Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Tăng cường phòng chống dịch bệnh gây hại nuôi trồng thủy sản

Tăng cường phòng chống dịch bệnh gây hại nuôi trồng thủy sản
Tác giả: Lê Huy Hải
Ngày đăng: 11/08/2016

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết năm 2016 kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản được cấp hơn 4,3 tỷ đồng, trong đó nguồn của tỉnh 1,12 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ chlorine tương đương 3,25 tỷ đồng. Khi có dịch bệnh xảy ra, sẽ được cấp kinh phí bổ sung cho công tác chống dịch đạt kết quả. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh, quan trắc, cảnh báo môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản phát sinh gây hại.

Theo đó, Chi cục Thủy sản Kiên Giang thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 2 lần/tháng, thu mẫu nước tại 24 điểm ở 11 huyện, thị xã trên địa bàn. Riêng tại huyện đảo Kiên Hải, thu mẫu nước 1 lần/tháng ở 2 điểm tập trung nuôi cá lồng bè trên biển.

Kết quả quan trắc môi trường nước thông báo đến các địa phương nuôi trồng thủy sản tập trung và nông dân, doanh nghiệp vùng nguyên liệu thủy sản trọng điểm của tỉnh.

Các ngành chức năng phối hợp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản, con giống, tập huấn quy trình phòng chống dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y. Ký kết phối hợp quản lý tôm giống với các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận… nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng giống nhập tỉnh.

“Hiện nay, tuyến xã có 116 cán bộ thủy sản của tổ kinh tế kỹ thuật tại 116 xã, phường, thị trấn tham gia công tác quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, thuận lợi trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản, kịp thời khống chế, dập tắt ổ dịch mới phát sinh gây hại, không để lây lan diện rộng.

Ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp phòng, chống bệnh tôm nuôi cho hộ nuôi tôm vùng U Minh Thượng và cá nuôi lồng bè trên biển cho hộ nuôi cá ở hai huyện Phú Quốc, Kiên Hải. Tập huấn cho nông dân về chính sách pháp luật, kiến thức an toàn thực phẩm, áp dụng VietGAP… trong nuôi trồng thủy sản.” - Ông Quảng Trọng Thao cho hay.

Ngoài việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gây hại nuôi trồng thủy sản hiệu quả, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm, thử nghiệm các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái về đến các vùng sản xuất. Nghiên cứu, đề xuất chương trình quốc gia về kiểm soát, khống chế một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm nuôi hiện nay như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hội chứng chết sớm…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến cuối tháng 7/2016, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 182.400 ha, sản lượng thu hoạch trên 70.290 tấn, đạt 36,4% kế hoạch. Trong đó, tôm nuôi nước lợ thả nuôi 104.756 ha, vượt gần 2% kế hoạch, sản lượng thu hoạch khoảng 25.355 tấn, bằng 44,4% kế hoạch.

Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có 13.772 ha tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 - 100% do các yếu tố bất lợi về môi trường, dịch bệnh. Diện tích thiệt hại này cơ bản đã khắc phục khoảng 13.000 ha. Nông dân đang tích cực thả giống để kịp thời vụ theo khuyến cáo đối với loại hình sản xuất tôm - lúa.

Tỉnh đã cấp 23.550 kg SodiumChlorite 20% bao vây, tiêu diệt mầm bệnh, không để lây lan. Ngoài ra, đang tiếp tục tổ chức quản lý, cấp phát 50 tấn Chlorine Trung ương hỗ trợ năm 2016 phòng trừ dịch bệnh trên đàn tôm nuôi. Cùng với đó, trên đàn cá bớp nuôi lồng bè ở các xã Sơn Hải (Kiên Lương), Tiên Hải (Hà Tiên) cũng xảy ra một số bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại hơn 5.030 con cá bớp.

Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương điều tra dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân và hướng dẫn hộ nuôi cá biện pháp điều trị, ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh lây lan, gây hại.


Có thể bạn quan tâm

Người dân đầu nguồn chuyển đổi vật nuôi Người dân đầu nguồn chuyển đổi vật nuôi

Nhiều năm trở lại đây, tình hình thời tiết, mực nước lũ thường xuyên diễn biến bất thường, gây khó khăn cho việc nuôi thủy sản trong mùa nước nổi, vì thế nhiều hộ dân đã tự chuyển đổi vật nuôi cho phù hợp.

11/08/2016
Kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016 Kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn cao dẫn đến chậm lớn, phát sinh dịch bệnh. Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm 2016, Bộ Nông nghiệp vừa ban hành Quyết định số 3177/QĐ-BNN-TCTS, ngày 29/7/2016, về kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016.

11/08/2016
Phát triển nuôi cá lồng ở Mỹ Tân (Nam Định) Phát triển nuôi cá lồng ở Mỹ Tân (Nam Định)

Nằm ven sông Hồng, con sông lớn đổ về từ thượng nguồn mang theo nguồn phù sa và chất màu dồi dào nên người dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc, Nam Định) đã có nhiều cơ hội, sinh kế để làm giàu từ sông, trong đó nghề nuôi cá lồng tận dụng diện tích mặt nước sông Hồng mới phát triển những năm gần đây.

11/08/2016