Tạo Trầm Từ Đôi Tay
Khi “nhiễm bệnh” từ tác động bên ngoài, cây dó bầu tiết ra chất nhựa chống lại và hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là trầm hương. Căn cứ vào sự hóa nhựa nhiều hay ít mà có sản phẩm như trầm tóc, trầm hương hay kỳ nam. Do bị khai thác gần như tận diệt nên các phu trầm đã đem loại cây rừng này về trồng tại vườn nhà với kỳ vọng sẽ tạo được trầm từ chính bàn tay con người.
Phong trào
Hơn 15 năm qua, việc trồng cây dó bầu trong vườn nhà đã lan rộng nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh (trên 3.000ha), Quảng Nam (trên 2.000ha), An Giang (khoảng 600ha), Bình Phước, Kon Tum, Kiên Giang, Đồng Nai…
Khó có con số chính xác về diện tích cây dó bầu nhưng theo Hội Trầm hương Việt Nam (VAA), có 23 tỉnh trồng cây dó bầu với khoảng 20.000ha. Cùng với “phong trào” trồng cây dó bầu là sự “nở rộ” các dịch vụ tạo trầm với khoảng 20 tổ chức, cá nhân sử dụng trên 15 phương pháp khác nhau.
Do là cây rừng, chưa am hiểu nhiều nên việc trồng tự phát ở các vùng sinh thái khác nhau phát sinh nhiều vấn đề, cây chết hết ở vùng đất trũng, đất đồi…
Tình trạng này còn nặng thêm khi áp dụng các phương pháp tạo trầm “quá liều” do chưa có kinh nghiệm, hay do khoan nhiều lỗ trên thân cây nên dễ bị gãy đổ vào mùa mưa bão. Bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch VAA cho biết, trang trại dó bầu ở Bình Phước đã áp dụng trên 15 phương pháp khác nhau để thử nghiệm, trong đó có phương pháp tệ nhất khi chết 100% (1.000 cây).
Theo ông Trương Công Lương, Hội Thủ công mỹ nghệ Tiên Phước (Quảng Nam), thời gian đầu là đóng đinh sắt hay đục lỗ, rồi khoan để tạo ra vết thương nhưng mảnh trầm chất lượng chưa cao. Sau đó, ở Đồng Nai có người lột vỏ cây và quét hóa chất tạo ra sánh.
Cách này ban đầu chưa có kinh nghiệm đã gây chết nhiều ở một số nơi, nhưng những người trong nghề cho rằng, nhờ cách làm đó mà nhiều người đã cải tiến để có kết quả tốt hơn và không ít người hốt bạc khi nhu cầu trầm miếng bẻ nhỏ cho vào thuốc lá để hút tạo mùi thơm, hay để dát những nơi thờ phượng mà Trung Quốc đặt hàng khá nhiều. Nhưng việc trồng, chăm sóc, chữa bệnh và tạo trầm cho cây thế nào đạt hiệu quả cao vẫn trong quá trình tìm tòi, chưa ai đạt tới kỹ thuật tối ưu.
5 thách thức
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực VAA cho rằng, trồng cây dó bầu, tạo trầm cho hiệu quả kinh tế cao ở không ít trường hợp và ở nhiều nơi nên đã xuất hiện làng nghề trồng dó bầu tạo trầm ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Tân Phú (Đồng Nai) nhưng chưa thật sự ổn định.
Để trầm hương thành ngành sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và an toàn môi trường, vẫn còn nhiều vấn đề. Có 5 thách thức lớn nhất mà ngành này cần phải vượt qua. Đó là tạo trầm trên cây dó bầu, đây là yếu tố quyết định sự thành bại của ngành sản xuất trầm hương Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở đâu trồng cây dó ở đó có sáng kiến tạo trầm.
Tuy nhiên, chưa có phương pháp hay công nghệ tạo trầm nào được xác định ứng dụng rộng rãi; có nơi trồng cho trầm về số lượng nhưng chất lượng, mùi hương chưa phù hợp với thị hiếu của từng loại khách hàng. Tình trạng “lại da” nơi các “vết thương” làm giảm năng suất, chất lượng trầm, phải bơm thêm chế phẩm tạo trầm.
Thứ hai là tình trạng cây dó bầu trồng thường bị “đột tử” ở năm thứ 4 trở đi, với các triệu chứng như vàng lá, úng vỏ, thối rễ… nhưng chưa tìm ra nguyên nhân cũng như thuốc chữa trị. Vốn đầu tư cũng là thách thức.
Trồng cây dó bầu, tạo trầm có mức đầu tư 700 - 800 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí về đất, chu kỳ kinh doanh hơn 10 năm, lại trồng ở vùng sâu, miền núi… nhưng chưa được vay vốn hỗ trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng từ nguồn đầu tư dài hạn. Bốn là thách thức về sự hợp tác. Hiểu biết về sản xuất trầm hương (trồng cây dó bầu, tạo trầm, chế biến, thị trường…) còn nhiều khiếm khuyết nhưng sự hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân góp phần hình thành và phát triển ngành hết sức hạn chế.
Có lẽ đây là khâu yếu nhất, các bên không chỉ đối nghịch nhau mà thậm chí còn nói sai sự thật chỉ vì quyền lợi hay lý do nào đó, thay vì hợp tác để bổ sung hiểu biết, kinh nghiệm giúp hoàn chỉnh các phương pháp.
Cuối cùng là thị trường. Trầm hương nhân tạo và các mặt hàng chế biến từ cây dó bầu tạo trầm là dòng sản phẩm mới, số lượng chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Theo bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi, người có uy tín trong giới kinh doanh trầm hương, trầm tự nhiên có mùi thơm, ngọt và nhẹ, không có vị hắc như trầm nhân tạo. Một số nhà vườn tạo trầm nhân tạo cũng có hương như trầm tự nhiên nhưng chưa nhiều.
Công nghệ chế biến tinh dầu lạc hậu. Ông Trương Thanh Khoan, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, một trong 6 tổ chức và cá nhân tham gia thử nghiệm các phương pháp tạo trầm cho biết, hiện đầu ra không ổn định, tùy vào thương lái và đối tác nước ngoài. Do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc, thời gian qua khi nhu cầu nước này chựng lại lập tức giá giảm mạnh.
Theo đánh giá của VAA, các phương pháp đều có tác dụng lên việc tạo chất chống lại tác nhân bên ngoài, tạo những lớp kháng có màu nâu nhạt đến đậm, cả màu đen. Ngửi có mùi, nhưng khi đốt tùy phương pháp có mùi khác nhau, từ thơm nhẹ, đậm hoặc gắt, nhưng tinh dầu ít. Có thể làm trầm sánh, trầm miếng hoặc trầm cảnh. Phương pháp tạo trầm trên cây dó bầu theo hướng sinh học chiếm ưu thế so với phương pháp hóa học, dù có tác động nhanh nhưng tồn dư nhiều chất tự do không tốt cho người.
Nguồn bài viết: http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2014/12/368706/
Có thể bạn quan tâm
Chưa bao giờ giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL lại dao động ở mức thấp kéo dài như hiện nay, làm người nuôi thua lỗ không còn khả năng tiếp tục sản xuấtù. Còn doanh nghiệp xuất khẩu cũng lao đao bởi giá xuất thấp, bị nhiều nước dựng rào cản kỹ thuật gây khó mở rộng thị trường.
Trong khi nhiều HTX gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động các dịch vụ thì HTX Hòa Thắng 2 lại tạo ra được nhiều lợi nhuận từ các dịch vụ của HTX. Trong năm qua, tất cả các dịch vụ tại HTX Hòa Thắng 2 đều mang lại lợi nhuận.
Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng của tôm nuôi. Người nuôi tôm cần hiểu rõ những tác động này và nắm được giải pháp phòng tránh thích hợp.
Hàng chục năm qua, cây lòn bon đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho đồng bào huyện Đông Giang và các xã miền núi của huyện Đại Lộc. Để nâng cao chất lượng lòn bon, 2 địa phương đã có kế hoạch phục hồi, phát triển loại cây này.
Trước đây, tại các vùng núi cao ở Quảng Nam, nấm chò, nấm lim xanh tự nhiên mọc khá nhiều. Nhưng do người dân săn lùng nấm theo kiểu tận diệt nên món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho núi rừng xứ Quảng dần cạn kiệt. Do đó, người dân cũng không còn ồ ạt đi hái nấm như trước mà chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi việc nương rẫy để vào rừng tìm nấm.