Tất Bật Chuẩn Bị Hàng Tết

Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí làm việc ở những hợp tác xã (HTX) diễn ra khá tất bật để chuẩn bị nguồn hàng cung cho thị trường.
Vào thời điểm này, người đến đặt mua hoa kiểng của HTX Nông nghiệp Huỳnh Dân ở thị xã Ngã Bảy ra vào liên tục. Cứ 5 đến 10 phút là có khách đến hỏi, đặt hàng. Với vị trí thuận lợi là nằm ngay ngã ba cửa ngõ vào thị xã Ngã Bảy và tuyến quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng, nên HTX buôn bán rất thuận lợi, từ bán lẻ đến cung cấp sỉ cho các cơ sở khác.
Cũng vì vậy mà hơn tháng nay, HTX đã thuê thêm hơn chục công nhân túc trực chăm sóc, uốn dáng tạo hình cho hoa kiểng. Anh Huỳnh Văn Dân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Huỳnh Dân, cho biết: “Dự đoán năm nay nhu cầu thị trường tết tăng và giá cả cũng nhỉnh hơn năm ngoái. Nhưng với điều kiện thời tiết bất lợi, không khí lạnh kéo dài sẽ làm hoa không nở đúng dịp tết”.
Chính vì dự đoán được thị trường, anh Dân đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho tết nhất là mai, kế đó là bông trang, hoa giấy. Đặc biệt, anh còn đặt hàng số lượng lớn hoa lay ơn từ thành phố Đà Lạt, tạo sự mới lạ cho người chơi hoa kiểng địa phương.
Cũng hướng đến thị trường tết, HTX Giống nông nghiệp hoa kiểng Hoàng Tâm Dư, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp đã chuẩn bị hơn 3.000 cây hoa kiểng các loại. Trong đó, hoa nhiều nhất là vạn thọ với số lượng 1.000 chậu.
Anh Hồ Hoàng Tâm, Giám đốc HTX, cho biết: “Cả tháng nay, ngày nào tôi cũng bám miết ngoài vườn để chăm sóc các chậu hoa kiểng. Công việc bộn bề nhưng không thể lơ là vì thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, dịch bệnh nhiều”. Năm nay, HTX chuẩn bị các loại hoa kiểng giá tầm trung, cao nhất là 7 triệu đồng/cây đối với cây mai lớn.
Theo anh Tâm, thì hoa mai vàng năm nay thất mùa vì thời tiết nhưng bí quyết nhà nghề, anh đã chuẩn bị được 180 chậu lớn nhỏ. Anh đặt rất nhiều kỳ vọng số mai vàng này, vì đây là mặt hàng được chuộng trong dịp tết. Anh mong muốn sẽ gặt hái thành công vào năm đầu tiên thành lập HTX, khởi đầu cho những năm tiếp theo được suôn sẻ, thắng lợi.
Ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, bà con ở Câu lạc bộ Sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A cũng đang bận rộn để chuẩn bị cho ra lò nhiều sản phẩm độc.
Sau sự thành công của bưởi hồ lô, năm nay, câu lạc bộ tiếp tục cung ứng cho thị trường những sản phẩm độc đáo hơn, đó là đào tiên hồ lô, bưởi Lễ Cát Tường. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, tiết lộ: “Hướng đến nhu cầu chưng cúng tết, câu lạc bộ sẽ cung ứng những sản phẩm làm quà biếu, chưng cúng nhưng với mẫu mã mới, đa dạng chủng loại cho người tiêu dùng lựa chọn”.
Cũng theo ông Thành, năm nay, thời tiết bất lợi, bưởi thất mùa, nhất là bưởi hồ lô, lượng trái chỉ bằng 1/3 năm ngoái, nên số lượng hàng cung cũng như giá cả dự kiến sẽ đắt đỏ hơn so với những năm trước. Chính vì điều kiện bất lợi như vậy, nguồn trái cây để tạo hình giảm đáng kể, kéo theo giá cả sẽ nhỉnh hơn năm trước 10-15%. Tuy nhiên, ông Thành và bà con trong câu lạc bộ vẫn tạo ra được khoảng 3.000 trái lưởi Lễ Cát Tường, 1.000 trái đào tiên hồ lô, hứa hẹn tăng doanh thu trong dịp năm mới.
Tại HTX sản xuất dưa hấu VietGAP, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, các thành viên HTX cũng đã xuống giống 10ha dưa. Ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX, cho biết: “HTX trồng 2 đợt dưa loại không hạt và có hạt. Dưa không hạt trồng 2,7ha sẽ thu hoạch vào đầu tháng chạp, số còn lại sẽ hái vào 20-25 tết. Hiện tất cả diện tích này đã được các công ty bao tiêu giá cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Cụ thể dưa có hạt từ 5.000-6.000 đồng/kg; dưa không hạt từ 7.000-8.000 đồng/kg.
Nghe tin dưa có giá, nên trong lòng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, thành viên HTX Sản xuất dưa hấu VietGAP lúc nào cũng háo hức. Hơn 1 tháng nay, ngày nào chị cũng ra đồng chăm chút từng dây dưa. Chị Dung phấn khởi khoe: “Nhờ trồng dưa theo kỹ thuật mới nên chúng tôi nâng cao được kỹ thuật, sản xuất dưa hấu tăng sản lượng. Với lại, từ hôm xuống giống đến nay không gặp mưa ngay lúc đậu trái nên thuận lợi cho nông dân. Với tình hình này, sau vụ dưa tết, tôi cầm chắc số tiền lời hơn 100 triệu đồng/ha”.
Tết đến càng gần, không khí làm ăn càng nhộn nhịp hơn, người người tất bật tưới nước, tỉa cành... cho cây trái, hoa kiểng để kỳ vọng cho một mùa bội thu, thắng lợi, vui xuân trọn vẹn.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2007, chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ 31 tuổi, ở thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) trồng táo trên diện tích 3,5 sào đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày có khoảng 20 - 30 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó, cá được nhập lậu chủ yếu qua các cửa ngõ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh.

Theo Sở NN và PTNT Đồng Tháp, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến 5/7/2013 là 1.429,56 ha, bằng 71,48% kế hoạch năm và tăng 143,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp đã thu hoạch 526,22 ha với sản lượng 189.184 tấn. Tổng số lượng cá giống thả là 339,90 triệu con. Diện tích đang nuôi là 903,34 ha, diện tích treo ao là 40,7 ha.

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.

Hội Nông dân xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang) cho biết, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú có 27 hộ trồng lúa Nhật, với tổng diện tích trên 120 héc-ta, đạt năng suất bình quân trên 6,5 tấn/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Angimex - Kitoku mua với giá 8.400 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta.