Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tất Bật Xuống Giống Mía

Tất Bật Xuống Giống Mía
Ngày đăng: 09/12/2014

Mặc dù mùa thu hoạch mía 2014-2015 vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tranh thủ nước rút, hiện những khu vực nằm trong đê bao chống lũ hoặc nơi có bờ liếp cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đang tất bật xuống giống cho niên vụ mía 2015-2016. Theo đó, niên vụ mía năm nay, ngành chức năng địa phương và người dân có sự thay đổi lớn về cơ cấu giống và diện tích.

Giống mía ROC 16 chiếm ưu thế

Những ngày này, về các địa phương như: Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu,… Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật vệ sinh ruộng mía, đào hộc và đặt hom mía; dưới kênh, thỉnh thoảng có vài chiếc ghe bán mía giống được bà con ở Sóc Trăng chở về đây phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo người trồng mía, năm nay do nước lũ thấp nên nông dân tranh thủ xuống giống mía sớm, nếu tính nhuần 2 tháng 9 thì trồng sớm hơn cùng kỳ gần 2 tháng.

Anh Lý Hoàng Anh, ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Trồng mía sớm có nhiều mặt lợi, thứ nhất, do mới đầu vụ nên kiếm nhân công đặt hom và đào hộc tương đối thuận lợi, nhưng khoảng 10 ngày nữa, vào thời điểm xuống giống rộ thì công việc trên sẽ gặp nhiều khó khăn; thứ hai, nhẹ bón phân vì thời tiết thuận lợi nên cây mía phát triển tốt và ít sâu bệnh”.

Hiện nay, mặc dù có nhiều nông dân xuống giống mía, thế nhưng, không khí mùa vụ ở những nơi này không mấy sôi động. Có lẽ, do vụ mía vừa qua, giá bán bấp bênh, nguồn lợi nhuận thu được thấp nên bà con có phần không vui trong niên vụ mía này. Gặp chúng tôi khi đang đặt hom cho 1ha mía của gia đình, anh Nguyễn Định Tường, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với cây mía hơn 10 năm qua, khoảng 3 năm trở về trước, cũng nhờ cây mía mà cuộc sống của nhiều hộ gia đình rất ổn định, có năm dư dả cất nhà.

Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, do giá đường trên thị trường liên tục tuột dốc nên kéo theo giá thu mua mía trong dân cũng giảm theo. Mặc dù hơi buồn nhưng bà con vẫn bám với cây mía chứ không từ bỏ, vì đã quen chân quen tay”.

Qua ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các diện tích mía đã xuống giống đến thời điểm này, bà con đều chọn trồng giống mía chín sớm ROC 16. Theo lý giải của người trồng mía, sở dĩ nông dân chuộng trồng giống ROC 16 là do đây là giống ngắn ngày, có thể thu hoạch sớm để tranh thủ sạ thêm vụ lúa liếp nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trước tình hình khó khăn của ngành mía đường hiện nay.

Ngoài ra, nếu có điều kiện sẽ bán mía chục cho thương lái chở đi bán lẻ ép nước mía ở một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, tuy giống mía ROC 16 chỉ đạt năng suất thấp nhưng bù lại chữ đường cao hơn các giống khác nên được thương lái mua giá cao và dễ tiêu thụ. Ông Cao Văn Chín, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho hay: “Mấy vụ mía trước, gia đình tôi thường trồng các giống mía như: K88-92 và QĐ 11.

Mặc dù cho năng suất cao nhưng đây là các giống dài ngày nên thu hoạch muộn và thường xuyên chịu cảnh giá bán thấp hơn so với đầu vụ, khổ nhất là khi giá mía thấp thì tìm thương lái để bán rất khó khăn và phải thu hoạch mía khi bị trổ cờ, làm giảm năng suất,…

Chính những trở ngại trên mà có hơn 70% bà con nơi đây đã chuyển sang trồng giống mía ROC 16 trong vụ này, riêng gia đình tôi chuyển toàn bộ 2,5ha”.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Đến thời điểm này, toàn huyện đã xuống giống hơn 350ha mía, các loại giống mía được nông dân lựa chọn trồng như: K 88-92, K 84-95, KK 3, KK 6, ROC 16, ROC 22,… Mọi năm, giống mía ROC 16 luôn chiếm ưu thế với diện tích trồng gần 50%. Tuy nhiên, qua khảo sát và nắm tình hình thực tế trong dân, niên vụ mía này, tỷ lệ bà con sử dụng giống mía ROC 16 sẽ nhiều hơn các năm trước đây.

Giảm 2.000ha mía

Theo kế hoạch, niên vụ mía 2015-2016, huyện Phụng Hiệp sẽ xuống giống khoảng 6.345ha mía, giảm 2.000ha so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do giá mía vụ vừa rồi đứng ở mức thấp, người trồng không có lãi nên chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin thêm: Trước dự báo là tình hình ngành mía đường năm tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giá mía khó tăng mà khả năng tiếp tục giảm.

Chính vì vậy, lãnh đạo huyện quyết định vận động người dân chuyển khoảng 2.000ha ở những khu vực nằm ngoài vùng mía nguyên liệu hoặc những nơi có điều kiện sản xuất không thuận lợi như: xã Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú, Hiệp Hưng,… để chuyển sang vườn cây ăn trái và hoa màu các loại.

Với quyết định giảm 2.000ha mía trong niên vụ này của ngành chức năng huyện Phụng Hiệp đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho địa phương.

Bởi, vấn đề người dân lo lắng trong lúc này là, nếu bỏ mía thì chuyển sang trồng cây gì vừa đảm bảo đầu ra ổn định, vừa mang lại nguồn thu nhập cao để thay thế cây mía. Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng Huỳnh Văn Út lo lắng: Hiện ngành nông nghiệp huyện đang có hướng vận động người dân chuyển một phần đất trồng mía kém hiệu quả trên địa bàn huyện sang trồng bắp lai.

Tuy nhiên, với góc độ địa phương tôi thấy chưa an tâm, bởi hiện nay tuy nghe nói có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu nhưng chỉ là lời hứa, chưa có doanh nghiệp nào gặp trực tiếp với địa phương và người dân. Do đó, nếu làm không khéo sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh giống với những hộ trước đó cũng chuyển từ đất mía sang trồng cây sương sáo, chỉ được năm đầu có hiệu quả còn những năm sau khi diện tích tăng thì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ và khó khăn sẽ chồng thêm khó mà thôi.

Như vậy, nếu so với vụ mía 2010-2011 thì hiện nay, diện tích mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã giảm khoảng 3.000ha. Đây là con số đáng báo động cho ngành chức năng, các nhà máy đường và vấn đề đặt ra trong lúc này là rất cần có những chính sách hỗ trợ cho người trồng mía nếu muốn ổn định vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn cho biết: Trước những khó khăn của người trồng mía, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành có liên quan đã tìm nhiều cách để giúp người dân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cây mía chưa có nhiều chính sách hỗ trợ giống như một số loại cây trồng khác, nhất là trước tác động của cơ chế thị trường hiện nay.

Trước mắt, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh sớm tìm biện pháp kiến nghị với Trung ương và các nhà máy đường có những chính sách hỗ trợ để người trồng mía có điều kiện tái sản xuất trong mùa vụ này…

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183371/Tat_bat_xuong_giong_mia.aspx


Có thể bạn quan tâm

Cây Bần Chua Giảm Thiên Tai, Giúp Dân Tăng Thu Nhập Cây Bần Chua Giảm Thiên Tai, Giúp Dân Tăng Thu Nhập

Cây bần chua được trồng trên tuyến đê của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ trở thành một “vành đai xanh” chắn sóng mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân.

02/03/2012
Loay Hoay Phát Triển Rau An Toàn Loay Hoay Phát Triển Rau An Toàn

Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quốc gia (TTKNKNQG) phối hợp Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với Chuyên đề “Liên kết trong SX và tiêu thụ RAT theo hướng VietGAP”. Các đại biểu đã mổ xẻ, phân tích thì thấy rằng mô hình RAT vẫn loay hoay chưa tìm được bước đi đột phá.Các địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển RAT

05/03/2012
Tiền Giang: Trồng Dứa Cảnh Tiền Giang: Trồng Dứa Cảnh

Nhiều địa phương của vùng ngập mặn huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang triển khai mô hình trồng dứa phụng, một loại cây cảnh rất được thị trường ưa chuộng

10/03/2011
Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại 21 Tỉnh Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại 21 Tỉnh

Các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: 1- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ; 2- Đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm

25/04/2011
Xã “Đầu Binh Cuối Cán”, Dân Tự Cứu Mình Xã “Đầu Binh Cuối Cán”, Dân Tự Cứu Mình

Mâu thuẫn, xung đột giữa người dân với các KCN ở nhiều nơi đẩy chính quyền địa phương vào thế làm “trọng tài”. Buồn một nỗi, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương xem chừng bất lực trước vai trò cầm cân nảy mực.

02/03/2012