Tạo Đột Phá Về Giống Trong Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Cà Phê
Chiếm trên 90% diện tích cà phê của cả nước, Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất cũng như lượng xuất khẩu cà phê vào top đầu của thế giới.
Trong các quy trình để có những "hạt vàng đen" được cải thiện cả về năng suất, chất lượng, tạo bước đột phá về giống là một trong nhiều yếu tố có tác động tích cực, trong đó Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đóng vai trò chủ lực.
Nghiên cứu, chọn tạo để tìm ra những giống cà phê có nhiều đặc tính ưu việt, nhất là trong điều kiện canh tác cà phê ngày càng gặp nhiều do khó khăn do nguồn tài nguyên nước cạn kiệt; thị hiếu, yêu cầu tiêu dùng cao hơn; chi phí đầu vào tăng; giá cả bấp bênh..., đã được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên dành nhiều thời gian và tâm sức.
Nhiều nguồn vật liệu quý đã được đưa về chọn tạo, ghép, thử nghiệm là kết quả của bao tháng ngày theo dõi, lặn lội, cất công đi thu thập. Thạc sĩ Chế Thị Đa, Trưởng Bộ môn Cây công nghiệp đã từng tâm sự với chúng tôi rằng: Ngày ấy, không quản ngại vất vả, cứ nghe ở đâu có vườn cà phê đẹp là bà đi, chẳng riêng các tỉnh Tây Nguyên, mà cả Đồng Nai, Vũng Tàu.
Lúc đó, có những vùng dân cư thưa thớt, nhiều vườn cà phê ở giữa nơi hoang vu, đường sá đi lại khó khăn, đi xe máy phải quấn xích vào bánh, rồi có vùng bà phải cuốc bộ cả ngày đường, bị vắt cắn, cũng sợ nhưng nghĩ đến nguồn vật liệu quý có thể thu thập được lại không thể bỏ cuộc.
Ấy vậy mà những chuyến đi dài 5 đến 7 ngày nhưng khi về vẫn tay không chẳng phải là chuyện hiếm. Những chuyến đi chọn tạo, tìm được nguồn vật liệu quý, bà vui đến mức không ngủ được.
Sau nhiều nỗ lực chọn tạo, thu thập, nghiên cứu và thử nghiệm, từ 256 nguồn gien đầu dòng cây cà phê vối, ngay từ giai đoạn 1983-1998 đã có 3 giống cà phê từ TR1 đến TR3 được công nhận là giống quốc gia; giai đoạn 1998-2006 thêm 5 giống nữa từ TR4 đến TR8 và giai đoạn từ 2006 đến nay có thêm 4 giống từ TR9 đến TR13.
Đây là những giống cà phê mới đạt năng suất từ 4,2 tấn - 7 tấn nhân/ha, cao hơn những giống cà phê cũ trung bình 15-20%, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh rỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới.
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Theo TS.Trần Vinh, Phó Viện trưởng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông lâm nghiệp Ea Kmat, trong quá trình chuyển giao, các giống cà phê ghép được bà con ưa chuộng nhất là TR4, TR9, TR11 và TRS1 (giống lai bằng hạt) do ngoài những ưu điểm nêu trên, còn phù hợp với tập quán canh tác của người dân.
Chỉ tính riêng năm 2013, Công ty đã chuyển giao 800 nghìn cây giống cà phê ghép dòng vô tính và 1 triệu cây giống hạt lai TRS1. Năm 2014 dự kiến lượng tiêu thụ giống cũng tương đương như năm 2013.
Các giống cà phê đều được kiểm tra, thử nghiệm trước khi đưa vào trồng với diện tích lớn, việc chuyển giao chủ yếu qua kênh khuyến nông là chính nhằm bảo đảm cho nông dân được hướng dẫn cũng như tập huấn. Bởi theo TS Vinh, việc ứng dụng thành công những giống cà phê mới vào thực tiễn canh tác trên đồng ruộng còn tùy thuộc vào kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Viện cũng phối hợp với các địa phương, các đơn vị khuyến nông và nông dân tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ để chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, nhân giống cà phê vối giống mới, kỹ thuật tạo hình, tỉa cành, kỹ thuật ghép cải tạo cho cà phê vối, quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê vối, cà phê chè,…
Thống kê sơ bộ trong 3 năm trở lại đây, bà con nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã cưa đốn trên 40 nghìn héc-ta cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, bị bệnh rỉ sắt và thay thế bằng các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc. Hiện nay, nhiều vườn đã cho thu hoạch.
Các giống cà phê của Viện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cũng trở thành những giống cà phê chủ lực cho chương trình phát triển cà phê bền vững cũng như tái canh cà phê hiện nay.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều cơ sở kinh doanh giống nở rộ, thậm chí lợi dụng thương hiệu “Ea Kmat” như hiện nay, điều mà các nhà khoa học của Viện muốn gửi gắm đến bà con nông dân là bà con nên tìm đến đúng địa chỉ để mua được những cây giống đúng nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.
Ngày 4-10, các chuyên gia của Đại học Nông nghiệp I và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã đến xã Quyết Thắng (Thanh Hà) lấy mẫu xét nghiệm giống lúa nếp lai bị một loại bệnh lạ gây thối thân lúa.
Nhắc đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “cù lao hành”. Nhưng đến Thạnh Hội vào thời điểm này cây hành dường như đã trở thành “thứ yếu” vì cây bạc hà mới là cây trồng chủ lực.
Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.
Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.