Tập trung chăm sóc lúa vụ mùa
Cách đây hơn một tuần, dọc theo các cánh đồng ven biển từ thôn Diêm Hội, xã An Hòa qua cánh đồng thôn Xóm Cát, xã An Hải (huyện Tuy An), nhiều thửa ruộng lúa vụ mùa khô héo, nhưng mới đây, trời mưa rải rác, lúa đã xanh tươi trở lại.
Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Diêm Hội, cho biết:
“Năm nay, nắng kéo dài từ tháng 9 đến đầu tháng 10, lúa thiếu nước tưới nên khô héo.
Tuần qua, trời mưa rải rác, ruộng trũng thì lá lúa có màu xanh phát triển tốt, còn mấy đám ruộng cao lá lúa bớt héo”.
Trên cánh đồng thôn Xóm Cát, xã An Hải, nhiều tốp nông dân đang cuốc cỏ, chăm sóc lúa mùa.
“Lúa vụ mùa ở cánh đồng này gieo khô (vãi lúa trên đất khô rồi cày vùi lấp, chứ không phải ngâm ủ giống để sạ).
So với làm lúa nước thì lúa vụ mùa gieo khô nên nhọc công làm cỏ.
Loại cỏ lông heo, cỏ hành, cỏ hẹ mọc đan xen phải dùng lưỡi quằn (cuốc lưỡi nhỏ) để cuốc cỏ lúa.
Vừa qua, trời có mưa nên bà con nông dân tập trung làm cỏ, bón phân cho lúa”, bà Phan Thị Loan nói. Huyện Tuy An là địa phương có diện tích lúa vụ mùa nhiều nhất tỉnh với 2.025ha.
Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, năm nào nắng thì bà con gieo muộn, vào giai đoạn mạ non, trời có mưa rải rác thì thúc phân, còn khi lúa trổ đòng có mưa nhỏ, ruộng có nước thường xuyên, gié lúa phơi màu hạt sáng trưng.
Tuy nhiên có năm vì gặp nắng hạn, gié lúa không no gạo vì chín háp. Lúa vụ mùa năm nay, nông dân ở các xã Sơn Định, Sơn Phước, Krông Pa, Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) xuống giống 970ha.
Đối với người dân miền núi, nhờ lúa vụ mùa (người dân quen gọi là lúa thổ hay lúa cạn) để ăn giáp hạt thời điểm trước và sau tết.
Ông Ma Quyền ở xã Sơn Phước, cho hay, gia đình ông gieo hai sào lúa cạn, cố gắng chăm sóc, đào hang diệt chuột để có lúa ăn dịp tết.
Mấy năm trước nắng hạn, lúa mất mùa, dịp tết phải lo chạy tiền mua gạo ăn.
Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, lúa vụ mùa năm nay phát triển tương đối đều.
Trên các cánh đồng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, đốm nâu xuất hiện với mật độ thấp.
Còn nạn chuột năm nào cũng cắn phá lúa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân diệt chuột thường xuyên bảo vệ mùa màng. Huyện Sông Hinh có gần 310ha lúa vụ mùa gieo trên vùng gò đồi các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Bia… đang phát triển tốt.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết: Thời gian gần đây, khu vực miền núi trời có mưa thường xuyên nên lúa cạn phát triển tốt.
Từ đây đến cuối vụ, thời tiết thuận lợi thì hứa hẹn vụ lúa cạn được mùa.
Tuy nhiên, so với lúa nước thì năng suất lúa cạn không cao, chỉ từ 30 - 35 tạ/ha, nhưng người dân miền núi sống nhờ vào cây lúa vụ mùa để ăn giáp hạt.
Ngoài các địa phương trên, năm nay, TP Tuy Hòa xuống giống 180ha, TX Sông Cầu 990ha, huyện Đồng Xuân 500ha và Phú Hòa 125ha lúa vụ mùa.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Cơ cấu giống lúa vụ mùa năm nay gồm ML202, ML49, ML213, ML4, ML68, PY1, PY2.
Hiện lúa đang giai đoạn mạ - trổ, có các dịch hại phát sinh như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đốm nâu, chuột….với tỉ lệ hại và mật độ thấp.
Thời gian tới, bệnh thối thân, khô vằn, lem thối hạt có khả năng gây hại trên lúa giai đoạn trổ, ngậm sữa.
Vì vậy, nông dân nên thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh, phòng ngừa kịp thời, đảm bảo năng suất lúa.
"Trong năm 2015, toàn tỉnh Phú Yên chuyển đổi khoảng 554,9ha diện tích đất lúa một vụ, năng suất thấp, không chủ động nước tưới sang các loại cây trồng khác, tập trung ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân…
Tại các địa phương này, bà con nông dân thực hiện các mô hình luân canh như: Dưa - khổ qua - dưa, lúa - bắp - mướp; lúa - dưa hấu phủ bạt; lúa - đậu - dưa ở các huyện Phú Hòa, Tuy An có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò với năng suất đạt từ 120 - 150 tấn/ha, doanh thu đạt từ 36 - 90 triệu đồng/ha/năm.
Các địa phương tùy tình hình thực tế về điều kiện đất đai, phong tục tập quán canh tác mà áp dụng mô hình sản xuất phù hợp để đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa bỏ dần tập quán độc canh cây lúa và giúp tăng thu nhập cho người dân."
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT
Có thể bạn quan tâm
Sáng 10/11, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà.
Từ khi được hưởng lợi từ dự án LCASP, ngành chăn nuôi Bình Định đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.
Chỉ cần cầm remote điều khiển gạt nhẹ lập tức máy rẽ trái hoặc rẽ phải và cho ga lớn, hay ga nhỏ tùy ý, máy vừa chạy vừa sạc qua bình 12V như xe honda, có thể bơm hút nước tự do…
Sau 3 năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện 4 mô hình sấy lúa năng suất 30 - 50 tấn/mẻ ở Trà Vinh đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong việc áp dụng cơ giới hóa khâu bảo quản sau thu hoạch.
Tổng cục sẽ điều chỉnh lịch xuống giống năm 2016 sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, bắt đầu từ tháng 12/2015 thay vì từ tháng 1/2016 như dự tính.