Tàu Thuyền Nằm Bờ Chờ Giá Cá
Đang mùa đánh bắt vụ cá Nam, nhưng nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam nằm bờ cả tháng trời, bởi cá rớt giá nên chuyến ra khơi nào cũng bị thua lỗ.
Tàu nào may mắn thì hòa vốn, còn không lỗ cả trăm triệu đồng/chuyến.
CÀNG ĐI CÀNG LỖ
Thời điểm này năm trước tại khu vực cảng Kỳ Hà thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam tàu thuyền tấp nập ra vào, số lượng tàu neo đậu rất ít, nhưng năm nay, rất nhiều tàu nằm bờ dài ngày. Gặp ngư dân ai cũng bảo, giá thu mua hải sản xuống quá thấp nên nhiều chủ tàu cho nằm bờ, bởi càng đi càng lỗ.
Ông Nguyễn Đức Nghiệp, ở thôn 2, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, chủ tàu cá QNa 90747 có công suất 450 CV. Tàu của ông Nghiệp đã nằm bờ gần 2 tháng nay, bản thân ông Nghiệp và 14 thuyền viên khác đi tìm những công việc mới mưu sinh.
Ông Nghiệp than thở: “Chưa thấy khi mô mà giá cá thấp như rứa. Cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù, cá ngừ huê loại đẹp (0,5 kg trở lên) thương lái mua với giá 24.000 đ/kg; loại 2 (0,5 kg trở xuống) giá 12 - 15.000 đ/kg. Với giá này thì ra khơi chỉ có lỗ, thuyền viên không có thu nhập”.
Từ đầu năm đến nay, tàu ông Nghiệp mới ra khơi được 2 chuyến. Chuyến đầu đi 25 ngày, tính ra ông lỗ 60 triệu đồng. Do đó ông đi vay lãi nóng để mua dầu, nhu yếu phẩm… ra khơi nhằm gỡ gạc. Ông bỏ ra 150 triệu đồng, sau 20 ngày đánh bắt, được 10 tấn cá, tính ra lỗ 80 triệu. Từ đó, ông quyết định cho tàu nằm bờ chờ cá tăng giá thì mới ra khơi tiếp. Thế nhưng gần 2 tháng trôi qua, giá cá vẫn nằm im.
Anh Ngô Xê, chủ tàu QNa 90998, công suất 340 CV đã nằm bờ hơn 1 tháng nay. Tàu anh Xê đánh bắt lưới vây. Theo anh Xê, từ giữa năm 2013 đến nay, giá cá xuống thấp vẫn không nhích lên được chút nào mà còn giảm mạnh chưa từng thấy.
“Giá đã thấp còn bị thương lái ép, khi tàu cập bờ, thương lái thuê người chọn từng con một để phân loại. Như trước đây cá loại 1 thì nay có nhiều con đưa xuống loại 2, do đó mỗi chuyến ra khơi đều bị lỗ”, anh Xê cho biết.
Từ đầu năm đến nay, tàu anh Xê ra khơi được 4 chuyến, trong đó chỉ được một chuyến lời 150 triệu đồng, còn 3 chuyến lỗ. “Mình sống bằng nghề biển, nếu không ra khơi thì lấy gì mà sống. Giờ chỉ mong giá cá ngừ các loại mức 30.000 đ/kg thì mỗi chuyến ra khơi sẽ có lãi, chứ ở mức giá này không dám đi biển”.
Ông Nguyễn Hữu Khoa, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải cho biết: Trên địa bàn xã có 30 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 25 chiếc nằm bờ hơn 1 tháng nay. “Ở xã có hơn 1.000 lao động làm nghề biển, tàu không ra khơi nên mọi người không có việc làm. Chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu ra thì lúc ấy bà con mới yên tâm bám biển”.
Ngoài giá cá thấp, theo ngư dân Ngô Xê, thời gian qua Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 khiến chi phí mỗi chuyến biển đội lên. “Như trước đây tàu chạy thẳng ra ngư trường nhưng nay phải đi vòng xuống Bình Định sau đó đi ngược lên, nếu mình đi thẳng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm va. Do đó, mỗi chuyến ra khơi khiến chi phí xăng dầu đội thêm 30 triệu”.
VẪN CÓ TÀU THU 2,6 TỶ ĐỒNG/CHUYẾN
Trái ngược với tàu đánh cá, tại Quảng Nam những ngư dân hành nghề câu mực trong thời gian qua lại trúng lớn. Có những tàu ra khơi thu về tiền tỷ.
Vừa cập bờ được 3 ngày, trên tàu có hơn 25 tấn mực khô đã bán hết, ngư dân Lương Văn Tồn (thôn 4, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) là chủ tàu câu mực QNa 91919, công suất 900 CV đang chuẩn bị dầu, nhu yếu phẩm để ra khơi tiếp. Chuyến ra khơi vừa rồi đi 70 ngày, bán hết số mực nói trên, ông Tồn thu được gần 1,8 tỷ đồng. Trừ phí tổn 600 triệu, tàu của ông Tồn còn thu 1,2 tỷ đồng.
“Từ đầu năm đến nay, tàu tôi ra khơi được 2 chuyến, chuyến đầu lời hơn 1 tỷ đồng, chuyến vừa rồi 1,2 tỷ đồng. Tính ra anh em mỗi lao động thu được 25 triệu đồng/chuyến, nên ai cũng phấn khới. Năm nay tàu câu mực có lãi nhiều hơn năm ngoái”, ông Tồn chia sẻ.
Ở xã Tam Giang có gần 50 tàu hành nghề câu mực thì tàu nào ra khơi cũng có lãi lớn. Trong đó phải kể đến tàu của ngư dân Lương Văn Tới (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thanh) chủ tàu QNa 90037 đoạt ngôi “quán quân” trong mùa khai thác hải sản 6 tháng đầu năm 2014 của xã.
Tàu ông Tới đạt kỷ lục 30 tấn mực khô, doanh thu 2,4 tỷ đồng. Theo ông Tới, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động (45 lao động) đi tàu có thu nhập 30 triệu, riêng ông Tới (chủ tàu) thu lãi 500 triệu.
Đặc biệt hơn, tàu câu mực QNa 96839 của ông Nguyễn Văn Bé (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang) xác lập kỷ lục sau chuyến xa khơi vừa qua đạt sản lượng khai thác 40 tấn mực khô. Tính ra, tàu đạt doanh thu 2,6 tỷ đồng. Trừ các khoản chi chi phí, mỗi lao động đi tàu ông Bé thu nhập 32 triệu, riêng chủ tàu thu 600 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
“Một nước lớn như Trung Quốc cũng có chưa đến 100 loại phân bón, vậy mà ở nước ta có những 5.000 loại với trên 1.000 cơ sở sản xuất phân bón. Như thế thì hai Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT làm sao có thể quản lý nổi?”.
Chương trình Bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) chỉ đạo lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội NDVN.
“Từ bé tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy nhiều ảnh tư liệu, hiện vật trưng bày liên quan nhiều đến nông dân, Hội NDVN đến như vậy. Tôi cảm thấy tự hào là nông dân Việt Nam, hãnh diện được là hội viên Hội Nông dân Việt Nam…”.
Đã gần 2 tháng kể từ ngày bàn giao, thế nhưng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 về hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép của Chính phủ, vẫn nằm bờ vì chờ ngư lưới cụ đồng bộ theo tàu. Trong khi đó, ngư dân đang mòn mỏi đếm từng ngày để được vươn khơi đánh bắt.
Ông Võ Văn Sơn ở xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận là một trong những nông dân sở hữu "cái nhất" đáng nể - ông là người có thu nhập "khủng nhất" với số tiền thu về lên tới 30 tỷ đồng/năm.