Lúng Túng Quản Lý Giống Cây Trồng
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, điều này tạo thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Ngổn ngang khó khăn
Hà Nội có nhiều cơ quan nghiên cứu về giống cây trồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có uy tín đóng trên địa bàn nên rất thuận lợi về nguồn cung giống cây trồng năng suất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, các giống lúa hiện nay thường bị quản lý độc quyền của tác giả hoặc của doanh nghiệp (DN) nên giá thành thường cao hơn giống lúa bình thường, ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, địa bàn rộng, lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác giống cây trồng còn thiếu và mỏng nên nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng bởi giống kém chất lượng khi đưa vào sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng Phòng trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) nhận định, mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về định hướng cơ cấu giống lúa và các giống cây màu cho từng vụ, song ở một số địa phương nông dân vẫn giữ thói quen tập quán canh tác cũ khi gieo cấy các giống lúa Khang dân, Q5… Đây là những giống lúa đã sử dụng từ 20 – 30 năm trước, bắt đầu có hiện tượng thoái hóa và chất lượng gạo kém. Khảo sát các vụ sản xuất những năm gần đây cho thấy, diện tích gieo cấy các giống lúa Khang dân, Q5 vẫn chiếm khá lớn (khoảng 30 – 40% trong cơ cấu giống). Về cơ cấu giống cây rau, màu, duy nhất chỉ các giống ngô lai F1 cho năng suất cao, còn lại các giống đậu tương, rau, lạc đều chưa có đột phá trong các vụ sản xuất.
Điều đáng nói là thời gian qua, tình trạng nhiều DN tùy tiện mang giống cây trồng giao thẳng xuống xã để tiếp thị, quảng cáo với nông dân mà không thông qua huyện diễn ra rất phổ biến. Bà Hoàng Thị Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho hay, huyện đang rất lúng túng và gặp khó trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng bởi TP chưa có bất kỳ một quy chuẩn pháp lý nào về quản lý kinh doanh giống cây trồng để làm căn cứ xử lý các DN nói trên. Chính vì vậy, nhiều người dân đã mua phải giống cây trôi nổi, thiếu độ tin cậy về nguồn gốc, chất lượng và năng suất, gây thiệt hại lớn trong sản xuất.
Sớm xây dựng quy chuẩn
Trước thực trạng trên, lãnh đạo các huyện, thị xã mong muốn TP sớm xây dựng quy chuẩn về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ giống cây trồng để nâng cao trách nhiệm của các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng cao nhận thức của nông dân khi lựa chọn, sử dụng giống cây trồng.
Mặt khác, Sở phối hợp với các DN, đơn vị sản xuất cung ứng giống xuống huyện, xã, công bố danh mục các giống lúa mới được công nhận đưa vào sản xuất đại trà; thông tin bằng hình ảnh, clip quảng cáo, tờ rơi các loại giống mà TP định hướng đưa vào cơ cấu giống để tránh sự nhầm lẫn cho nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 109 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, TP đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo về công tác giống gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trực thuộc.
Sở NN&PTNT cũng thường xuyên phối hợp cới các ngành chức năng trong việc cấp mã số giống cây trồng, tiếp nhận công bố hợp quy của DN giống cây trồng. Tính đến hết tháng 9/2014, đã cấp mã số cho 5 tổ chức sản xuất, kinh doanh giống và tiếp nhận hợp quy của 3 DN giống cây trồng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm khẳng định, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ siết chặt quản lý về chất lượng giống cây trồng trên địa bàn TP bằng nhiều giải pháp. Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, Sở tiếp tục rà soát các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Cùng với đó, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất thử các giống cây trồng mới được công nhận trên địa bàn TP theo Quyết định 95/7007/QĐ – BNN của Bộ NN&PTNT về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.
Trong năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra 56 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn TP. Lực lượng kiểm tra đã tiến hành lấy 155 mẫu hạt giống để kiểm tra chất lượng, trong đó phân tích 120 mẫu hạt giống, phát hiện 7 mẫu không đạt chất lượng; Xử phạt vi phạm hành chính hơn 80 triệu đồng đối với 12 tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh giống cây trồng không có trong danh mục, sai nhãn hàng hóa, không đảm bảo chất lượng...
Nguồn bài viết: http://www.ktdt.vn/kinh-te/nong-thon-moi/2014/11/8102879D/lung-tung-quan-ly-giong-cay-trong/
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã từng là nghề hái ra tiền đối với một bộ phận người dân nơi đây. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cũng chính con tôm lại đang đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay, nợ nần khi liên tiếp xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt.
Hơn 3 tuần qua, dưa hấu tại Tiền Giang đã mất giá tới 7.000 - 8.000 đồng/kg, từ mức khá cao là 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người trồng dưa vô cùng lo lắng vì khó tiêu thụ và đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Theo Sở NN - PTNT tỉnh Bình Định, hiện các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 1.560 ha mặt nước, chiếm 71% diện tích hiện có, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, môi trường nuôi bị ô nhiễm, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức nên nhiều vùng nuôi tôm đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.
Chiều ngày 7/5 Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Bộ NN&PTNT chủ trì đã tổ chức cuộc họp định kỳ nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh ở gia cầm và lợn trên địa bàn cả nước.