Mở Hướng Sản Xuất Rau An Toàn Không Cần Đất
Hiện nay, nhiều gia đình không chỉ có nhu cầu tìm mua các loại rau an toàn (RAT) mà còn tự sản xuất để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, nhằm đảm bảo sức khỏe. Song, trở ngại lớn là vấn đề thiếu đất sản xuất, nhất là các hộ gia đình ở đô thị. Mô hình "sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình" đã và đang được Bình Thủy, TP Cần Thơ triển khai thực hiện, mở hướng cho các hộ gia đình phát triển sản xuất RAT mà không cần đất.
* Trồng RAT không cần đất
Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình" được triển khai thực hiện trên địa bàn quận Bình Thủy từ tháng 11-2013 đến tháng 10-2014. Đây là dự án khoa học công nghệ cấp quận. Phòng kinh tế quận Bình Thủy là đơn vị được UBND quận Bình Thủy giao quản lý dự án. Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) là đơn vị thực hiện.
Dự án hướng đến hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng các mô hình rau ăn lá an toàn không cần đất, gồm: rau thủy canh, rau non, rau mầm và giá đậu xanh.
Qua đó, giúp đáp ứng nhu cầu thiết yếu về rau sạch cho các hộ gia đình, cải thiện dinh dưỡng; đồng thời giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, nông dân trên địa bàn quận trong sản xuất và tiêu dùng RAT, bảo vệ sức khỏe trên cơ sở tận dụng thời gian nhàn rỗi. Ông Phan Văn Kim ngụ khu vực 3, phường Trà An, quận Bình Thủy, cho biết: "Gia đình tôi không có đất trống để trồng rau. Trước đây, gia đình hầu như phải mua rau chợ để ăn nên rất lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Được hướng dẫn của các thầy cô tại Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng-Trường Đại học Cần Thơ, gia đình tôi bây giờ có thể sản xuất được giá đậu xanh và nhiều loại rau ăn lá như: cải xanh, cải ngọt, cải xà lách… theo quy trình sạch không cần đất". Theo ông Phan Văn Kim, trồng rau ăn lá an toàn không cần đất, các gia đình có thể dễ dàng áp dụng để sản xuất rau phục vụ cho bữa ăn gia đình, nhất là sản xuất giá đậu xanh.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Ba, công tác tại Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ là Chủ nhiệm Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình", cho biết: "Dự án hướng đến việc sản xuất các loại rau ăn lá. Vì đây là đối tượng dễ gây ngộ độc nhất cho người tiêu dùng trong thời gian qua do ảnh hưởng của việc sử dụng phân thuốc hóa học trong quá trình sản xuất".
Sau gần 1 năm triển khai, Dự án nghiên cứu, khảo sát thực tế, mở các buổi tập huấn và chọn 10 hộ dân để hỗ trợ các thiết bị, giúp mỗi hộ xây dựng 4 mô hình sản xuất RAT không cần đất, gồm: trồng rau thủy canh, trồng rau non trên giá thể, sản xuất rau mầm và giá đậu xanh. Mỗi hộ gia đình tham gia dự án được hỗ trợ 1 kệ trồng rau thủy canh, 1 hệ thống trồng rau non (kệ và hệ thống tưới nhỏ giọt trên giá thể), 1 bộ dụng cụ trồng rau mầm, 1 bộ dụng cụ làm giá đậu xanh và hột giống.
Kết quả cho thấy, hệ thống thủy canh dạng bè nổi trồng các loại cải xanh, rau muống, cả đuôi phụng và xà lách (trồng trên mặt miếng mốp xốp thả nổi trong bồn nước) trong khoảng 18-20 ngày là có thể thu hoạch. Năng suất rau thu tại các hộ bình quân 2 kg/m2, trong đó cải xanh và rau muống cho năng suất tới 2,5 kg/m2.
Còn mô hình trồng rau non trên giá thể áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể cho năng suất 3-5kg/m2 do đặc tính của rau non là thu hoạch lúc còn non, gieo dày và thu tỉa nhiều lần. Trong khi đó, trồng rau mầm thủy canh và làm giá đậu xanh khá mau ăn, giá đậu xanh làm chỉ trong thời gian 3-4 ngày là thu hoạch, còn rau mầm từ 5-7 ngày. Tùy thời gian thu hoạch, trọng lượng giá đạt trung bình 0,8-1kg/thùng (140g đậu khô), rau mầm đạt 0,7-1kg/100g hạt khô.
Trong thời gian thực hiện Dự án, một số hộ dân sản xuất rau dư ăn và đem bán cho các hộ dân xung quanh, góp phần cải thiện thêm thu nhập cho gia đình. Dự án không chỉ giúp xây dựng và chuyển giao các kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn không dùng đất đến các hộ dân trong dự án mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân bên ngoài.
Có 48 hộ dân bên ngoài dự án tự đầu tư mua dụng cụ sản xuất giá đậu xanh và rau mầm. Đặc biệt, Dự án đã đào tạo và trang bị các kiến thức cần thiết cho 2 cán bộ khuyến nông tại quận Bình Thủy, làm tiền đề cho việc nhân rộng và phát triển mô hình trong tương lai.
* Triển vọng nhân rộng
Vừa qua, UBND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ quận nghiệm thu Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình". Hội đồng khoa học công nghệ quận nghiệm thu dự án với điểm số 91/100 điểm. Các thành viên Hội đồng khoa học công nghệ quận và đại biểu tham dự cuộc họp đánh giá cao dự án, do dễ ứng dụng cho các hộ gia đình và nhiều triển vọng để nhân rộng, có thể phát triển lên qui mô sản xuất hàng hóa.
Mô hình rất phù hợp với nhu cầu của nhiều hộ dân tại các khu đô thị có không gian chật hẹp, thiếu đất để trồng rau nhưng muốn tự sản xuất các loại RAT để đảm bảo cho sức khỏe, tiết kiệm tiền chợ hằng ngày, đồng thời tạo thêm được các mảng xanh đô thị.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, nhấn mạnh: "Đây là dự án rất triển vọng, Ban Chủ nhiệm dự án cần bổ sung thêm các đánh giá về hiệu quả kinh tế vào dự án để tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đặc biệt, Phòng Kinh tế quận cần có kế hoạch tổ chức tốt nhân rộng mô hình sau khi Dự án được nghiệm thu".
Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, sử dụng các loại RAT để đảm bảo cho sức khỏe đang là nhu cầu bức xúc của người dân. Ngành nông nghiệp thành phố đã và đang rất quan tâm, khuyến khích người dân phát triển sản xuất và tiêu dùng các loại RAT.
Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình" của quận Bình Thủy mở hướng phát triển mới trong sản xuất RAT. Tới đây, hy vọng mô hình này không chỉ được nhân rộng tại Bình Thủy mà còn phát triển ra các quận, huyện khác trên địa bàn TP Cần Thơ.
Mức sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu thực phẩm rau xanh cũng cao hơn về chất lượng và độ an toàn, đặc biệt là "rau sạch cao cấp" ăn số lượng ít nhưng giá trị bổ dưỡng cao như: giá đậu xanh, rau mầm, rau non, rau ăn lá thủy canh. Các loại rau này không chỉ chứa hàm lượng các chất bổ dưỡng cao mà còn hạn chế một số bệnh nguy hiểm, như mầm cải bông xanh có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Thời gian qua, do nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa có điểm bán RAT, người dân phải mua các loại rau chợ còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tuy mỗi ngày ăn rau có lưu tồn chỉ một ít thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân hóa học, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dù nhiều người dân có am hiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm nhiều đến việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình, nhưng ít có thời gian tham gia trồng rau, quan trọng là không có đất trống.
Do vậy, tự sản xuất RAT cho gia đình bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến, không cần đất là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ba, hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất rau và đã tận dụng khá tốt các khoảng không gian đô thị để sản xuất rau sạch đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hằng ngày vừa góp phần tạo thêm các mảng xanh đô thị. Một góc sân nhỏ, ban công, hiên nhà hay sân thượng đều có thể trở thành một vườn rau tươi tốt.
Thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình ở các khu vực đô thị của TP Cần Thơ có thể dễ dàng đầu tư các thiết bị để trồng rau không cần đất, nhất là làm giá đậu xanh hay rau mầm, do chi phí đầu tư không quá cao. Hiện một bộ dụng cụ sản xuất giá đậu xanh theo công nghệ Thái Lan chỉ ở mức khoảng 120.000 đồng. Riêng sản xuất các loại rau thủy canh, rau non cũng khá thuận lợi khi trên thị trường hiện cũng đã có bán các hệ thống thiết bị và các loại dung dịch dinh dưỡng phục vụ sản xuất RAT không cần đất.
Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=156930
Có thể bạn quan tâm
Trong khi người trồng lúa đang như ngồi trên lửa vì giá lúa rớt thê thảm, thì người trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL đang có lợi nhuận khá cao, ngay trên những mảnh đất trước đây từng là đất lúa.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.
Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để nhân rộng những mô hình này, huyện cần có quy hoạch sản xuất cụ thể, trọng tâm hơn.
Xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Ngoài cây sen, khó có loài cây khác cho hiệu quả trên vùng đất này. Vì thế, cây sen được xem như cứu cánh giúp thay đổi cuộc sống của người dân. Do nặng lòng với sen, nhiều bà con có kinh nghiệm trồng sen với suy nghĩ linh hoạt đã có hướng chuyển đổi phù hợp, trở nên khá giả từ cây sen…
Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.