Chống Hạn Cho Cây Trồng Vụ Mùa
Trước tình hình nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, tỉnh ta đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, chủ động triển khai nhiều biện pháp sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi vụ Mùa năm nay. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.
Theo chỉ đạo của tỉnh, lúa vụ Hè thu hoạch đến đâu, các địa phương hướng dẫn nông dân làm đất và xuống giống lúa vụ 3 đến đó.
- Trong ảnh: Nông dân huyện Tuy Phước thu hoạch lúa vụ Hè.
* Ông có thể cho biết về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm nay để phù hợp với tình hình thiếu nước tưới do nắng hạn kéo dài?
- Vụ Mùa (bao gồm lúa gieo khô và lúa vụ 3) là vụ thường gặp nhiều yếu tố bất lợi. Năm nay, thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới bị thiếu nghiêm trọng ngay từ đầu vụ. Hiện có 123/165 hồ chứa đã cạn nước, lượng nước còn lại tại các hồ chứa (trừ hồ Định Bình) do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý còn 61/232 triệu m3 và lượng nước tại các hồ chứa do các địa phương quản lý chỉ còn 16/117 triệu m3.
Khi kết thúc vụ Hè Thu, hồ Cẩn Hậu ở huyện Hoài Nhơn (do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý) sẽ khô cạn và 142/146 hồ chứa do các địa phương quản lý cũng bị khô cạn, nên nguồn nước sẽ thiếu hụt nhiều hơn.
Do đó, tỉnh ta đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Mùa theo hướng giảm diện tích lúa không chủ động được nguồn nước tưới và tăng diện tích cây trồng cạn.
Đối với cây lúa, tỉnh ta có kế hoạch gieo sạ 18.000 ha, trong đó lúa vụ 3 là 13.000 ha và 5.000 ha lúa gieo khô. Đối với cây trồng cạn, phấn đấu sản xuất 3.000 ha bắp, 800 ha đậu phụng, 50 ha đậu nành và 4.500 ha rau các loại.
* Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện những giải pháp nào để đảm bảo hiệu quả sản xuất?
- Trên cơ sở nguồn nước hiện có, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp kỹ thuật sản xuất vụ Mùa phù hợp. Đối với diện tích đất sản xuất lúa vụ 3, thời vụ xuống giống là từ cuối tháng 6 đến ngày 15.7, khi lúa vụ Hè thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất và xuống giống đến đó, đảm bảo thu hoạch trong tháng 9, chậm nhất thu hoạch xong trước ngày 10.10.
Trên cơ sở lịch thời vụ của tỉnh, cơ cấu giống lúa của tỉnh, các địa phương linh động điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, chỉ đạo nông dân tập trung đầu tư thâm canh ngay từ đầu vụ; bón phân cân đối đúng quy trình, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Đối với diện tích đất trước đây sử dụng để sản xuất lúa vụ 3, nay nguồn nước bấp bênh, chờ đến cuối tháng 9, tháng 10 có mưa đủ nước mới gieo sạ bằng các giống lúa ngắn ngày: TBR26, PC6, OM6976, ML202, ML214, An 14, AN 26…
Những diện tích đất trước đây sử dụng để sản xuất lúa vụ 3 nay không đủ nước để gieo sạ, nhưng đủ điều kiện để sản xuất các loại cây trồng cạn thì chuyển sang sản xuất bắp lai, mè, đậu đỗ các loại.
Đối với diện tích lúa gieo khô chúng tôi đã xây dựng 2 phương án sản xuất. Phương án 1 đối với những vùng khi đã có mưa đầu vụ, đất đủ ẩm, chỉ đạo nông dân sử dụng giống lúa trung và dài ngày để gieo khô chờ mưa, chăm sóc theo hướng thâm canh.
Thời vụ xuống giống lúa gieo khô tập trung thực hiện trong tháng 7, kết thúc chậm nhất trước ngày 10.8, đảm bảo thu hoạch dứt điểm trong tháng 11 để không ảnh hưởng tới vụ sau.
Cơ cấu giống chủ lực lúa gieo khô: ĐV108, VĐ8, VTNA2, TBR1, ĐB6, Q5, TBR45, BC15, gieo với mật độ 160-180 kg/ha. Phương án 2 với trường hợp không xảy ra mưa, đất không đủ ẩm thì chờ đến cuối tháng 9, tháng 10 khi có đủ nước thì chuyển sang sạ với các giống lúa TBR36, PC6, OM 6976, ML202, ML214, AN14, AN26.
* Còn giải pháp chống hạn cho cây trồng vụ Mùa thì sao, thưa ông?
- Trước tình hình nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, Sở NN-PTNT đã xây dựng và đề xuất giải pháp chống hạn cho vụ Mùa.
Hiện chúng tôi đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra cụ thể lượng nước hiện có, khoanh vùng tưới thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới, khu vực bị hạn cho các xã, phường, thị trấn biết để chủ động chống hạn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi điều tiết hợp lý lượng nước tại các công trình do công ty quản lý, ưu tiên dòng chảy cơ bản các sông suối, lượng nước thủy điện An Khê-Kanak, điều tiết hợp lý lượng nước tại hồ Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một, Hội Sơn, Hội Vân, để dành nước chống hạn, tưới cho cây trồng vụ 3 và hỗ trợ cho các nhu cầu khác.
Bên cạnh đó, xây dựng phương pháp tưới tiết kiệm theo từng giai đoạn của cây trồng và in tờ rơi để hướng dẫn cho nông dân các địa phương áp dụng. Thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới cho chính quyền các địa phương biết để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất phù hợp.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phát huy hết công suất các công trình cấp nước tập trung đã xây dựng để phục vụ nhân dân trong vùng hưởng lợi và hỗ trợ cho các vùng lân cận; đẩy nhanh tiến độ mở mạng cấp nước tại công trình cấp nước tập trung Cát Nhơn để cấp nước cho dân.
Sở NN-PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh về định mức hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người, gia súc và cho các địa phương tạm ứng 5 tỉ đồng để phục vụ công tác phòng chống hạn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra cụ thể nguồn nước hiện có, khoanh vùng diện tích có thể chủ động được nước tưới, vùng không chủ động được nước tưới theo từng mức độ khác nhau thông báo cho dân biết.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy nông nạo vét kênh mương, khơi dòng sông, đắp các đập bổi để phục vụ nước tưới, vận động nông dân đóng giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Chính quyền các địa phương tăng cường các tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn thủy, điều tiết nguồn nước, hạn chế thất thoát và tranh chấp nguồn nước, đồng thời kiên trì thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
* Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Về nguồn thức ăn cho đàn ba ba, hiện nay mỗi ngày anh Quang cho 300.000 con ba ba giống và ba ba thịt thương phẩm ăn 2 lần trong ngày
Với ý tưởng nhờ mận “che bóng” cho cà phê, cách trồng xen này đã mang về cho lão nông 250 triệu đồng mỗi năm.
Các giống ba ba đưa vào nuôi lồng ghép với cá trắm, chép, trê lai là ba ba gai, ba ba tía và ba ba xanh, trong đó ba ba gai có chất lượng và giá trị kinh tế cao
Tự chế biến thức ăn cho lợn từ bã bia, bã đậu nành với cám ngô, cá tạp, khô dầu lạc/đậu tương và chế phẩm sinh học, gia đình anh Hà thu được lãi thuần hơn 2 tỷ
Trang trại này trước đây là những chân ruộng chuyên màu, canh tác không hiệu quả, sau khi được anh Hoàng thuê nhượng lại, đã trở thành vườn cây ăn quả trù phú.