Tàu Cá Nằm Bờ Do Giá Xăng Dầu Tăng, Giá Hải Sản Giảm
Chi phí đầu vào tăng cộng với giá hải sản giảm khiến nhiều chuyến ra khơi của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rơi vào tỉnh trạng lỗ nặng.
Sau 2 tháng ra khơi, ngư dân Nguyễn Thanh Việt ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, chủ tàu cá công suất trên 500 CV đánh bắt được hơn 40 tấn hải sản các loại. Nhưng do giá thu mua giảm mạnh nên sau khi trừ chi phí cho chuyến đi, anh lỗ trên 120 triệu đồng. Không chỉ lo lỗ vốn mà anh và nhiều chủ tàu còn lo các bạn thuyền bỏ mình không cùng đi biển nữa.
Ngư dân Phan Thành ở Phan Rí, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang neo đậu tại cảng cá Phước Tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Chuyến đi biển vừa rồi ông Thành lỗ hơn 100 triệu đồng trả tiền bạn ghe. Ra khơi trong tình trạng thấp thỏm sợ thua lỗ và vì không còn vốn nên ông Thành đành cho thuyền tạm nằm bờ.
Ông Thành chia sẻ: “Giá hải sản thì giảm mạnh, trong khi giá dầu tăng cao nên ngư dân chúng tôi không ra khơi nữa. Khi nào giá xăng hạ thì chúng tôi sẽ lại đi. Tuy nhiên nếu để thuyền nằm bờ lâu sẽ sớm bị hư hỏng”.
Giá mực khô trước đây được thu mua với giá 350.000 đồng/kg (loại 1), thì nay giảm chỉ còn trong khoảng 265.000 - 310.000 đồng/kg; loại cá xô nhỏ chỉ còn 3.000 đồng/kg, cá xô lỡ 7.000 đồng/kg….Tình trạng đậu bờ nằm chờ giá hải sản lên diễn ra từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều lao động tại cảng cá này.
Ông Trần Văn Hoa, cán bộ thủy sản xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây ngư trường thủy sản bị sụt giảm, do đó có nhiều ngư dân làm ăn thua lỗ, sản lượng đánh bắt vẫn duy trì nhưng chất lượng cá giảm.
Bên cạnh đó, giá mực khô giảm mạnh, cộng với việc thanh toán cho ngư dân chậm, có lúc 2 tháng ngư dân vẫn chưa lấy được tiền. Điều này khiến bà con không có tiền mặt mua vật tư cho chuyến ra khơi tiếp theo, dẫn đến tình trạng phải đậu bờ.
Nghịch lý lớn nhất là, dù Phước Tỉnh, một trong những địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu có đội ngũ ngư dân lành nghề và đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lên tới hơn 1.000 tàu, hoạt động trên một ngư trường rộng lớn và sản lượng mang về hơn 80.000 tấn mỗi năm, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty chế biến thủy hải sản tầm cỡ nào đặt cơ sở thu mua tại đây.
Việc thu mua hải sản phần lớn đều do các thương lái tại địa phương thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng, một số thương lái liên kết với nhau dìm giá xuống thấp và thanh toán tiền rất chậm. Hầu hết các ngư dân sau khi bán hải sản phải chấp nhận đợi từ 1 đến 2 tháng mới nhận hết tiền. Trong khi đó muốn ra khơi thì mọi chi phí như nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm, nhân công và các vật dụng khác, ngư dân phải thanh toán ngay.
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, thì trình độ nhận thức cũng như kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm khi khai thác thủy sản xa bờ của ngư dân vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các ngành, các cấp, cần tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn để họ tiếp tục đánh bắt; đồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật khai thác, bảo quản thủy sản cho ngư dân.
Thiết nghĩ, với khó khăn như hiện nay, nếu không được sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, ngư dân khó có thể vươn khơi xa đánh bắt và kiên trì bám biển như ước mơ từ bao đời nay.
Có thể bạn quan tâm
Những người nông dân huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã nuôi giấc mộng làm giàu từ một loài vật nuôi có cái tên lạ hoắc: Chồn nhung. Sự thật về loài vật nuôi này hiện nay đang ra sao? Liệu chúng có đáng giá đến mức người nông dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua về nuôi? Loài vật nuôi ngoại nhập này đã dấy lên một cơn sốt chồn nhung đen tại miền Bắc, khi mà nhiều đối tượng bán hàng đa cấp trục lợi đang thổi giá bán lên hàng triệu đồng mỗi đôi.
Ông Đào Văn Măng (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Bình Thành, Châu Thành - An Giang) trồng khoảng 1.200m2 tần dày lá đến thời điểm thu hoạch, nhưng không có đầu ra.
Vụ mùa 2013, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) gieo tỉa trên 6.330 ha ngô lai, tăng 630 ha so với kế hoạch, tập trung nhiều nhất tại các địa phương như: Cư Kbang, Cư M’lan, Ea Lê, Ia T’mốt, thị trấn Ea Súp…
Sau những cơn mưa kéo dài vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa ở các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều loại dịch hại. Để phòng trừ dịch hại sau mưa lũ, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra..
Việc tăng cường giám sát chất lượng con giống là yêu cầu bức thiết hiện nay của ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành đang dồn sức triển khai đề án tái cơ cấu.