Tăng Cường Quản Lý Từ Gốc Để Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng gặp khó khăn, người dân phải đối mặt với thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, đến khi thu hoạch, giá tôm không ổn định.
Những tồn tại nói trên có một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của nghề nuôi tôm, đó là chất lượng con giống. Đây là vấn đề nan giải không chỉ đối với nhà nông, nhà khoa học mà còn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh nhà và ngành Nông nghiệp.
Tiền Giang là tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, với gần 7.000 ha, trong đó có 4.423 ha diện tích đất nuôi tôm. Tỉnh đã xây dựng 9 cơ sở sản xuất giống tôm sú (không có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng), 5 cơ sở thuần dưỡng giống tôm sú và 2 trại thuần dưỡng tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, hiện mỗi năm các trại sản xuất, thuần dưỡng giống ở tỉnh chỉ sản xuất được khoảng 171,9 triệu con tôm giống, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong tỉnh, số còn lại phải nhập về từ các tỉnh miền Trung.
Thực tế cho thấy, một phần tôm giống sản xuất trong tỉnh chưa đảm bảo chất lượng, nguồn tôm giống nhập về từ miền Trung cũng khó kiểm soát một cách chặt chẽ. Người nuôi trồng thủy sản rất băn khoăn về chất lượng con giống, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành, bại của vụ tôm. Còn về công tác kiểm soát tôm sú giống trong tỉnh và nhập tỉnh, đến nay chỉ kiểm soát được khoảng 30% lượng giống thả nuôi.
Nguyên nhân dẫn đến việc tôm giống kém chất lượng là do nhiều cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh. Công tác kiểm dịch tôm giống còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất, đại lý cung cấp tôm giống thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, một số người nuôi tôm có tâm lý ham rẻ, chủ quan mà ít đem tôm giống đi kiểm dịch trước khi thả nuôi.
Thực tế, một bộ phận nhân viên kỹ thuật trong các trại sản xuất giống không có chứng nhận chuyên môn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đăng ký đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng vẫn tồn tại. Một số cơ sở kinh doanh kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường, bán sản phẩm không nhãn hiệu bao bì, không đảm bảo chất lượng.
Thêm vào đó, tỉnh hiện chưa có quy hoạch vùng sản xuất sản xuất, kinh doanh giống tập trung nên các trại giống xây dựng phân tán. Những trại này gặp nhiều khó khăn về giao thông, điện, nguồn nước, vốn, chịu ảnh hưởng sinh hoạt từ khu dân cư trong khi cơ quan chuyên môn thì khó khăn trong công tác quản lý. Đây là một trong những nguy cơ làm cho chất lượng con giống không đảm bảo.
Hiện nay, thị trường tôm giống chưa được bảo hộ nên có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít cơ sở sản xuất tôm giống sạch khó khăn vì đầu ra không ổn định. Nhiều người nuôi tôm sẵn sàng chọn mua tôm giống đảm bảo chất lượng với giá cao hơn bình thường. Các nhà sản xuất tôm giống chân chính sẵn sàng đầu tư để sản xuất giống sạch với điều kiện giá phải phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, hai đối tượng này lại ít có cơ hội gặp nhau. Bởi người nuôi rất khó xác định đâu là tôm giống sạch, trong khi một số đối tượng sản xuất, kinh doanh giống lại thường dùng chiêu bài giống sạch để lừa người nuôi. Số cơ sở làm ăn chân chính, đầu tư lớn để nâng cao chất lượng thường bị lợi dụng nhãn hiệu, bao bì, bị cạnh tranh về giá nên rất khó đứng vững trên thị trường.
Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có một trạm kiểm dịch tôm giống với nhân sự phục vụ trực tiếp cho công tác này chỉ có 2 người mà phải chịu trách nhiệm kiểm dịch tôm giống sản xuất trong tỉnh và nhập tỉnh trên địa bàn 4 huyện.
Chất lượng sản xuất con giống cũng là vấn đề đáng quan tâm của các nhà quản lý và những người sản xuất chân chính, có thương hiệu. Để có được những con post chất lượng, sạch bệnh và an toàn sinh học, các trại giống luôn chú trọng đến việc chọn con tôm sú bố mẹ. Nhiều trại giống sẵn sàng bỏ ra 4 - 5 triệu đồng để mua một con sú bố mẹ chất lượng cao được khai thác từ biển khơi. Sau khi sản xuất ra con post, còn tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch chất lượng thủy sản nghiêm ngặt.
Vậy mà khi bán ra thị trường, các trại giống này phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các trại tôm sú giống kém chất lượng ngoài tỉnh. Những trại giống kém chất lượng đa phần không quan tâm đến con sú bố mẹ, họ có thể chỉ cần mua con sú bố mẹ ngay trong ao với giá khoảng 200 ngàn đồng/con là có thể sản xuất ra hàng triệu con post. Ngoài ra, cơ sở vật chất không đảm bảo, công tác đầu tư vào những trại giống sơ sài nên con giống bán ra thường có giá rẻ.
Thời gian qua, nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng tôm giống và đã có biện pháp xử lý những trường hợp sai phạm.
Thế nhưng, sau khi bị xử phạt, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống này vẫn lén lút hoạt động, không thực hiện kiểm dịch hoặc kiểm dịch chỉ mang tính tượng trưng, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng tôm giống, ngoài việc tăng cường kiểm dịch giống, thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, ngành Nông nghiệp cần tăng cường tập trung quản lý về gốc.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phê duyệt đề án quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản trong cả nước, và các tỉnh, thành căn cứ vào đó để quy hoạch chi tiết theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống thủy sản, tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, có biện pháp khắc phục hoặc xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện, đồng thời hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn.
Mặt khác, cần triển khai thành lập thí điểm mô hình tổ hợp tác, chi hội sản xuất, kinh doanh tôm giống. Ngoài việc giúp nhau phát triển sản xuất, các tổ chức này còn tham gia giám sát, ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh tôm giống.
Tăng cường phối hợp với những trung tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành Thủy sản lớn để đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống.
Đồng thời, chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch tại gốc.
Có thể bạn quan tâm
Anh Trần Đình Toàn ở ấp An Định, xã An Bình (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đợt thu hoạch, anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Từ nghèo khó, nhờ con ba ba mà gia đình anh đã vươn lên khá giàu.
Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh An Giang đến tận nơi thu mua cá lóc giống với giá dao động từ 320.000 đến gần 400.000 đồng/kg (tăng hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước) để chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Nam Bộ và xuất bán sang thị trường Campuchia.
Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp với Chi đoàn Chi cục Thủy sản và UBND xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông vừa tổ chức lớp tập huấn về Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), có 60 bà con nuôi tôm dự.
VASEP yêu cầu DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 08 và 09 như các năm trước đây.
Trước tình trạng hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng phi mã, các nhà khoa học đã đưa ra một số nguyên liệu như thóc, gạo, sắn… thay thế để giảm chi phí đầu vào.