Tạo lực đẩy để có cánh đồng lớn
Không phải muốn là được
Khi mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời) hình thành, đã tạo ra tiếng vang và sự phấn chấn lớn trong ngành nông nghiệp khi trước đó đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán liên kết và tiêu thụ nông sản trước sự manh mún của nông hộ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 62 nhằm thay thế Quyết định 80 về tiêu thụ nông sản để tạo điều kiện cho việc liên kết và mở rộng CĐL.
Từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân 2015, đã có hàng ngàn CĐL được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000ha, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện liên kết lớn nhất với 450.000ha.
Một số mô hình liên kết hiệu quả như của Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định)… hay các doanh nghiệp (DN) lớn như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển CĐL giai đoạn 2015 - 2020.
Ở các vùng khác như duyên hải miền Trung và đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc, do quy mô diện tích sản xuất nhỏ lẻ nên việc xây dựng mô hình này tuy có tăng nhưng chưa nhiều.
Vùng ĐBSCL tham gia CĐL giúp giảm chi phí sản xuất 10% - 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20% - 25%.
Tham gia CĐL người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật; một số mô hình còn được DN liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào không tính lãi.
Các DN đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển.
Tình trạng thương lái đấu trộn các loại giống lúa để bán cho DN làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu cũng giảm đáng kể khi DN và nông dân cùng tham gia CĐL ở ĐBSCL.
Nhờ diện tích gieo trồng lớn, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhưng hiệu quả ở mỗi nơi có mức độ khác nhau do cách làm khác nhau, tùy theo đặc điểm.
Như vùng ĐBSCL khi tham gia CĐL, mỗi hécta giúp giảm chi phí sản xuất từ 10% - 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20% - 25%, thu nhập tăng thêm 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.
Hiệu quả kinh tế trên 1ha lúa ở phía Bắc thấp hơn, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17% - 25%, tùy theo từng địa phương.
Tuy vậy, mới đây, tại buổi sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 62, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tốc độ mở rộng diện tích liên kết các CĐL trong 2 năm qua còn khá chậm.
ĐBSCL - nơi tập trung nhiều CĐL nhất về diện tích cũng chỉ đạt 11% trong tổng diện tích canh tác lúa.
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn… vẫn chưa có DN nào đề xuất phương án hay dự án CĐL.
Hiện vẫn còn 33 tỉnh chưa ban hành quy chuẩn CĐL, 23 tỉnh chưa có quy hoạch CĐL, 56 tỉnh chưa triển khai chính sách.
Tỷ lệ thành công hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở các CĐL cao nhất trên 70%, nhưng đó là cá biệt, còn con số bình quân chỉ từ 20% - 30%.
“Căn bệnh trầm kha” DN hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn khá phổ biến, nhất là khi diễn biến thị trường bất lợi, vẫn chưa được xử lý.
Còn khó triển khai
Có lẽ do quá nhiều kỳ vọng nên kết quả đạt được 2 năm qua làm không ít người thất vọng.
Do đó cần khách quan và tỉnh táo để xem xét các vấn đề liên quan.
Để làm cánh đồng mẫu, Công ty CP BVTV An Giang đã phải chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất trong nhiều năm.
Nhưng mô hình của công ty này khó có thể nhân rộng vì không có nhiều DN đủ nguồn lực, vì phần lớn DN nông nghiệp hiện nay đều thuộc dạng vừa và nhỏ.
Chính sách hỗ trợ của Quyết định 62 cũng chưa sát với thực tế nên khó triển khai.
Cả DN và nông dân trong CĐL đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn lại rất khó, nhất là với hợp tác xã (HTX) vì không có gì để thế chấp khi vay vốn.
Trong khi đó, Quyết định 62 chưa đề cập đến vai trò của tổ hợp tác khi liên kết, xây dựng CĐL; trong khi ở ĐBSCL, THT lại phát triển rất nhiều và DN thường liên kết với tổ hợp tác thay vì với HTX.
Một bất cập khác, Quyết định 62 giao trách nhiệm về cho địa phương làm chính sách.
Đến khi triển khai, Bộ NN-PTNT quy định trách nhiệm là lãnh đạo tỉnh hỗ trợ các đối tương CĐL, trong lúc Bộ Tài chính yêu cầu phải có ý kiến của HĐND tỉnh.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, phản ánh: “Khi đem vấn đề này trình lên thì HĐND cho biết văn bản của Bộ Tài chính không phải là văn bản quy phạm nên không giải quyết”.
Còn ông Huỳnh Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, bức xúc khi cho rằng, dù sở đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và cố gắng hết mức nhưng DN vẫn không vay được vốn ưu đãi theo Quyết định 62 thì nói gì đến lượt HTX? Việc tiêu thụ sản phẩm cũng chưa có DN nào dám làm phương án dài 5 năm mà chỉ có thể lên kế hoạch từng năm do thị trường bất ổn.
Thực tế đó bộc lộ hạn chế chính sách khi áp dụng.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong CĐL càng không thực hiện được.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Huỳnh Thế Năng, cho rằng chính sách không cần dàn trải như hỗ trợ 30% giống lúa mà chỉ cần tập trung vào khâu tác động đến việc nâng cao năng lực.
Như chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đúng thực chất ở ĐBSCL là hệ thống kênh rạch.
Vào vụ thu hoạch, ghe lớn không vào được kênh cấp 3 để vận chuyển lúa, gây ùn tắc do tình trạng phân cấp quản lý.
Vì vậy, cần khơi thông dòng chảy cho khâu này.
Chính sách tín dụng cũng vậy, làm sao để DN và HTX, 2 khâu quan trọng trong việc liên kết nhưng đều thiếu vốn, có thể tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi.
Việc các tỉnh chậm triển khai CĐL, phải chăng đang chờ ngân sách? Đây là những bất cập, đòi hỏi có sự sửa đổi, bổ sung chính sách để tạo lực đẩy cho việc liên kết, hình thành CĐL.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân và ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã triển khai thí điểm trồng rau trái vụ tại một số huyện ngoại thành. Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng sản xuất mới, giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới.
Năm 2014, kế hoạch gieo trồng của huyện Chợ Mới khoảng 78.800 héc-ta lúa, màu. Huyện sẽ tập trung xuống giống dứt điểm vụ đông xuân trong tháng 12; cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu”; các địa phương nhanh chóng lên kế hoạch xả lũ, nạo vét kênh...
Đây sẽ là nguồn thu nhập lâu dài của các hộ tham gia dự án và là nơi tham quan học tập nghề vườn ở mỗi địa phương. Hiện có khoảng 780 hộ bước đầu có thu nhập hơn 700 triệu đồng từ vật nuôi và CAQ.
Những ruộng lạc đã đến kỳ thu hoạch ở xã Diễn Thịnh - vùng trồng lạc tập trung của huyện Diễn Châu (Nghệ An) phủ một màu đen héo úa. Vào vụ thu hoạch, nhưng nông dân không phấn khởi vì lạc bị giảm năng suất so với mọi năm...
Không như mọi ngày, sáng nay anh Lập dậy hơi muộn. Dư vị của trận nhậu tưng bừng tối hôm qua vẫn còn làm anh uể oải. Bữa tiệc do một khách hàng khao mừng việc con heo nái của mình đã hạ sinh được 14 con mà vẫn “mẹ tròn con vuông”. Đó là “thành quả” do có “tay nghề” của con heo nọc giống mà anh Lập đã nuôi dưỡng hơn hai năm nay.