Quy trình tái canh cây cà phê vối - Phần 1
Ngày 03/7/2013, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có Quyết định số 273 /QĐ-TT-CCN ban hành Quy trình tái canh cây cà phê vối.
Theo Quyết định, diện tích cà phê phải tái canh là những vườn cà phê trên 20 năm tuổi; sinh trưởng kém và năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,5 tấn nhân/ha; không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được.
Đối với những vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, nhưng cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân thấp dưới 1,2 tấn nhân/ha liên tục trong 3 năm, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được cũng phải tái canh.
Ngoài ra, phải tái canh trên vùng đất có độ dốc < 15o, điều kiện nước tưới thuận lợi; Tầng đất dày trên 70 cm, thoát nước tốt; Mực nước ngầm sâu hơn 100 cm; Hàm lượng mùn tầng 0 - 20 cm (đất mặt) > 2,0 %; pH KCl: 4,5 - 6,0; Không tái canh trên những diện tích cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại nặng dẫn đến phải thanh lý, cần chuyển đổi sang cây trồng khác.
Quy trình kỹ thuật bao gồm các bước:
1. Chuẩn bị đất trồng
1.1. Nhổ bỏ cây cà phê ngay sau khi thu hoạch (tháng 12, tháng 1). Thu gom và đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi lô.
1.2. Thời gian làm đất ngay sau khi kết thúc mùa mưa. Cày đất (bằng máy) sử dụng cày 1 lưỡi, cày 2 lần ở độ sâu 40 cm theo chiều ngang và chiều dọc của lô. Sau 1,5 - 2,0 tháng phơi đất, tiến hành bừa ở độ sâu 20 - 30 cm theo chiều ngang và chiều dọc lô. Trong quá trình cày bừa tiếp tục gom nhặt rễ còn sót lại và đốt.
1.3. Trước khi bừa lần 1, bón rãi đều trên bề mặt đất 1.000 kg vôi bột/ha.
2. Luân canh, cải tạo đất
2.1. Thời gian luân canh: ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê. Trước khi tái canh cà phê cần tiến hành phân tích mật độ tuyến trùng, nấm bệnh gây hại cà phê ở độ sâu từ 0 - 50 cm để xác định thời gian luân canh, cải tạo tiếp theo.
2.2. Cây luân canh: đậu đỗ, ngô, bông vải... hoặc cây phân xanh họ đậu (toàn bộ thân lá, chất xanh sau thu hoạch cày vùi vào đất).
2.3. Trong thời gian luân canh, sau mỗi vụ cây luân canh, đất cần được cày phơi vào mùa nắng hàng năm, tiếp tục gom nhặt rễ cà phê còn sót lại và đốt.
3. Đào hố, bón lót
3.1. Đào hố
a) Có thể đào bằng máy hay đào thủ công;
b) Thời gian đào hố: vào cuối mùa khô (tháng 3 - 4);
c) Khoảng cách hố: 3 x 3 m (mật độ 1.111 hố/ha);
d) Kích thước hố: 80 x 80 x 80 cm (dài x rộng x sâu), hố trồng tái canh cà phê không đào trùng với hố trồng cà phê đã thanh lý.
3.2. Bón lót:
a) Phân chuồng hoai mục, vôi, phân lân trộn đều với lớp đất mặt cho xuống hố, theo lượng bón như sau: 18 kg phân chuồng + 1 kg vôi + 0,5 kg lân nung chảy/hố.
b) Những nơi không có đủ phân chuồng: bón 10 kg phân chuồng + 3 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ sinh học + 1 kg vôi + 0,5 kg lân nung chảy/hố.
c) Công việc đào hố và bón lót phải hoàn thành ít nhất 01 tháng trước khi trồng.
4. Chủng loại giống và tiêu chuẩn cây giống
4.1. Chủng loại giống
a) Sử dụng giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh.
b) Cây giống phải sử dụng nguồn giống là hạt giống, chồi ghép từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có nguồn giống công nhận.
4.2. Tiêu chuẩn cây giống
a) Tiêu chuẩn cây thực sinh
- Cây con khi đem trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Kích thước bầu đất: 13 - 14 cm x 23 - 24 cm.
+ Tuổi cây: 6 - 8 tháng;
+ Chiều cao thân kể từ mặt bầu: 25 - 30 cm;
+ Số cặp lá thật: 5 - 6 cặp lá;
+ Đường kính gốc: 3 - 4 mm, có một rễ mọc thẳng;
+ Cây giống không bị sâu bệnh hại.
- Lưu ý: đất ươm cây giống lấy tầng đất mặt 0 - 30 cm, đất tơi xốp, sạch nguồn bệnh, hàm lượng mùn cao (> 3 %). Không được lấy đất ươm cây giống ở những vùng đã trồng cà phê.
b) Tiêu chuẩn cây ghép
- Ngoài các tiêu chuẩn như cây thực sinh, chồi ghép phải có chiều cao >10 cm tính từ vị trí ghép và có ít nhất 1 cặp lá phát triển hoàn chỉnh, chồi được ghép tối thiểu 02 tháng trước khi trồng;
- Cây giống phải được huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn từ 10 - 15 ngày trước khi trồng và không bị sâu bệnh hại;
- Kiểm tra rễ cây trong bầu ươm trước khi đem trồng, loại bỏ những lô cây giống bị bệnh thối rễ hoặc rễ bị biến dạng.
5. Trồng mới
5.1. Thời vụ trồng
Bắt đầu vào đầu mùa mưa và kết thúc trước khi bắt đầu mùa khô 1,5 - 2 tháng. Thời vụ trồng ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ từ 15 tháng 5 đến 15 tháng 8 hàng năm.
5.2. Kỹ thuật trồng
a) Ngay trước khi trồng, tiến hành đào giữa hố trồng cây cà phê với độ sâu 30 - 35 cm và rộng hơn bầu cây giống để có thể điều chỉnh cây được trồng thẳng hàng, dùng 5 đến 7 gam thuốc chống mối rắc xuống đáy và xung quanh thành hố.
Dùng dao cắt một lát đất cách đáy túi bầu 1 - 2 cm để loại bỏ phần rễ cọc bị cong ở đáy bầu, xé bầu cẩn thận, tránh làm vỡ bầu đất, đặt bầu vào hố, để cho mặt bầu thấp hơn mặt đất 10 - 15 cm (trồng âm), lấp đất và nén chặt đất xung quanh bầu.
b) Sau trồng mới, tiến hành xăm xới đất sau những trận mưa lớn và trồng dặm kịp thời những cây bị chết, khi đất đủ ẩm. Việc trồng dặm phải xong trước khi kết thúc mùa mưa từ 1,5 - 2,0 tháng.
5.3. Tạo bồn
Thời gian tạo bồn tiến hành trước khi mùa mưa chấm dứt từ 1 - 2 tháng. Trong năm đầu, kích thước bồn rộng 1 m và sâu 15 - 20 cm. Những năm sau, bồn được mở rộng theo tán cây cho đến khi bồn đạt được kích thước ổn định: rộng 2,0 - 2,5 m và sâu 15 - 20 cm. Khi vét đất tạo bồn, cần hạn chế gây tổn thương cho rễ cà phê. Đối với đất dốc việc làm bồn có thể tiến hành hàng năm.
5.4. Tủ gốc, ép xanh
Vào cuối mùa mưa, tiến hành tủ gốc, ép xanh bằng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cây phân xanh, cây đậu đỗ..., vật liệu tủ phải cách gốc cà phê 10 - 15 cm. Hố ép xanh đào ở vị trí mép tán cà phê.
Có thể bạn quan tâm
Cà phê là cây công nghiệp lâu năm nên cần được bón phân nhiều lần trong năm cả mùa mưa và mùa khô để đáp ứng kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của cây.
Trong quá trình thu hoạch cà phê, nếu không chú ý một số vấn đề, nhà vườn sẽ vô tình làm cho cà phê không đạt năng suất và chất lượng hạt như mong muốn.
Bước vào giữa mùa mưa cũng là lúc quả cà phê bắt đầu tăng nhanh về kích thước kèm theo đó là sự tăng trưởng nhanh của cành chồi.