Mô hình VAC khép kín ở Nam Định
Anh Bùi Văn Lương ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã “biến” bãi ruộng hoang thành trang trại VAC cho thu nhập cao.
Mô hình nuôi bò thịt của gia đình anh Bùi Văn Lương. Ảnh: Mai Chiến.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em, kinh tế eo hẹp nên sau khi học hết lớp 9, chàng thanh niên sinh năm 1985 phải tạm dừng việc học, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học.
Thời gian cứ thế trôi đi, có trong tay khoản tiền nho nhỏ, anh Lương trở về quê cùng gia đình thuê lại 2 mẫu ruộng hoang hóa ở vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ để trồng cỏ, nuôi bò. Khu bãi ruộng này, trước đây người dân chủ yếu trồng dâu nuôi tằm; nhưng vì là vùng trũng, cứ mưa to hoặc triều cường lên là nước ngập trắng ruộng.
Do đó, nghề “ăn cơm đứng” không còn mang lại hiệu quả, thu nhập bếp bênh; người dân nơi đây bỏ dần, để ruộng không mặc cho cỏ mọc um tùm.
Vốn dĩ thích làm nông nghiệp, trong khi đó tận mắt nhìn thấy từng “tấc đất, tấc vàng” ở quê cứ dần bị bỏ hoang; không đành lòng, năm 2017 anh Lương quyết định thuê lại những mảnh ruộng manh mún của người dân, dồn lại thành khu đất lớn, phát triển mô hình VAC quy mô trang trại.
Sau nhiều năm cải tạo, đầu tư, gia đình anh đã “biến” khu ruộng để hoang thành trang trại VAC rộng mênh mông lên đến 4ha. Trang trại chủ yếu là thả cá truyền thống, nuôi bò thịt, giun quế, trồng chuối tây, cỏ voi…
Anh Lương bảo: Hiện tại trang trại đang chăn nuôi 35 con bò thịt gồm bò bố mẹ, bò choai. Mỗi năm xuất bán ra ngoài thị trường từ 10 - 15 con, trọng lượng trên 100kg/con. Với giá bán 200.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, trang trại thu về trên 100 triệu đồng/năm.
Về nuôi trồng thủy sản, trang trại tập trung nuôi những loại cá truyền thống như cá trắm, mè, chim trắng… theo hình thức canh tác xen kẽ và nuôi riêng từng đối tượng. Qua tính toán, với số lượng 10 ao đầm, ao to nhất 1.000m2, ao nhỏ nhất 500m2, mỗi năm trang trại thu về 3 - 5 tấn cá các loại/vụ.
“Tùy theo thời điểm mà giá cá bán ra ngoài có sự điều chỉnh, tuy nhiên trang trại chủ yếu thu hoạch và xuất bán ra ngoài thị trường ở những tháng cuối năm nên giá bán không bị sụt giảm và biến động nhiều. Trung bình, dao động từ 15.000 - 20.000đ/kg đối với cá mè; 28.000 - 30.000đ/kg cá chim trắng; trên dưới 50.000đ/kg cá trắm”, anh Lương nói thêm.
Trên bờ trồng chuối, dưới ao nuôi cá. Ảnh: Mai Chiến.
Ngoài chăn nuôi bò thịt, nuôi cá truyền thống, trang trại của gia đình anh Lương còn tận dụng triệt để những khoảng đất trống để trồng chuối tây. Những hàng chuối thẳng tắp, xanh mướt, mang buồng chuối đến cả chục nải. Nhìn thoáng qua cũng phải lên đến hàng trăm khóm chuối. Mỗi khóm, anh Lương chỉ để 2 - 3 cây, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng; vừa không bị gió quật đổ khi có gió bão.
Theo anh Lương, trang trại bán chuối tây quanh năm, nhưng bán rộ nhất từ tháng 4 - 7 âm lịch. Với giá dao động từ 50.000 - 70.000đ/buồng, lợi nhuận từ chuối tây đem lại lên đến 50 triệu đồng/năm. “Nhờ mô hình VAC, mỗi năm trang trại thu về trên 200 triệu đồng. Qua đó, góp phần thay đổi cuộc sống gia đình…”, chàng trai 8X bộc bạch.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trang trại của gia đình, anh Lương cho biết, trang trại đang phát triển mô hình VAC theo hướng khép kín, không vứt bỏ đi một thứ gì. Phân bò dùng để nuôi giun quế, xử lý môi trường và được ủ hoai mục để bón cho cây chuối. Giun quế, thân và lá chuối được băm nhỏ trộn với cám viên cho cá ăn. Cỏ voi, cỏ ta là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cung cấp cho đàn bò.
“Nhờ vậy, môi trường xung quanh trang trại lúc nào cũng xanh, sạch đẹp; không có mùi hôi thối bốc từ chuồng bò. Bên cạnh đó, trang trại tuyệt đối không bao giờ sử dụng thuốc BVTV. Từ khi làm trang trại, gia đình chưa bỏ một đồng nào để mua thuốc BVTV”, anh Lương chia sẻ.
“Những cá nhân nào đang có định hướng làm giàu từ nông nghiệp, nhất là mô hình VAC thì nên tìm hiểu kĩ trồng cây gì, nuôi con gì sao cho phù hợp với vùng đất, điều kiện tự nhiên đang có. Tránh làm theo phong trào rồi nhận lại trái đắng…”, anh Lương tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi cua thương phẩm đang được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn bởi ngoài giá trị thương phẩm cao thì chi phí đầu tư trong nuôi cua không quá lớn
Cát Thịnh là vùng đất nuôi ba ba nổi tiếng của huyện Văn Chấn (Yên Bái), bất kể ai ở đây cũng biết một tỷ phú mới nổi, đó là ông Nguyễn Văn Nghị…
Ba ba là loại động vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, đầu ra đảm bảo, đặc biệt là lợi nhuận mang lại khá cao.