Tăng Cường Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Ven Bờ
Sáng 15/8, Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Chấn (huyện Tuy An) tổ chức lễ công bố và ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn (thí điểm) thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.
Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới), triển khai tại 8 tỉnh, gồm: Phú Yên, Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa trong thời gian 5 năm (từ tháng 8/2012 đến tháng 1/2018).
Tại Phú Yên, kinh phí để triển khai dự án trên là 12,2 triệu USD (tương đương hơn 257 tỉ đồng), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới chiếm hơn 85%, vốn ngân sách Nhà nước (đối ứng) chiếm hơn 10% và vốn người dân tham gia hơn 4,2%.
Dự án được chia làm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực thể chế cho quản lý nghề cá bền vững; thực hành tốt cho người nuôi thủy sản bền vững; quản lý bền vững khai thác thủy sản ven bờ; quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
Trong hợp phần quản lý bền vững khai thác thủy sản ven bờ có tiểu hợp phần đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, triển khai thí điểm tại xã An Chấn và An Hòa (huyện Tuy An), sau đó nhân rộng tại 10 xã, phường ven biển trong tỉnh.
Nội dung của tiểu hợp phần đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ chủ yếu tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ; phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục ô nhiễm môi trường vùng ven biển…
Tại buổi lễ, UBND xã An Chấn công bố quyết định thành lập Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ của xã và Ban quản lý Các dự án nông nghiệp ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi có chủ trương của nhà nước cho phép chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh.
Một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang “hot” tại miền Bắc là trồng tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Mỗi năm Mộc Châu trồng 1.350 tấn cà chua, thì nông trại của anh Trương Văn Dư chiếm gần nửa, cung ứng 600 tấn cho Hà Nội.
Những thứ phụ phẩm nông sản bỏ đi nhưng chỉ qua một số khâu trong chế biến, đã trở thành các loại nguyên liệu xuất khẩu, giúp doanh nghiệp thu hàng triệu đô la
Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.