Tăng Cường Phòng Trừ Rệp Sáp Gây Hại Cà Phê
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.
Để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì bà con nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, ngoài cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan, phát sinh thì việc dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác cũng rất cần thiết.
Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp. Ngoài ra, bà con cũng cần thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít, bà con cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh.
Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trước mắt, nếu vườn cây có tỷ lệ rệp sáp thấp thì bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học bảo vệ môi trường bằng cách tạo điều kiện sinh tồn cho các loài ong ký sinh, bọ ăn thịt như bọ rùa, bướm, ruồi… là thiên địch tấn công rệp sáp. Một biện pháp nữa là canh tác phi hóa học bao gồm hun khói được khuyến cáo để hạn chế phát triển của rệp sáp, trồng cây che bóng để ngăn chặn rệp sáp lây lan.
Mặt khác, dùng xà phòng trừ sâu là sản phẩm có bán trên thị trường hiện nay, nhưng bà con cũng có thể tự làm bằng cách sử dụng chất xà phòng rửa chén nhưng không dùng xà phòng có tẩm dầu thơm và chất phụ gia có thể ảnh hưởng cây. Trộn xà phòng với ít nước phun lên cây.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng những đồ gia vị như tỏi, gừng, ớt…để tạo chất phòng trừ rệp sáp theo hướng hữu cơ một cách an toàn. Người dân có thể dùng 1 củ tỏi, 1 củ hành và 1 muỗng ớt bột trộn và nghiền nhỏ bằng dụng cụ nghiền nhà bếp chế biến thành bột nhão, rồi rót khoảng 1 lít nước khuấy đều và ngâm khoảng 1 giờ, sau đó lọc qua vải thưa rồi cộng thêm 1 muỗng xà phòng rửa chén và tiếp tục khuấy đều sau đó phun đều những cây bị rệp gây hại...
Đối với biện pháp hóa học, khi thấy rệp sáp trên lá, quả, người dân cần phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Bà con cần thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp để có biện pháp xử lý kịp thời vì chúng sinh sản rất nhanh, phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại.
Đối với rệp sáp trên lá và chùm quả, người dân nên dùng các loại thuốc đặc trị sau đây để phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở như Oncol 20EC, Nurelle D25/2,5EC (25-30ml/bình 8 lít), Cori 23EC (20ml/bình 8 lít), Mospilan 3EC 15ml/bình 8 lít), Elsan 50EC (30ml/bình 8 lít), Applaud 10WP 920-30ml/bình 8lits) hoặc Applaud 25EC (8-12ml/bình 8 lít) và dầu khoáng Citrole 96,3EC (40ml/bình 8 lít).
Với rệp sáp hại rễ nên dùng Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC); Oncol 20EC theo hướng dẫn tưới vào vùng rễ ở gốc. Bên cạnh đó, còn có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl: có tác dụng tiếp xúc, vị độc và xông hơi; hoạt chất Bufroferin là thuốc sinh học, tác dụng ức chế sự lột xác của nhóm rầy rệp, mất khả năng sinh sản và trứng không nở được.
Nếu đất khô, trước khi tưới thuốc 1 ngày thì bà con nên tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn. Ngoài ra, người dân có thể xới đất quanh gốc sâu 10cm rồi rải 20-30g/gốc thuốc Lorsban 15G rồi phủ đất và tưới nước đủ ẩm cho ngấm thuốc để diệt hết rệp sáp ở gốc và vùng rễ.
Quan trọng hơn là người trồng cà phê cần phát hiện sớm để trừ rệp vì tác hại thứ cấp của rệp sáp, cũng như rệp vảy xanh, vảy nâu là chúng tạo điều kiện cho nấm, bồ hóng phát triển bám trên lá, quả và cành dẫn tới cây giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất của vườn cây.
Có thể bạn quan tâm
Nếu bón phân không đủ lượng và mất cân đối thì rất dễ xảy ra hiện tượng rụng trái non làm thất thu năng suất. Thông thường mỗi mùa mưa, nhà vườn có thể bón 3 - 4 lần.
Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cà phê.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tìm ra nhiều nguyên nhân gây hội chứng vàng lá cà phê ở Lâm Đồng trong quy trình: cải tạo đất, chọn giống, tưới nước, bón phân, trồng cây che bóng… chưa phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cà phê nhân sau thu hoạch.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.
Thời điểm này, nông dân cà phê đang tất bật bước vào mùa tưới. Thời tiết khô hanh, cộng với những thiếu hụt về nguồn nước luôn là nỗi lo lắng của bà con, nhất là khi nước tưới trở thành vấn đề quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cà phê.