Tây Ninh Khẩn Trương Phòng Dịch Sâu Đục Thân Hại Mía
Ngày 2.10.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký quyết định công bố dịch sâu đục thân loài mới có tên khoa học Chilo tumidicostalis gây hại cây mía trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị sâu đục thân phá hại khoảng hơn 5.000 ha.
Khẩn trương phòng dịch
Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích trồng mía năm 2014 là 20.984,8 ha phân bố các huyện có diện tích trồng tập trung như: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu và Bến Cầu.
Thống kê gần đây cho biết, tổng diện tích mía bị sâu đục thân phá hại khoảng hơn 5.000 ha, trong đó diện tích mía nhiễm nhẹ trên 4.000 ha, nhiễm trung bình khoảng 500 ha, nhiễm nặng trên 400 ha và nhiễm rất nặng trên 30 ha. Huyện có diện tích mía nhiễm sâu hại nhiều nhất là Châu Thành với tổng diện tích bị nhiễm gần 3.700 ha.
Thực trạng sâu hại mía cho thấy, sâu tập trung trên cây với mật số đông, cắn phá theo từng cụm chung quanh bờ (cách bờ khoảng 10 - 15 m), nếu bị phá hại nặng cây sẽ chết. Sâu mía phá hại hầu hết các giống có trong vùng nguyên liệu như: LK92-11; K95-156; K84-200; K88-92; K2000-89….
Gần như diện tích bị nhiễm sâu đều ở giai đoạn mía vươn lóng từ 3 - 9 tháng tuổi, rất khó sử dụng thuốc hóa học phòng trị khi sâu đã đục vào thân cây. Hầu hết các điểm bị nhiễm sâu đều không được bóc lá, người dân chưa quan tâm đến việc phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, tập quán canh tác hiện tại thích hợp cho sâu phát triển, tỷ lệ nở từ trứng đạt rất cao (khoảng 97,%).
Trong khi đó, sự phối hợp công tác dự tính, dự báo và giám sát của ngành Bảo vệ thực vật và các công ty, nhà máy đường chưa thường xuyên, còn chủ quan trong nhiều năm qua.
Để hạn chế lây lan và phòng trừ sâu hại hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên bóc lá mía giúp cho ruộng mía thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trị kịp thời. Khi thu hoạch cần chặt sâu, đốt lá mía làm hạn chế nguồn lây nhiễm trên đồng. Đối với mía trồng mới, nên chọn giống kháng sâu đục thân.
Ngành Bảo vệ thực vật cần nuôi nhân thả các loài ong ký sinh như ong măt đỏ Trichogramma, ong kén trắng Cotesia flavipes, ong đen Tetrastichus sp; bọ đuôi kìm Eborellia sp.
Nếu mía có mức độ nhiễm nhẹ cần chặt bỏ những cây có sâu gây hại, đưa ra ngoài ruộng mía tiêu hủy. Mức độ nặng cần phun thuốc hóa học bằng máy cao áp (các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Deltamethrin; Cypermethrin và Chlorantrantraniliprole)…
Hỗ trợ nông dân có mía bị sâu hại
Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh Vương Quốc Thới cho biết, ngành cũng đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch sâu hại trên cây mía trong toàn tỉnh và chính sách hỗ trợ nông dân.
Theo đó, để công tác phòng, chống sâu hại mía đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT Tây Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống sâu hại mía từ Ban chỉ đạo phòng, chống rệp sáp bột hồng trên cây mì.
Đồng thời, Sở NN&PTNT, các địa phương có dịch sâu hại thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá, xác định diện tích mía bị nhiễm sâu hại để có chính sách hỗ trợ giống mía cho nông dân trong vụ tới (hỗ trợ một lần bằng tiền mặt).
Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Nông dân có diện tích mía bị nhiễm sâu hại từ 1 đến 29% không được hỗ trợ; diện tích mía bị nhiễm từ 30 - 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; diện tích mía nhiễm sâu bệnh từ 71% trở lên được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.
Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn về công tác phòng, chống sâu hại mía cho các địa phương, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp ở huyện, xã và nông dân.
Sở NN&PTNT Tây Ninh cũng yêu cầu các nhà máy đường trong tỉnh có kế hoạch thu hoạch mía sớm niên vụ 2014 – 2015, trong đó ưu tiên thu hoạch những diện tích bị sâu hại nặng và khẩn trương chuyển từ vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến để hạn chế thiệt hại cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.
Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.
Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt ngày một phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn cung ứng cho thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.
Tại chợ Chắc Cà Đao (thị trấn An Châu, Châu Thành - An Giang) các tiểu thương bán cá rô đồng dính lưới 3 phân (cỡ khoảng 2 ngón tay/con), với giá 100.000 đồng/kg. Đây là loại cá rô được dân nghèo giăng lưới đánh bắt trong mùa nước nổi.