Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tạo đột phá từ nguồn vốn vay

Tạo đột phá từ nguồn vốn vay
Ngày đăng: 25/08/2015

Quyết tâm không cam chịu cuộc sống khó nghèo, chỉ với 1 ha đất canh tác, nông dân Đỗ Văn Hiển đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hàng trăm triệu đồng/năm, vươn lên trở thành hộ khá của xã Vĩnh Phúc.

Theo đó, từ 4.000 m2 đất cấy lúa/năm, ông Hiển chuyển đổi trồng 1 vụ lạc Xuân và 1 vụ lúa Mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc chỉ cấy 2 vụ lúa/năm. Ông Hiển cho biết: Với diện tích trên, vào vụ thu hoạch, cây lạc vụ Xuân cho gia đình tôi thu 1,8 tấn (có giá trị trên 36 triệu đồng). Còn sản lượng vụ lúa Mùa đạt trên 2,7 tấn (tương đương 18 triệu đồng). Mặt khác, trước đây, gia đình ông Hiển chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhiều năm trở lại đây, ông đã đầu tư xây chuồng trại quy mô lớn hơn để chăn nuôi lợn thịt và lợn sinh sản. Cách làm này giúp gia đình ông thu lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) đạt trên 75 triệu đồng/3 lứa lợn/năm. Tận dụng diện tích đất vườn, gia đình ông còn phát triển chăn nuôi hàng trăm con gà/năm, góp thêm nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Song hành với thành quả lao động trên, 6.000 m2 đất trồng cây ăn quả (cam Chanh và bưởi da xanh) của gia đình ông Hiển đã và đang tạo ra những mùa quả ngọt bội thu trên đồng đất Vĩnh Phúc. Kể về động lực cho câu chuyện đột phá trong phát triển kinh tế vườn – ghép cải tạo giống cam Chanh trên gốc bưởi Diễn, ông Hiển chia sẻ: Có lần, tôi may mắn được tham dự Hội nghị đầu bờ, do UBND huyện Bắc Quang tổ chức. Khi thăm cánh đồng lúa, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh có nói: Trước đây, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Bắc Quang năng suất chỉ đạt 1 tạ/sào nhưng nay đã đạt 3 tạ/sào. Điều đó cho thấy sự đột phá trong sản xuất lúa của địa phương... Chính từ “đột phá” trong nhận xét của Bí thư Tỉnh ủy khiến tôi trăn trở: Tại sao mình không tạo đột phá để tăng thu nhập cho gia đình?. Rồi tôi quyết định dành thời gian đến huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên học tập kinh nghiệm cải tạo cây trồng của họ để áp dụng vào thực tế gia đình.

Nung nấu quyết tâm ấy, năm 2012, ông Hiển đến Phòng giao dịch Gia Tự (xã Đồng Yên) – Chi nhánh của Agribank Bắc Quang để vay 50 triệu đồng, cải tạo vườn cây ăn quả. “Khi chặt bỏ toàn bộ vườn bưởi Diễn rộng 5.000 m2 đang độ sai quả để tiến hành ghép mắt cam Chanh trên gốc bưởi, nhiều người cho rằng cách làm của tôi không khả quan. Vì trên đất Vĩnh Phúc chưa một ai có cách làm táo bạo như vậy”, ông Hiển bộc bạch. Nhưng chỉ sau 1 năm ghép mắt, kết quả mang đến cho ông vụ quả đầu tiên.

Bước sang vụ thứ 2, ông Hiển đã thu trên 4 tấn quả, với giá dao động từ 25-30.000 đồng/kg. Vào vụ thu hoạch sắp tới, ông Hiển ước tính, vườn cam Chanh 200 cây của gia đình sẽ cho thu từ 17-20 tấn quả... Đặt phép tính so sánh giữa giá trị kinh tế của cam Chanh và bưởi Diễn, ông Hiển cho biết: Trung bình, 1 cây bưởi Diễn có từ 50-60 quả với giá bán 30.000 đồng/quả nhưng phải trồng trên 7 năm thì ăn quả mới ngon. Trong khi đó, nếu ghép cam Chanh trên gốc bưởi Diễn có thể đạt sản lượng trên 100 kg/cây, với giá bán 25-30.000 đồng/kg. Hơn nữa, giống cam Chanh này có quả to, tròn; vỏ mỏng, mầu vàng sáng, múi mọng ăn có vị ngọt thanh, là một trong những giống cam quý được thị trường ưa chuộng...

Từ cách làm của ông Hiển và trước thực trạng nhiều diện tích bưởi Diễn của xã Vĩnh Phúc sinh trưởng, phát triển tốt nhưng chất lượng quả chưa cao, tép bưởi khô; năm 2014, xã Vĩnh Phúc đã thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng vườn cây ăn quả bằng cách ghép cải tạo. Theo đó, ưu điểm của phương pháp ghép mắt cam Chanh trên gốc bưởi Diễn ít tốn công sức, chi phí đầu tư và thời gian (chỉ mất 1 năm là cho thu hoạch) so với cách cải tạo theo hướng chặt bỏ bưởi Diễn và trồng mới cam Chanh (mất từ 3-4 năm). Đến nay, trên địa bàn xã Vĩnh Phúc đã có trên 400 hộ học theo ông Hiển, cải tạo vườn cây ăn quả; đưa tỷ lệ gia đình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng của xã lên đến 90% - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, Nguyễn Thái Tư chia sẻ.

Không chỉ có cách làm sáng tạo, hiệu quả như trên, ông Hiển còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều hộ dân của xã Vĩnh Phúc và huyện Quang Bình về kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả; giúp hàng chục gia đình vay vốn không tính lãi để mua nông cụ phục vụ sản xuất, xây chuồng chăn nuôi, lắp đặt hầm bioga và mua lợn giống để phát triển kinh tế hộ. Thêm vào đó, gia đình ông còn hiến 520 m2 đất thổ cư để cùng bà con trong xã chung tay xây dựng Nông thôn mới... Bằng những việc làm của mình, nông dân Đỗ Văn Hiển trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương, được nhiều người mến phục.


Có thể bạn quan tâm

Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

16/01/2015
Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình) Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình)

Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.

16/01/2015
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao

Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.

16/01/2015
Trở Ngại Từ Việc Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Balasa N01 Trở Ngại Từ Việc Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Balasa N01

Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa N01 ở tỉnh đã được nông dân quan tâm và ứng dụng nhiều bởi lợi ích đem lại của nó. Việc sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi heo đã góp phần làm giảm thải tối đa nguy cơ ô nhiễm và hiệu quả tốt đối với môi trường nhờ hệ vi sinh vật có lợi giúp phân hủy gần như triệt để chất thải. Từ đó làm giảm mùi hôi, bảo đảm môi trường sống có lợi cho vật nuôi và an toàn cho sức khỏe con người.

16/01/2015
Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP Ninh Thuận Nuôi Tôm Công Nghiệp Không Sử Dụng Kháng Sinh, Hóa Chất Theo VietGAP

Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 - 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.

16/01/2015