Tàu Sắt An Toàn Hơn
Hai chiếc tàu đánh cá vỏ sắt đầu tiên của ngư dân miền Trung đã và sẽ có chuyến “ra khơi dò bụng biển” đầu tiên. Hàng chục tàu cá vỏ sắt khác cũng đang được triển khai đóng cho ngư dân. Về lý thuyết, tàu lớn sẽ giúp ngư dân “thắng” lớn nhưng thực tế mới có câu trả lời chính xác.
Là người nhận chiếc tàu vỏ sắt đóng mới đầu tiên của cả nước, sau chuyến đánh bắt đầu tiên ở ngư trường Trường Sa, đến nay đã hơn một tháng ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn chưa cho tàu trở lại biển khơi đánh bắt.
Trang bị hiện đại
"Thích nhất là tàu sắt tốn ít nhiên liệu hơn. Tàu được thiết kế 10,5 hải lý/giờ, chạy từ Nha Trang về Đà Nẵng với tốc độ 8,3-8,7 hải lý/giờ chỉ tốn 21-22 lít dầu/giờ, nếu đi tàu gỗ với kích thước và lắp máy tương tự thì phải tốn 35 lít dầu/giờ"
Ông PHAN BÉ (đồng sở hữu tàu Sang Fish 01)
Gặp lại chúng tôi sau chuyến đi đầu tiên bằng tàu sắt, ông Văn kể chuyến đi dự kiến 40 ngày. Tàu xuất phát từ Quảng Ngãi đến ngư trường Trường Sa mất bốn ngày bốn đêm. Do nước chảy ngược, phải liên tục nhấn ga lớn để vượt và cắt sóng nên tốn nhiên liệu, mất hơn 6.000 lít dầu (bình thường khoảng 4.000 lít).
Bên cạnh đó, ra khơi vào thời điểm biển không thuận, gặp cá nhỏ, cá vụn nên sản lượng được ít, giá lại rẻ (chỉ hơn 7.000 đồng/kg), nên chỉ sau 10 ngày đi biển, ông Văn đã cho tàu trở về neo đậu tại Nha Trang. Hỏi kết quả đánh bắt, ông chỉ lấp lửng: “Đủ phí tổn!”.
Trước đó, đầu tháng 4-2014, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của cả nước mang tên Hoàng Anh 01 được hạ thủy. Từ Nha Trang, chiếc tàu to lừng lững rẽ sóng ra khơi chạy một mạch ngon lành về cửa Sa Cần (xã Bình Chánh) quê ông Văn để ra mắt bạn tàu, bà con chòm xóm. “Bà con, bạn tàu và các ngành chức năng đến dự lễ bàn giao khiến anh em nhận tàu ai cũng háo hức và hi vọng vào những chuyến biển bội thu” - ông Văn nhớ lại.
Thế nhưng trong đợt ra khơi vừa rồi, không chỉ tàu của ông Văn mà hơn 50 tàu cá công suất lớn đi lưới vây của xã Bình Chánh cũng lỗ nặng từ 50-100 triệu đồng. Hiện các tàu đang neo đậu ở bờ cả hơn tháng nay. “Mới một chuyến ngắn ngày thì chưa đánh giá được điều gì” - ông Văn trần tình.
Dù hiệu quả chưa như mong muốn nhưng qua thời gian chạy thử, các chủ tàu sắt đều cho biết đã nhận thấy những tính năng ưu việt hơn hẳn so với tàu gỗ. Tàu vỏ sắt được trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, rađa, thiết bị định vị toàn cầu GPS, nên ngư dân sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa.
Đặc biệt với vận tốc cao (9-11 hải lý/giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ sắt ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn so với tàu gỗ. Bên cạnh đó, tàu vỏ sắt còn được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, hệ thống hầm cá được bọc cách nhiệt và phủ composite nên việc bảo quản hải sản cũng tốt hơn.
Sau tàu Hoàng Anh 01, tàu vỏ sắt mang tên Sang Fish 01 cũng vừa hạ thủy chạy từ Khánh Hòa về đến Đà Nẵng để chuẩn bị ra khơi chuyến đầu tiên. Từng đi biển hơn 30 năm trên tàu gỗ nên lần đầu thử sức với tàu sắt trên hành trình này, ông Phan Bé, đồng sở hữu tàu Sang Fish 01, khẳng định tàu sắt có những ưu thế vượt trội.
Tàu được trang bị một máy đẩy chính có công suất 750 CV và hai máy phát điện đảm bảo quá trình vận hành dài ngày, đánh bắt cả ngày lẫn đêm trên biển. Tàu được lắp đặt rađa để quan sát chống va và phát hiện các phương tiện khác khi hoạt động vào ban đêm, có máy siêu quét dò ngang để tìm luồng cá chính xác.
Ngại vì vốn đầu tư lớn
Theo ông Phan Bé, giá trị đóng tàu là 7,3 tỉ đồng, gia đình ông mua thêm trang thiết bị, ngư cụ hiện đại cho tàu nên tổng giá trị của tàu là 11 tỉ đồng. Vốn lớn nhưng đổi lại tàu điều khiển tự động hoàn toàn nên vận hành khỏe hơn so với tàu gỗ, thuyền viên có chỗ ăn nghỉ, có nơi vệ sinh, tắm rửa chứ không phải sinh hoạt “tự nhiên” như tàu gỗ.
Ông Văn cho biết theo hợp đồng được ký kết giữa ông và đơn vị cho thuê, sau khi bàn giao tàu ông có toàn quyền quyết định về vận hành, đánh bắt, bảo quản và kinh doanh các loại sản phẩm đánh bắt được ở bất cứ bến cảng, âu thuyền nào trên cả nước.
Mỗi năm ông sẽ phải hoàn trả 10% giá trị con tàu ông đang thuê cho chủ đầu tư bằng tiền chứ không phải trừ theo sản phẩm cho đến khi hết nợ. Với số vốn đầu tư đóng tàu Hoàng Anh 01 hơn 7 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của ông Văn hơn 20% (khoảng 1,4 tỉ đồng), phần vốn nhà nước còn lại 5,6 tỉ đồng, mỗi năm ông sẽ phải trả khoảng 560 triệu đồng. Tuy đợt vừa rồi chỉ đủ vốn nhưng ông Văn vẫn rất lạc quan.
“Nghề đi biển khó nói trước được gì, biết đâu chuyến sau đánh bắt trúng đậm, chỉ cần một chuyến là trả xong nợ một năm. Đã dám đầu tư là tính toán hết các rủi ro. Anh em sau chuyến vừa rồi vẫn rất lạc quan, đang chờ qua mùa trăng lại ra khơi”- ông Văn khẳng định.
Ông Phan Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá của xã này - cho biết đến thời điểm hiện tại Bình Châu đã có năm ngư dân đăng ký được vay vốn để đóng tàu vỏ sắt. “Ngư dân mong Nhà nước sớm giải ngân để được vay vốn, kịp đóng tàu lớn ra khơi cuối năm nay”- ông Hùng kiến nghị.
Vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Lê Văn Khăng (chủ tàu ĐNa-90363, Đà Nẵng) nhận được thông tin chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt lên đến 95% giá trị tàu nên đã cùng nhiều ngư dân khác lên kế hoạch đóng một tàu vỏ sắt công suất trên 800 CV.
“Đóng tàu sắt ngoài chuyện đi biển an toàn ra thì năng suất đánh bắt cao hơn. Đơn cử như tàu gỗ 320 CV của tôi chuyến đi biển chỉ 15-17 ngày và làm một nghề là mành chụp, nhưng nếu đóng tàu sắt có thể làm hai nghề mành chụp và lưới rê hỗn hợp, thời gian đánh bắt kéo dài đến 25 ngày” - ông Khăng nói.
Còn những điểm hạn chế
Trong chuyến đi biển vừa rồi, ông Mai Thành Văn phát hiện công suất máy Hoàng Anh 01 quá yếu. Cụ thể khi gặp gió cấp 5-6 tàu đã chạy rất chậm, dẫn đến tiêu hao nhiêu liệu cao. “Nếu gió cấp 7-8, khả năng sẽ không ra khơi được. Trong khi theo thiết kế tàu có thể ra khơi trong điều kiện gió cấp 9” - ông Văn chia sẻ.
Theo ông Văn, lúc đóng tàu ông yêu cầu đơn vị thi công lắp cho tàu hộp số 4 tua, chân vịt đường kính 1,6-1,7m nhưng họ chỉ đóng hộp số 3,4 tua, chân vịt 1,42m nên lực giảm rõ rệt khi gặp gió to. “Ngư dân là người đi đánh bắt trực tiếp trên biển nên khi đóng tàu đơn vị thiết kế, thi công nên lắng nghe ngư dân để tàu hoàn thiện và phát huy hết công năng của tàu” - ông Văn đề nghị.
Không chỉ vậy, cabin tàu sắt được làm quá cao không thể chịu được sức gió, ngư dân phải rất vất vả mới nhả lưới và thu lưới, chưa kể có thể gây đứt lưới khi gió ở cấp 7-8 trở lên. Trong lúc vận hành thực tế, tốc độ tàu Hoàng Anh 01 không nhanh hơn tàu gỗ bao nhiêu và tiêu tốn nhiên liệu cũng tương đương. “Đây là hai cái không đạt như mình mong muốn” - ông Văn nói.
Có thể bạn quan tâm
Ở tuổi 83, bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Đặng Tường Khâm vẫn đang điều hành công ty chuyên về sản xuất các sản phẩm từ cây ca cao như socola, rượu, sữa, bánh kẹo... với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cần cù, ham học hỏi, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không những đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà mà còn là một điển hình tiêu biểu cho nhiều người noi theo.
Tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận, hàng chục điểm bày bán nho với giá siêu rẻ. Những người bán thừa nhận, đây là hàng Trung Quốc nhưng đề bảng nho Mỹ cho dễ bán.
Thực hiện chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN), đoàn giám sát liên ngành do Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lều Vũ Điều làm trưởng đoàn đã về làm việc tại huyện Yên Thành, Nghệ An.
Quang Thuận là địa phương nằm trong vùng quy hoạch trồng cây cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn và là xã có diện tích lớn nhất huyện Bạch Thông.