Phát triển nuôi cá lồng ở Mỹ Tân (Nam Định)
Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: “Đến nay toàn xã có 57 lồng cá, các hộ nuôi đều được cấp phép; hoạt động nuôi thả được sự quản lý chặt chẽ bảo đảm sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, xã không vi phạm vào luồng tàu chạy cũng như hệ thống luồng tuyến cứu hộ…”.
Để giúp người dân khai thác hiệu quả nghề này, chính quyền địa phương ngoài những chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp còn tạo điều kiện cho người nuôi vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất. Theo con đường đê ven sông Hồng, chúng tôi có mặt tại hộ ông Chu Văn Bảo.
Ông Bảo hiện có 30 lồng nuôi cá diêu hồng và cá lăng chấm. Lồng cá được làm bằng sắt, thép và 3 lượt lưới bao quanh, có hệ thống phao nâng đỡ làm bằng thùng phuy đặt cách bờ 3-5m để đảm bảo cho dòng chảy được lưu thông. Mỗi lồng nuôi có diện tích là 36m2. Ông Bảo cho biết, so với nuôi cá trong ao đất thì nuôi lồng trên sông có nhiều lợi thế và năng suất hơn, chẳng hạn nuôi với mật độ dày hơn, từ 1.000 đến 2.000 con/lồng.
Mỗi năm trung bình ông Bảo thu được 100 tấn cá các loại, trừ chi phí đạt thu nhập bình quân 700 triệu đồng. Cá được cung cấp chủ yếu cho thị trường các tỉnh, thành phố: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội… Chia sẻ về bí quyết nuôi cá lồng thành công, ông Bảo cho biết, ngoài nuôi cá chính, mỗi lồng ông thả xen kẽ 30-40 con cá trắm đen để ăn tạp chất và thức ăn dư thừa trong lồng, giúp làm sạch môi trường nước.
Lồng cá trên sông nên nguồn nước thay đổi không ngừng, môi trường rất sạch sẽ, không ô nhiễm. Tuy nhiên, cũng có khó khăn khi vào mùa mưa, lũ nước chảy xiết hoặc nặng phù sa, cá không kịp thích ứng với môi trường nước mới nên bị chóc vảy và chết, vì vậy ông luôn phải thường xuyên vệ sinh hệ thống lưới, theo dõi môi trường nước và tình hình của đàn cá để có những biện pháp phòng, chữa kịp thời giúp đàn cá phát triển khỏe mạnh…
Ngoài ra phải chú ý phân loại, lựa chọn thả cá có kích thước bằng nhau vào chung một lồng để tránh cá lớn tranh thức ăn của cá bé. Từ những thành công bước đầu, ông Bảo đang đầu tư thêm khoảng 1 tỷ đồng để mở rộng gấp đôi diện tích nuôi cá lồng trên sông Hồng, dự kiến đến tháng 10 có thể đưa vào nuôi thả lứa mới. Đến thăm hộ của ông Phan Văn Sơn, chúng tôi không thể rời mắt khỏi những lồng sắt vuông vắn, kiên cố, nơi có đàn cá cảnh rực rỡ sắc màu, những đàn cá Koi (cá chép Nhật) và cá vàng đang tung tăng bơi lội.
Ông Sơn có 7 lồng cá, hằng năm xuất bán ra thị trường 15-20 tấn cá cảnh. Thị trường tiêu thụ cá của ông Sơn luôn ổn định ở các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam nên ông còn tự sản xuất giống cung cấp cho bà con trong xã về nuôi, đồng thời còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi nhỏ hơn trong xã.
Qua tham khảo những mô hình thành công của các hộ đi trước, anh Tô Kim Đức có thâm niên 30 năm sản xuất cá giống ở địa phương cũng học hỏi kinh nghiệm bắt đầu tham gia nuôi cá lồng được anh đầu tư cẩn thận, đầy đủ trang thiết bị từ lưới, sắt đến thùng phuy nổi…
Có kinh nghiệm trong nghề nên anh nhập giống cá bột về ương, vận dụng những kỹ thuật riêng để phòng bệnh cho cá, xử lý môi trường nước bằng bảo đảm đàn cá khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt và phát triển đồng đều, trong đó đặc biệt chú trọng làm vệ sinh lồng bè để nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy cho cá. Hệ thống dây điện cũng được chú trọng bọc cẩn thận trong ống nước, giúp đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi cá ở xã Mỹ Tân. Hy vọng, trong thời gian tới với sự quan tâm phù hợp của ngành chức năng, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư nuôi thả cá theo hình thức mới này góp phần đa dạng hình thức nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ta.
Có thể bạn quan tâm
Tại HTX Nghêu Đất Mũi (Cà Mau), hiện tượng nghêu chết vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu hết 16 tổ nuôi; loại nghêu từ 50 - 60 con/kg, số lượng chết ước khoảng 230 tấn (khoảng 60%); loại nghêu 600 - 1.000 con/kg, số lượng chết theo ước tính khoảng 8 tấn (khoảng 20%).
Nhiều năm trở lại đây, tình hình thời tiết, mực nước lũ thường xuyên diễn biến bất thường, gây khó khăn cho việc nuôi thủy sản trong mùa nước nổi, vì thế nhiều hộ dân đã tự chuyển đổi vật nuôi cho phù hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn cao dẫn đến chậm lớn, phát sinh dịch bệnh. Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm 2016, Bộ Nông nghiệp vừa ban hành Quyết định số 3177/QĐ-BNN-TCTS, ngày 29/7/2016, về kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016.