Khai Thác Thủy Sản Cần Quy Hoạch Lại Ngành Nghề
Dẫn đầu cả nước về số tàu thuyền cũng như sản lượng thủy sản được khai thác, đánh bắt nhưng khi nhắc đến Quảng Ngãi, người ta lại nghĩ ngay đến… thợ lặn hoặc các đôi tàu giã cào cao tốc, những nghề vốn không được khuyến khích phát triển hiện nay.
Những nghề “ngư dân chuộng, ngành chức năng đau đầu”
Mới đây, ngày 12.8, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam đã bắt giữ và lập biên bản xử phạt hành chính (24 triệu đồng/tàu) đối với 4 đôi tàu giã cào của 4 ngư dân Quảng Ngãi là Lê Văn Trà, Lê Văn Kỳ, Hồ Văn Tường đều ngụ xã Nghĩa An và Nguyễn Đông ở Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi).
Theo đó, 4 đôi tàu này đã vi phạm quy định về khai thác thủy sản khi hoạt động trái phép dọc những tuyến bờ của vùng biển Quảng Nam với hình thức đánh bắt, tận diệt nguồn lợi và làm hư hỏng nhiều ngư lưới cụ của ngư dân sản xuất tại các vùng bãi ngang tỉnh Quảng Nam.
Đây không phải lần đầu mà trước đó, nhiều đôi tàu giã cào của ngư dân Quảng Ngãi đã bị ngành chức năng trong tỉnh nhắc nhở; thậm chí bắt giữ, xử lý vì đã “cày nát” các vùng biển ven bờ.
Tuy nhiên, không biết do việc xử lý còn nhẹ hay vì “chén cơm manh áo” - nói như chủ tàu Lê Văn Trà mà các đội tàu giã cào trong tỉnh vẫn không từ bỏ cách khai thác “đụng gì cào nấy” của mình. Thế nên dù lực lượng hùng hậu (1.963/5.441 chiếc), lại đóng góp không nhỏ vào con số 124 nghìn tấn thủy sản khai thác, đánh bắt trong 9 tháng đầu năm 2014 nhưng tàu giã cào vẫn là cái tên không được ngành nông nghiệp chào đón.
Cùng với giã cào thì nghề lặn cũng được Bộ NN&PTNT liệt vào danh sách “không khuyến khích phát triển”. Lý do, ngoài việc nguy hiểm, rủi ro cao thì những đối tượng thủy sản mà thợ lặn đánh bắt thường là các loài thủy hải sản quý hiếm không khuyến khích khai thác.
Chẳng thế mà khi nói đến nghề lặn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng mới bảo rằng: “Những ngư dân hành nghề thợ lặn ở Quảng Ngãi vô tình nổi tiếng về độ liều lẫn cách khai thác tàn phá và hủy diệt của mình”.
Đã đến lúc cần được “chỉnh trang”
Theo ngư dân Võ Lai, hành nghề lưới rê ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) thì hiện giờ, việc khai thác thủy sản trên biển đã nền nếp, quy củ hơn trước; nhất là khi các tổ, đội đánh bắt ra đời.
Tuy nhiên, điều này chưa đủ khi mà không ít ngư dân vẫn hoạt động theo kiểu “thích đâu quăng lưới đấy” - bất kể là vùng biển gần bờ hay xa bờ; rồi đối tượng khai thác cũng không ngừng chạy theo thị hiếu người tiêu dùng: Độc, lạ, hiếm và ngon. Hẳn thế mà dù không được khuyến khích phát triển, ngư dân vẫn rủ nhau đóng mới, nâng cấp tàu thuyền để hành nghề giã cào hoặc lặn nhằm săn được nhiều loại thủy sản, nâng cao lợi nhuận.
Ấy nên “lắm lúc những người hành nghề lưới rê, lưới vây như chúng tôi cũng ấm ức vì mình “bắt lớn thả nhỏ” nên thu nhập thấp, thậm chí có chuyến lỗ tổn”, ông Lai cho hay.
Xảy ra tình trạng này, một phần do chúng ta chỉ chú trọng vào việc khai thác đánh bắt, mà chưa tập trung vào khâu chế biến khiến hiệu quả sản xuất của ngư dân thấp. Thế mới có chuyện nghề nào, con gì có lợi là bà con lại lao vào làm, bất chấp hậu họa và rủi ro.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương đề xuất: “Đã đến lúc phải quy hoạch lại nghề khai thác, đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững-tức ưu tiên ngành nghề, đối tượng. Đồng thời ngành chuyên môn cần tăng cường hỗ trợ ngư dân trong việc tìm và định hướng ngư trường”.
Có điều, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt nhưng dường như, việc triển khai thực hiện chưa thực sự hiệu quả khi mà các cảng cá, khu chế biến hay dịch vụ hậu cần nghề cá đã thiếu lại yếu; tiêu thụ sản phẩm thì ngư dân tự bơi…
Do đó hiện giờ, ngoài việc trông chờ vào Nghị định 67 (có sàng lọc đối tượng, loại ngành nghề thuộc nhóm ưu tiên) thì ngư dân hành nghề thuộc diện “được khuyến khích” cũng rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh, bố trí và quy hoạch ngành nghề hợp lý để nguồn lợi thủy sản không bị cạn quá nhanh, quá sớm.
Có thể bạn quan tâm
Cơ sở nấm thực phẩm và nấm dược liệu chất lượng cao Ba Vàng nằm khuất dưới chân núi Ba Vàng, phường Quang Trung, TP Uông Bí (Quảng Ninh) thế nhưng vẫn thu hút du khách vào mua và tham quan.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Trường, ở xã Cam Thủy và ông Nguyễn Đức Chiến, ở thị trấn Cam Lộ với diện tích ao nuôi là 2.000m2, số lượng cá giống là 30.000 con.
Huyện đã triển khai trợ giá 4 tấn giống lúa, gồm: Đoàn kết, Sin6, GS9, Thục hưng cho nông dân các xã: Tiên Thành, Mỹ Hưng, Cách Linh và thị trấn Hòa Thuận với định mức 22.000 đồng/kg, tổng trị giá hỗ trợ 88 triệu đồng.
Theo mục tiêu của dự án, đến năm 2020, sẽ có ít nhất 70% các công ty sản xuất chế biến cá tra (nhỏ và vừa) và 30% các hãng sản xuất thức ăn thủy sản tham gia chương trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch; Ít nhất 50% các DN lớn của Việt Nam cung cấp các sản phẩm thủy hải sản đạt tiêu chuẩn ASC đến châu Âu và các thị trường quốc tế.
Dự án hỗ trợ nhân dân trồng 1 ha cỏ voi tại xã Minh Tâm; triển khai mô hình trồng cỏ voi VA06 tại 2 xã: Thành Công, Ca Thành, thu hút 31 hộ tham gia; tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn gia súc cho 65 học viên; hỗ trợ 864 túi ni lon ủ chua thức ăn và 17 máy thái cỏ cho 5 xã thuộc vùng dự án; hỗ trợ 8 hộ, mỗi hộ 2 triệu đồng để di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở.