Tăng Tỷ Lệ Nảy Mầm Lúa Giống Bằng... Acid

Các giống lúa cao sản ngắn ngày thường có thời gian ngủ nghỉ sau khi thu hoạch. Thời gian này kéo dài từ 10-15 ngày tùy từng giống. Nếu lúa giống gặt về trong khoảng thời gian này mà lấy làm giống sạ lại cho vụ xuân hè mà không xử lý thì tỷ lệ hạt giống nảy mầm sẽ rất thấp và không đều, hạt nảy trước, hạt nảy sau dẫn đến lượng hạt giống cần dùng nhiều gây lãng phí và khó khăn cho việc xuống giống.
Hiện nay ở ĐBSCL đang bắt đầu bước vào thu hoạch lúa đông xuân. Thường là sau khi thu hoạch lúa đông xuân, đa số nông dân đốt đồng và dùng ngay lúa mới thu hoạch (vì vụ này cũng không có lúa cũ) để làm giống sạ cho vụ xuân hè, trong đó có nhiều người sạ chui nên từ khi thu hoạch đến khi xuống giống vụ mới chưa tới 10 ngày. Lượng giống bà con nông dân thường dùng là 200 kg/ha. Hạt giống nảy mầm tốt thì lượng giống chỉ cần 150 kg/ha cũng cho mật số cây tương đương với lượng giống trên. Để giúp bà con nông dân có được tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao, chúng tôi xin giới thiệu cách dùng acid nitric (HNO3) để xử lý hạt giống. Cách làm như sau:
Hạt giống sau khi thu hoạch cần phơi khô, đãi sạch những hạt lửng lép. Đem hạt giống ngâm dưới sông hoặc ao hồ trong khoảng 24 giờ, vớt lên để ráo vỏ.
Acid mua tại các đại lý vật tư nông nghiệp, chai được đóng sẵn là 100 ml. Đong 100 lít nước sạch vào lu sành hoặc thùng, sao đó đổ từ từ 100 ml dung dịch acid vào nước, khuấy đều rồi đổ 100 kg lúa vào ngâm trong 24 giờ tiếp. Sau đó vớt lúa ra, mang lúa ra sông hay ao hồ đãi sạch hết nước chua, đổ lúa lên tấm đệm và đem ủ kỹ bằng rơm khô, bao bố hoặc tấm đệm (nếu trời lạnh thì cần ủ thật kỹ bằng rơm khô). Ủ được 24 giờ, kiểm tra thấy đống lúa có nhiệt độ cao và lúa đã nứt nanh đều thì bỏ đồ che phủ ra và tưới đều cho lúa từ trên xuống dưới và ủ lại thêm 24 giờ nữa, lúa sẽ nảy mầm đều.
Cần chú ý khi xử lý lúa bằng acid:
- Không dùng dụng cụ bằng kim loại, acid sẽ ăn mòn và làm hư đồ dùng.
- Đổ từ từ acid vào nước chứ không đổ acid vào thùng trước rồi mới đổ nước sau.
- Thật cẩn thận khi thao tác, cần đeo găng tay không thấm nước và áo quần bảo hộ.
- Tránh không để acid dính vào da thịt, áo quần.
- Rửa sạch dụng cụ sau khi xử lý bằng nước sạch.
Có thể bạn quan tâm

Trước nguy cơ bệnh lùn sọc đen bùng phát, gây hại cho diện tích lúa Mùa, tỉnh Nam Định đã và đang tập trung các giải pháp để phòng, chống bệnh lùn sọc đen

ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân và đang chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè. Ở những vùng có đê bao, chủ động bơm tưới nước thường làm 3 vụ/năm

Nhiễm lúa cỏ hiện nay rất phổ biến, đây là nguyên nhân làm cho ruộng lúa không bằng phẳng, có nhiều tầng và năng suất giảm đáng kể so với ruộng không bị nhiễm

Với tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7- 10%, cục bộ 20 - 30%. Nhóm giống bị bệnh rơi vào trà xuân sớm và xuân trung, bao gồm: IR1820, XT28, Xi23, NX30

Cày ải sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 3 - 4 tuần để cho đất phục hồi, giảm ngộ độc hữu cơ.