Vượt rào đưa nhãn, vải sang Mỹ
Hiện nay, người trồng vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đang nín thở từng ngày chờ vải chín. Tất cả đều đặt niềm tin, năm 2015, những trái vải “Made in Vietnam” lần đầu tiên được bén duyên với thị trường khó tính.
Nín thở từng ngày
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Vải đang vào mùa kết trái. Những vườn vải trùng điệp như sóng, phủ kín cả xã.
Ông Trần Đăng Ninh hồ hởi dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn vải của gia đình. Năm 1976, ông Ninh là một trong những hộ tiên phong trồng cây vải ở Hồng Giang. Đến năm 1990, do một số diện tích lúa kém hiệu quả, ông làm đơn xin chuyển đổi sang trồng vải thiều. Hiện tại, gia đình trồng được trên 400 gốc vải và 200 gốc nhãn.
“Mấy năm gần đây, thương lái Trung Quốc có trực tiếp đến thu mua, giá vải tăng lên nhưng vẫn còn bấp bênh lắm. Người dân chúng tôi mong mỏi nhà nước tìm được nhiều thị trường mới tiềm năng và ổn định hơn để yên tâm sản xuất”, ông Ninh chia sẻ. Khi nhận được tin vải thiều Lục Ngạn sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, ông Ninh cũng như nhiều hộ khác bảo “lâng lâng như đang mơ”.
Nhà ông Ninh được cấp mã chứng nhận xuất khẩu sang Mỹ cho 0,56 ha vải. Để tham gia mô hình, tất cả các hộ đều phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt không được sử dụng thuốc BVTV có 5 hoạt chất Mỹ cấm là: Iprodione, Cypermethrin, Difenoconazole, Carbendazi và Chlorothalonil.
Ông Ninh bảo: “Qua tập huấn, chúng tôi biết được những yêu cầu kỹ thuật mà thị trường Mỹ quy định là rất khắt khe. Tuy thị trường mới khó tính nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm khắc phục và chắc chắn sẽ làm được”.
Một vấn đề mà ông Giáp Văn Thành cũng như nhiều hộ dân ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) quan tâm đó là phương thức đóng gói, bảo quản vải thiều ra sao cho đạt tiêu chuẩn. Vì theo quy định, vải hay nhãn xuất khẩu sang thị trường này phải được đóng gói theo quy cách do cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và tại các cơ sở được đơn vị này công nhận. |
Hộ ông Giáp Văn Thành cũng mới được chọn cấp mã số chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. “Chúng tôi mừng lắm, làm theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì không còn xa lạ. Chúng tôi chỉ đang băn khoăn việc không được sử dụng 5 hoạt chất có trong thuốc BVTV. Mua thuốc trôi nổi trên thị trường thì chúng tôi không thể phân biệt. Nếu Nhà nước chỉ định các đại lý có thể cung cấp những loại thuốc theo tiêu chuẩn cho chúng tôi thì tốt quá”, ông Thành nói.
Vượt qua rào cản
Ông Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam với diện tích nhãn khoảng 80.000 ha (sản lượng 550.000 tấn/năm), cùng 60.000 ha vải thiều (sản lượng 300.000 tấn/năm), giá trị của hai loại quả đóng vai trò quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2014, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt 190.000 tấn cho giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, huyện Lục Ngạn chiếm 130.000 tấn, đạt 1.600 tỷ đồng.
Theo ông Khởi, đây là con số thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, thị trường những năm qua vẫn bó hẹp, phần lớn xuất sang Trung Quốc. Độ rủi ro từ phía thị trường này luôn thường trực.
“Hiện nay với thị trường Mỹ, chúng ta đã được cấp 10 mã nhãn, vải để xuất khẩu. Để điều này thành hiện thực, từ người nông dân đến chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí mà phía Mỹ đưa ra. Vì đây là một thị trường khó tính, luôn đòi hỏi sản phẩm chất lượng và an toàn cao”, ông Khởi nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Trung, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), từ năm 2008 đến nay, sản lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào trị trường Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Đầu năm 2015, lần đầu tiên trái nhãn “Made in Vietnam” thâm nhập được vào thị trường này. Năm 2014, sản lượng vải toàn thế giới đạt 2,6 triệu tấn. Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt chiếm 57% và 24%. Trong khi nước ta chiếm khoảng 6%, đứng thứ 3 về sản xuất vải.
Tại Việt Nam, lượng vải được xuất khẩu chiếm tới 40% nhưng chủ yếu qua cửa khẩu phụ và lối mở biên nên chưa thể có mặt trên bản đồ xuất khẩu vải thế giới. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay để nhãn, vải Việt Nam thâm nhập được thị trường Mỹ là làm sao vượt qua hai hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Cụ thể, nhãn, vải của Việt Nam xuất qua Mỹ phải thông qua phương pháp chiếu xạ.
Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, hiện một số doanh nghiệp trong nước đã về địa phương khảo sát, lên kế hoạch thu mua vải để đưa sang thị trường Mỹ. Đây đều là những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong việc xuất khẩu trái cây. |
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê 16 loài có thể đi theo quả vải tươi và 17 loài trên quả nhãn tươi mà Việt Nam phải loại bỏ bằng chiếu xạ. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu không được sử dụng 5 hoạt chất thuốc BVTV mà Mỹ quy định. Giai đoạn thu hoạch, sản phẩm có thể sơ chế tại chỗ nhưng không được dùng hóa chất để xử lý. Người dân có thể bảo quản bằng cách xông lưu huỳnh (SO2) nhưng ở giới hạn cho phép.
Ông Vũ Đình Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện đã chọn được 234 hộ đủ điều kiện sản xuất vải thiều xuất khẩu, diện tích hơn 100 ha tại 6 thôn của xã Hồng Giang. Đơn vị này cũng phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện cấp 6 mã số vùng trồng với diện tích 60 ha cho 109 hộ tại đây.
“Chúng tôi đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho những hộ tham gia sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời tổ chức làm việc với các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu mặt hàng vải thiều tươi. Tỉnh đã đề xuất hỗ trợ việc áp dụng hai công nghệ bảo quản của Israel và Nhật Bản”, theo lời ông Phượng. Ông Phượng cũng chia sẻ, đây là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Mỹ nên còn rất thiếu các thông tin thị trường, điều kiện sản xuất cũng còn nhiều hạn chế.
Định hướng, Bắc Giang sẽ đẩy nhanh triển khai sản xuất vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và EU. Quy mô khoảng 100 ha, sản lượng ước đạt 500 – 600 tấn/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Lê Bá Thành thì kiến nghị, Bộ Khoa học – Công nghệ nên có định hướng áp dụng công nghệ bảo quản phù hợp để xuất khẩu. Các đơn vị như Sở NN-PTNT cần hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sao cho phù hợp, đúng quy định. Đồng thời tiến hành xúc tiến thương mại, mở rộng đường xuất khẩu cho nhãn, vải Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Tiềm năng xuất khẩu rất lớn
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Nhật Tú, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP.HCM) cho biết, đã xuất khẩu được 20 lô nhãn (100 tấn) sang thị trường Mỹ. Theo ông Tú, người dân Mỹ có phản ứng rất tích cực đối với trái nhãn của Việt Nam. Qua khảo sát thị trường, công ty này cho rằng, trái vải hiện có tiềm năng xuất khẩu rất lớn do nhu cầu đang ở mức cao.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng cho biết, khi quả vải Việt Nam vào Mỹ sẽ phải chịu sự cạnh tranh với quả vải của nhiều nước như Mexico, Đài Loan và Trung Quốc. Vấn đề hiện nay là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để trái cây đủ chất lượng xuất ngoại. Hiện Công ty Ánh Dương Sao đã lên kế hoạch thu mua và xuất khẩu vải sang Mỹ ngay trong năm nay.
“Chúng tôi sẽ xuất khẩu thử 2 – 3 lô vải theo đường hàng không để thăm dò thị trường Mỹ. Từ đó thiết lập hệ thống phân phối và quảng bá sản phẩm, giúp trái vải có thể cạnh tranh ngay tại thị trường Mỹ”, ông Tú thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM chưa phát hiện hộ nông dân nào dùng nhớt tưới cho rau muống nước trước thông tin đăng trên báo chí cũng như dư luận người tiêu dùng đồn thổi trong thời gian qua.
Đến hẹn lại lên, các xã trồng na tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) lại có dịp so tài. Tại hội thi na hàng năm do UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tổ chức. Hội thi là nơi các hộ trồng na ở huyện giao lưu học hỏi, trao đổi kiến thức cũng như giới thiệu sản phẩm của mình. Lần thứ 3 tổ chức, hội thi năm 2013 tiếp tục tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn với sự tranh tài của 10 đội thi đến từ 7 xã, thị trấn trồng na trong huyện.
Nằm trong vùng "sừng hươu" của hồ Dầu Tiếng, xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) từ lâu đã được coi là xã nghèo vì đường sá xa xôi, cách trở. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhờ cây sắn, đời sống cộng đồng người Chăm ở đây đã trở nên khấm khá hơn rất nhiều.
Theo báo cáo của các tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi 4.314ha cá tra, diện tích thu hoạch 2.116ha, sản lượng đạt 545.718 tấn, năng suất trung bình đạt 260 tấn/ha. Nếu so với năm 2012, sản lượng cá giống tăng 13,3%; diện tích nuôi giảm 4,1%; sản lượng cá thu hoạch tăng 2,3%.
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng hiện nông dân ở “vựa tôm” phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại, nợ tiền đại lý thức ăn, nợ ngân hàng, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh khốn đốn.