Khẩn Trương Chống Hạn Ngay Từ Vụ Đông Xuân
Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
Tiết kiệm nước tưới tối đaCông ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lý 16 công trình hồ đập và 19 trạm bơm, có nhiệm vụ tưới tiêu cho 31.480 ha đất sản xuất nông nghiệp. Sắp kết thúc mùa mưa lũ, nhưng lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh thời gian qua chỉ bằng 60- 70% so với những năm trước nên mức trữ bình quân tại các hồ thủy lợi do công ty quản lý chỉ đạt khoảng 45% so với trung bình nhiều năm trước.
Nhiều hồ chứa mực nước ở mức thấp đáng báo động như: Nghĩa Hy 27%; Ái Tử 51%; Đá Mài, Tân Kim 30%; Kinh Môn 50%; Trúc Kinh 59%...
Vì vậy rất nhiều diện tích ở các vùng trọng điểm lúa có thể thiếu nước ngay từ vụ đông xuân. Điển hình như Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, đơn vị thủy nông phục vụ tưới tiêu chính cho vùng đồng bằng Triệu- Hải với khoảng 5.359 ha đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, vụ đông xuân này, Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn dự kiến có thể tưới chủ động cho 3.604 ha, còn trên 1.750 ha đơn vị thiếu nước phải đặt máy bơm hỗ trợ. Ở hệ thống Kinh Môn, tổng diện tích phục vụ trong vụ đông xuân trên 1.300 ha nhưng có đến 400 ha thiếu nước tưới hoặc ở hệ thống thủy lợi Trúc Kinh cũng có trên 450/1.500 ha không phục vụ tưới được…
Dự kiến vụ đông xuân 2014- 2015 có 3.410 ha đất nông nghiệp nằm trong vùng cung ứng nước của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh không thực hiện đủ nước tưới.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân cho các địa phương trong tỉnh, đơn vị đã lên kế hoạch dùng các trạm bơm điện, trạm bơm lẻ tăng cường tưới cho vụ đông xuân. Tận dụng các nguồn nước hồi quy, ao hồ, sông suối và các nguồn có thể bơm tát nhằm tưới tiết kiệm nước hợp lý ngay từ vụ đông xuân.
Ngoài việc tập trung nạo vét các sông hói, kênh mương nội đồng đảm bảo dẫn nước thông suốt, tận dụng nước hồi quy cho các trạm bơm hoạt động, để tiết kiệm nước tưới, vụ đông xuân này tùy tình hình thực tế từng địa phương sẽ tiến hành điều tiết, luân phiên tập trung mở nước tưới đúng vào 4 giai đoạn cây lúa cần nước nhất là: tỉa dặm, thời kỳ lúa đẻ nhánh, lúa làm đồng và lúa trổ chứ không tưới tràn lan, lãng phí nước.
Chuyển đất trồng lúa sang trồng ngô
Như vậy nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2015 là rất lớn, trong đó sản xuất lúa chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Dự báo nhiều diện tích lúa không có nước tưới sẽ bị khô hạn hoặc nếu có thì nguồn nước cũng không đảm bảo suốt vụ, khiến năng suất bấp bênh, sản lượng không đảm bảo. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất lúa không có nước tưới là việc làm cần thiết để tổ chức sản xuất năm 2015 thắng lợi, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi cây trồng, tận dụng hết quỹ đất (kể cả đất lúa và đất màu) để sản xuất ngay trong vụ đông xuân 2014 - 2015 nhằm tăng thu nhập cho nông dân, bù cho vụ hè thu 2015 có nguy cơ sản lượng lúa thiếu hụt do không có nước tưới và không thể sản xuất được.
Trên cơ sở cân đối nguồn nước, diện tích khô hạn thiếu nước tưới và diện tích đăng ký chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn của các địa phương, vụ đông xuân này toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 1.381,9 ha đất trồng lúa sang trồng ngô, đồng thời mở rộng trồng thêm 577 ha ngô trên đất màu vụ đông xuân.
Sở dĩ ngô được lựa chọn là cây chuyển đổi chính trên đất lúa bởi đây là cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng ngô của tỉnh đến năm 2020 là 6.000 ha.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, so với cây lúa thì nhu cầu nước của cây ngô chỉ bằng 1/2 và 70% diện tích sản xuất ngô hiện nay chủ yếu nhờ vào nước trời. Hiện các địa phương đang tập trung sản xuất các giống ngô có năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: HN88, C919, NK54...
Với năng suất ngô bình quân khoảng 3 tấn/ha (trong điều kiện không thâm canh) và 6- 10 tấn/ha (trong điều kiện thâm canh, có tưới) thì người sản xuất cũng có lãi bình quân từ 15 – 25 triệu đồng/ha (đặc biệt nếu trồng ngô nếp lai HN88 và bán dạng bắp ăn tươi thì người sản xuất có lãi từ 9- 10 triệu đồng/sào).
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định : “Để đảm bảo thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của hạn hán và những khó khăn trong quá trình sản xuất đến các cấp chính quyền ở địa phương và người dân trực tiếp sản xuất.
Vận động, tập huấn kỹ thuật để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm thiểu sự thiệt hại do hạn hán gây ra. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đủ nước tưới, mở rộng tối đa diện tích sản xuất trong vụ đông xuân 2014- 2015 là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí kinh phí kịp thời cho công tác chuyển đổi và ứng phó với hạn hán nhằm động viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa khô hạn”.
Có thể bạn quan tâm
Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.
Góp vốn, đất đai, cây thuốc... thành lập hợp tác xã (HTX) - cách làm này đã và đang giúp cho đồng bào Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) bảo tồn và phát triển những cây thuốc và bài thuốc quý.
Phân bón hữu cơ sinh học đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển do phù hợp với nhiều loại đất, cây trồng, đồng thời an toàn cho môi trường cũng như người sử dụng...
Người tiêu dùng hiện đã quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn khi chọn thực phẩm cho gia đình. Các sản phẩm đạt chuẩn rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP… đang được ưu tiên chọn mua.
Sau nhiều năm làm bạn với ong, giờ đây anh Trần Văn Phước (45 tuổi), thôn An Kim, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang sở hữu một trang trại nuôi ong bề thế, mỗi năm mang về cho gia đình anh hơn 400 triệu đồng.