Tây hóa quá trình chăn nuôi hướng tới xuất khẩu thịt

Công ty TNHH Belga (liên doanh Bỉ, Hà Lan) đang sản xuất 1 triệu con gà công nghiệp mỗi tháng theo chuỗi liên kết bốn bên, trong đó công ty De Heus cung cấp thức ăn, Belga làm con giống, nông dân đầu tư trang trại và công ty San Hà lo phần giết mổ và phân phối.
Đã có hàng trăm nông dân đầu tư 80 trại gà “hùn” vào chuỗi liên kết này, bởi họ nhận thấy đây là mô hình “vượt ra khỏi quy trình chăn nuôi truyền thống”.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu – người tham gia chuỗi liên kết trên – nói quy trình kỹ thuật chăn nuôi mà Belga yêu cầu lấy từ tiêu chuẩn của Hà Lan và Bỉ.
Theo đó, trại gà phải được thiết kế thân thiện môi trường, xa dân cư, nuôi chuồng kín có gắn máy điều hoà không khí.
Gà giống sạch bệnh chuyển từ Hà Lan và Bỉ qua, ít phải sử dụng kháng sinh.
Cuối kỳ xuất chuồng kiểm tra không còn tồn dư lượng các chất cấm.
Ông Nguyễn Minh Khanh, giám đốc kinh doanh công ty Belga cũng cho hay, về cơ bản, mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp cho các bên ổn định sản xuất và đầu ra để có thể phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Ngoài ra, tất cả bốn bên trong chuỗi liên kết đều hạ được giá thành vì không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào như trước đây.
Cách nay chừng hai năm, giá thành chăn nuôi một ký gà công nghiệp phổ biến ở mức 30.000 đồng.
Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, nhờ nuôi gà kiểu tây, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín theo chuỗi, người chăn nuôi và doanh nghiệp giảm giá thành được 4.000 đồng.
Công ty Koyu & Unitek, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cũng đang “bê” nguyên quy trình kiểm soát con gà kiểu Nhật sang Việt Nam với mục đích rõ ràng là hướng đến xuất khẩu.
Ban đầu, khá nhiều nông dân tỏ ra bỡ ngỡ trước yêu cầu nuôi gà kiểu Nhật của Koyu & Unitek.
Từ công thức cám cho gà ăn, sử dụng chất kháng sinh đến việc xác nhận con giống thả nuôi đều do người Nhật quản lý.
Nuôi gà kiểu Nhật khó đến mức như ông Nguyễn Minh Kha, một chủ trại kỳ cựu ở Đồng Nai mới tiếp xúc lần đầu phải thốt lên “khó như vậy làm sao làm được”.
Vậy mà, cũng như ông Kha, nhiều nông dân sau thời gian làm với Koyu & Unitek mới thấy hiệu quả rõ rệt.
Theo họ, quy trình nuôi tuy khó hơn nhiều so với nuôi thông thường, nhưng sản phẩm làm ra có giá thành cạnh tranh hơn hẳn và xuất khẩu được nên giá bán cao hơn.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngoài Nhật Bản, còn có New Zealand, Nga và một số nước Đông Âu cũng có nhu cầu nhập gà từ Việt Nam.
Vấn đề là đến nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh theo yêu cầu quốc tế.
Hiện, cục Thú y đang tích cực xây dựng quy chuẩn này, tuy đã muộn.
Ông Nguyễn Minh Khanh, giám đốc kinh doanh công ty Belga cho biết công ty này đã lập ra được các khu vực trại và đang chờ cục vào đánh giá để cấp mã số.
Dự kiến, qua năm 2016 công ty này sẽ xuất gà qua Nhật và Nga.
Có thể bạn quan tâm

“Vụ lúa trên đất nuôi tôm chỉ nên sản xuất ở những nơi đủ điều kiện, đừng quá rập khuôn theo kế hoạch để rồi dẫn đến thiệt hại không đáng có”. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải.

Thực hiện dự án khuyến nông Trung ương năm 2015, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang triển khai mô hình “Nuôi thâm canh lươn đồng”, nhằm giúp nông dân tiếp cận với biện pháp nuôi lươn kỹ thuật mới.

Thực hiện phong trào chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, ngành Thuỷ sản Bắc Ninh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Những tháng cuối năm được xác định là thời điểm “vàng” để ngành kinh tế thủy sản bứt phá hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm. Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau đã có kế hoạch nhằm cùng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dồn sức cho thời cơ này.

Sáng 16/10, tại TP Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An tổ chức hội thảo nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap tại các tỉnh ven biển miền Bắc.