Teo Tóp Vùng Đặc Sản Vú Sữa Lò Rèn
Vĩnh Kim (Tiền Giang) và các xã lân cận từ lâu đã hình thành vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn bậc nhất cả nước. Thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng này gắn liền với địa danh nơi đây, rất được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của Châu Thành lại đang có xu hướng giảm.
Chuyển đổi dần
Trở lại Vĩnh Kim và các xã lân cận trong những ngày vụ vú sữa đang bắt đầu, chúng tôi không còn thấy những vườn vú sữa Lò Rèn chuyên canh xanh mướt chạy dài theo các mương, liếp mà thay vào đó là những vườn xen canh hay đã được chuyển đổi sang cây trồng mới. "Bây giờ mà tìm vườn vú sữa Lò Rèn chuyên canh hơn bị khó" - một nhà vườn nói với chúng tôi như thế khi đề cập đến thực trạng cây vú sữa Lò Rèn trong vùng.
Chúng tôi tiếp tục hỏi thăm về vườn chuyên canh vú sữa Lò Rèn nhưng cũng chỉ nhận những cái lắc đầu, trong đó có nhiều chủ vườn đã từng gắn bó với cây ăn trái đặc sản này hàng chục năm. Ông Tư Xê, ấp Hữu Lợi, xã Hữu Đạo, một trong những người có nhiều tâm huyết với cây ăn trái đặc sản của huyện Châu Thành cho biết, ông có hơn 15 năm trồng vú sữa Lò Rèn.
Vài năm trở lại đây, các cây vú sữa trong vườn của ông bỗng nhiên xuống sức thấy rõ, một số cây bị bệnh khô cành thối rễ, nên ông đã đốn dần và thay thế bằng bưởi da xanh và dừa. Từ 121 cây vú sữa Lò Rèn ban đầu đến nay chỉ còn khoảng 30 cây. Những cây vú sữa Lò Rèn còn lại sẽ tiếp tục được thay bằng 2 cây trồng này.
Vĩnh Kim, vùng đất đã làm nên "tên tuổi" gắn với thương hiệu Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, giờ đây lại đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" cây trồng này.
Theo các nhà vườn kỳ cựu trong vùng, hiện nay, phần lớn vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim đều đã già cỗi hoặc bị bệnh và được người dân chuyển đổi dần sang các cây trồng khác. Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Kim, xã hiện có 317 ha trồng vú sữa Lò Rèn, trong đó, chỉ có khoảng 160 ha vườn tạm gọi là chuyên canh (vườn có phần lớn trồng cây vú sữa Lò Rèn), số diện tích còn lại đã xen cây trồng khác. Ước tính mỗi năm, xã có khoảng 20 - 30 ha vú sữa Lò Rèn bị già cỗi, bệnh chết và được thay thế dần bằng vú sữa tím hay các cây trồng khác. Xu hướng chuyển đổi này vẫn đang tiếp tục.
Tiếc nhưng biết làm sao hơn?
Khi nói về việc từ bỏ một cây trồng đặc sản nổi tiếng gắn bó lâu đời với vùng đất và nhà vườn nơi đây, ông Huỳnh Văn Lớn, ấp Vĩnh Quý, xã Vĩnh Kim bày tỏ: "Trồng vú sữa Lò Rèn khoảng 30 - 40 năm nay, giờ bỏ tôi tiếc lắm chứ. Nhưng biết làm sao hơn khi cây vú sữa Lò Rèn giờ bị cỗi nhanh quá, nguy cơ bị bệnh khô cành thối rễ cao".
Cũng như các nhà vườn khác, mấy năm qua, ông Lớn đã cho xen sa pô, bưởi để thay thế những cây vú sữa Lò Rèn bị cỗi, bệnh. Việc chuyển đổi này đang tiếp tục và sẽ hoàn tất trong vài năm tới.
Không riêng gì ông Lớn mà phần lớn nhà vườn từng gắn bó với cây đặc sản Châu Thành cũng đều có cảm giác như thế khi phải từ bỏ cây trồng yêu thích một thời.
Nguyên nhân là do những năm gần đây, tuổi thọ của cây vú sữa Lò Rèn có xu hướng giảm mạnh (bị già cỗi rất nhanh chỉ sau trồng từ 6 - 10 năm); bệnh khô cành thối rễ hoành hành, nhưng chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu, việc trồng lại cây vú sữa Lò Rèn trên vườn cũ không hiệu quả... Trong khi đó, chi phí đầu tư chăm sóc từ khi trồng đến khi cây cho trái không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim khẳng định, trồng vú sữa Lò Rèn rất hiệu quả nếu năng suất, chất lượng trái đảm bảo và duy trì trong thời gian dài. Như bây giờ, điều này rất khó. Theo ông, trước đây, tuổi thọ của cây vú sữa Lò Rèn rất cao, có thể lên đến trên 70 năm, còn bây giờ chỉ trên dưới 10 năm.
Đó là lý do mà thời gian qua, vú sữa Lò Rèn không còn là cây trồng ưa thích của nhà vườn trong vùng. "Nếu các nhà khoa học không sớm tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời những biểu hiện này, diện tích vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn sẽ còn tiếp tục giảm.
Năm 2014, theo kế hoạch được phân bổ, Vĩnh Kim trồng mới 25 ha vú sữa Lò Rèn. Đây là một vấn đề nan giải của xã trong tình hình cây trồng này đang rơi vào thoái trào. Trước mắt, chúng tôi phải chấp nhận giải pháp trồng xen canh thôi" - ông Đức bày tỏ.
Ông Trương Thành Vinh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim bày tỏ, vú sữa Lò Rèn đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi vú sữa tím và các cây trồng khác do cây có xu hướng suy thoái nhanh.
Trong thời gian dài, nhà vườn để cây mang nhiều trái quá, kéo dài thời gian thu hoạch kết hợp với sử dụng phân hóa học trong xử lý làm cho cây suy thoái nhanh, dễ bị bệnh tấn công...
Mong các ngành, các cấp sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, khôi phục vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn, nâng cao giá trị và thương hiệu trái cây đặc sản này.
Những năm qua, các sở, ngành của tỉnh cùng với địa phương có nhiều nỗ lực thúc đẩy, phát triển cây trồng đặc sản này. Cụ thể, tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ và phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn, trong đó có xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hỗ trợ xây dựng nhà đóng gói; kết hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu và xúc tiến đề tài phòng chống bệnh khô cành thối rễ.
Về phía huyện, Châu Thành ban hành nghị quyết và kế hoạch về phát triển vú sữa Lò Rèn, xây dựng các mô hình sản xuất theo GAP, thành lập hợp tác xã chuyên về sản xuất và tiêu thụ vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim...
Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa thể khôi phục và phát triển vị thế của cây trồng đặc sản này trong vùng. Nếu không có giải pháp kịp thời, hữu hiệu, vùng chuyên canh cây đặc sản vú sữa Lò Rèn bậc nhất của cả nước tiếp tục "teo tóp", thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước này sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Ông Trương Thành Vinh khẳng định, chất lượng trái vú sữa Lò Rèn thì không có loại vú sữa nào bằng. Song, vú sữa tím cho trái to, màu sắc đẹp lại dễ trồng nên đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, lợi thế rất lớn của vú sữa tím là thu hoạch sớm hơn vú sữa Lò Rèn từ 1,5 đến 2 tháng, nên thường bán được giá cao.
Vỏ trái dày dẫn đến thời gian bảo quản được lâu hơn, tốc độ xuống màu chậm. Đó là lý do vài năm trở lại đây, diện tích vú sữa tím trong vùng phát triển nhanh. Nếu cứ đà này, vài năm tới, diện tích vú sữa tím sẽ phát triển lên ngang bằng với vú sữa Lò Rèn.
Có thể bạn quan tâm
Là địa phương tiêu thụ lớn các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản (khoảng 8.000 tỷ đồng/năm), trong khi công tác quản lý chủ yếu “phần ngọn” nên Cà Mau được xem là mảnh đất “béo bở” để các công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này tăng cường khai thác. Nhu cầu thị trường lớn, kèm theo đó là hàng loạt những tồn tại, bất cập trong quản lý là cơ hội cho các đối tượng kinh doanh bất chính hoạt động.
Hiện bông sậy tươi mua tại chỗ giá trên dưới 5.000 đ/kg, bông sậy khô từ 15.000-17.000 đ/kg tuỳ theo chất lượng từng loại. So với năm trước, bông sậy tươi đắt hơn khoảng 1.000 đ/kg, còn bông sậy khô khoảng 3.000 đ/kg.
Theo lời giới thiệu của ông Hồ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận), chúng tôi tìm đến trang trại của vợ chồng anh Võ Thanh Thanh và chị Võ Thị Mỹ Hạnh, ở khu phố 6, thị trấn Tân Sơn, được biết đến như tấm gương sản xuất giỏi của địa phương.
Đây là thời điểm cuối vụ khai thác cá ngừ đại dương, chúng tôi tranh thủ mua để kịp cung cấp cho các đầu mối. Mỗi ngày mặc dù tôi đến cảng rất sớm nhưng chỉ thu mua được trên 20 con cá ngừ đại dương.
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời ý kiến đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp liên quan đến Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.