởng tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại sản xuất nghêu giống để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường tuy đã được các địa phương quan tâm thực hiện song kết quả chưa cao. Để nâng cao tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường, nhiệm vụ đặt ra cho các ban ngành, cơ quan là cần có nhiều giải pháp, mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn có tính khả thi như VAC (vườn, ao, chuồng).
Người dân ở các vùng được qui hoạch ngọt hóa ở một số xã tại Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) trong hơn một năm qua đã “lén lút” đào ao nuôi tôm nước mặn vì lợi nhuận từ con tôm quá mạnh mẽ. Dù chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn làm cho bằng được, không ngại khó khăn, tốn kém, cản trở…