Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa

Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa
Ngày đăng: 12/06/2013

Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.

Điều này diễn ra trong trong khi sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua. Trao đổi với phóng viên NTNN, GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam - cựu Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, việc giảm diện tích xuống giống lúa nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, thay vào đó, tăng cường sản xuất rau màu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước là điều cần thiết ở ĐBSCL.

Kết quả sau gần 13 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh luân canh các loại rau, màu trên đất lúa ở vùng ĐBSCL như thế nào, thưa Viện trưởng?

- 25 năm về trước, tỷ lệ diện tích màu trên tổng diện tích cây lương thực ở ĐBSCL đạt mức 11 - 12%. Tuy nhiên, từ thập niên 90 đến nay, khi ĐBSCL tăng cường trồng lúa, diện tích màu liên tục sụt giảm. Hiện tại, tỷ lệ diện tích màu trên tổng diện tích lương thực ở ĐBSCL rất thấp, chưa đến 4%, tỷ lệ này của cả nước khoảng 18%.

Vậy cần phải giảm bớt diện tích lúa và tăng cường sản xuất hoa màu, thưa Viện trưởng?

- Đó là việc cần thiết, phải làm trong thời gian tới. Hiện tại, ĐBSCL cần phải giảm hệ số quay vòng đất lúa để đảm bảo sản xuất lâu dài, bền vững bằng cách chuyển sang trồng xen vụ màu. Trong đó, xuân hè và thu đông là 2 vụ thích hợp nhất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xuân hè thì chuyển sang trồng màu càng sớm càng tốt. Còn thu đông, theo tôi, ĐBSCL chỉ cần giữ ổn định diện tích lúa thu đông ở mức 400.000 - 500.000ha.

Đã có chủ trương từ năm 2000 và có nhiều mô hình thí điểm nhưng tại sao đến nay, các mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng được, thưa ông?

- Trước hết, do hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chủ yếu phục vụ sản xuất lúa gạo, mà nhu cầu về nước của cây màu và thủy sản khác cây lúa. Việc điều chỉnh hài hòa hệ thống thủy lợi, vừa phục vụ sản xuất lúa và phát triển rau màu sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Thứ hai, ĐBSCL chưa có các quy hoạch vùng cụ thể, thích hợp với điều kiện hiện có của từng vùng thổ nhưỡng và cho từng loại cây màu. Thứ ba, do chưa có hướng giải quyết đầu ra cho nông dân. Hơn nữa, các sản phẩm màu như bắp (ngô), đậu nành chủ yếu phục vụ chế biến thức ăn gia súc, trong khi đó hầu hết các nhà máy chế biến thức ăn gia súc hiện nay tập trung tại vùng Đông Nam Bộ.

Việc chuyển một phần diện tích lúa sang trồng màu là điều cần thiết phải làm, tuy nhiên, phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nếu không, cây màu rồi cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá như bao cây khác ở ĐBSCL”.GS-TS Bùi Chí Bửu

Nếu giải quyết được 3 vấn đề trên, khả năng trồng màu, cụ thể là bắp và đậu nành của ĐBSCL sẽ thay đổi như thế nào?

- ĐBSCL có thể tăng diện tích đậu nành lên 100.000ha trong vụ xuân hè, tuy nhiên, phải với điều kiện là tìm ra được giống đậu nành chịu ngập. Về năng suất, đậu nành trồng ở ĐBSCL có thể đạt 3,5 – 4 tấn/ha. Đối với bắp, khả năng tăng năng suất bắp lai tại ĐBSCL lên 8 – 10 tấn/ha không khó. Tuy nhiên, phải đảm bảo được đầu ra cho nông dân mới có thể tăng diện tích.

Có ý kiến cho rằng, giá thành sản xuất đậu nành và bắp ở Việt Nam cao hơn nhiều so với nhập khẩu khiến các sản phẩm này không có khả năng cạnh tranh?

- Giá thành cao vì hơn 30% diện tích trồng bắp trong nước nằm ở vùng đất đồi núi xa xôi như Sơn La, Lai Châu… với năng suất còn rất thấp. Bắp ở Tây Nguyên đạt năng suất cao hơn, khoảng hơn 6 tấn/ha nhưng vùng này lại không chủ động nước tưới. Trong khi đậu nành thì bà con phun thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng phân đạm quá nhiều khiến chi phí giá thành đội lên. Hơn nữa, thất thoát sau thu hoạch đậu nành ở ĐBSCL cũng rất cao do chưa cơ giới hóa.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.

23/06/2013
Làm Giàu Từ Trang Trại Tổng Hợp Làm Giàu Từ Trang Trại Tổng Hợp

Trong những năm qua phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Yên. Gia đình anh Phạm Văn Hậu ở bản Sáo xã Xuân Hòa (Bảo Yên- Lào Cai) là một điển hình, nhờ phát triển kinh tế trang trại mà kinh tế gia đình anh không ngừng được nâng lên.

23/06/2013
Câu Lạc Bộ Trồng Lúa An Toàn, Đoàn Kết Câu Lạc Bộ Trồng Lúa An Toàn, Đoàn Kết

Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa ấp Long Hòa B, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tuy mới thành lập trên năm nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và được sự trợ giúp về kỹ năng sinh hoạt nhóm và sự hướng dẫn kỹ trồng lúa an toàn của Công ty Bayer Việt Nam.

23/06/2013
Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình

Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.

23/06/2013
Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

24/06/2013