Tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc
Mặc dù XK tôm sang Hàn Quốc giảm trong 5 tháng đầu năm nay và giá XK trung bình cao hơn so với 1 số đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên dự báo XK tôm sang thị trường này trong thời gian tới sẽ được cải thiện và sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường này cũng tăng nhờ triển vọng từ hiệp định VKFTA.
Hàn Quốc hiện là đối tác quan trọng mang tầm chiến lược của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 28,9 tỷ USD và đứng thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và xếp thứ 2 trong các quốc gia ở châu Á nói riêng sau Trung Quốc.
Hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Số lượng các DN Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc tính đến hết tháng 11/2014 là 13,1 nghìn DN.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) hoàn tất đàm phán cuối năm 2014, được ký kết hồi tháng 5/2015 và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2016.
Số dòng thuế mà phía Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam lên tới 95,4%, nhiều hơn khoảng 5% so với số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...), giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt Nam vào thị trường này.
VKFTA được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội XK lớn cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có mặt hàng tôm. Hàn Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Trong 5 năm qua, NK tôm Việt Nam vào Hàn Quốc duy trì sức tăng trưởng khả quan. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này chiếm 44% thị phần. Trung Quốc đứng thứ 2 với 22%, Thái Lan đứng thứ 3 với thị phần 7%.
Trong khi XK tôm sang các thị trường lớn gặp khó khăn do giá XK tôm giảm, nhu cầu yếu trong khi nguồn cung thế giới tăng, Hàn Quốc được coi là thị trường thay thế đầy tiềm năng.
Sau khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất NK 0%. Hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.
Với hạn mức 15.000 tấn tôm Hàn Quốc ưu đãi miễn thuế cho Việt Nam, sẽ có 7 mã hàng được áp thuế suất thuế XK 0% đó là 0306161090, 3006169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000, và 1605219000.
Hiện Hàn Quốc áp dụng mức thuế 20% cho các sản phẩm tôm NK vào nước này do tôm được xếp vào nhóm hàng hóa nhạy cảm cao.
Để tận dụng được tối đa những ưu đãi về thuế từ cam kết của Hàn Quốc trong hiệp định VKFTA, các DN XK tôm Việt Nam nên truy cập vào các trang web về biểu thuế, thuế suất các mặt hàng cùng với mã HS tương ứng của Hàn Quốc để có được những thông tin chính thống về những ưu đãi trong hiệp định VKFTA. Các DN cũng nên tìm hiểu rõ những mã HS nào được hưởng ưu đãi về thuế suất. DN cũng có thể nhờ đến chuyên gia tư vấn để có được thông tin đầy đủ, chính xác về quy định khi xuất sang thị trường Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, DN cũng cần đáp ứng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), vượt qua các hàng rào tiêu chuẩn chất lượng (TBTs, IPRs). Đặc biệt các mặt hàng xuất của DN phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ (CO). Tuân thủ được các yếu tố này, các DN tôm Việt Nam mới được hưởng những ưu đãi về thuế khi xuất sang Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm góp phần khắc phục, cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh An Giang, theo kế hoạch quy hoạch và bảo vệ môi trường đến năm 2020, tỉnh đã đề ra Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ BVMT.
Sáng 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với thị trấn Thuận An (Phú Vang) tổ chức thả tôm sú, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Thuận An.
Thay thế sức kéo của 8 người, rút ngắn thời gian kéo chỉ còn 1/5 lần, tăng lượt thả lưới gấp 3 lần… chiếc máy kéo lưới bằng thủy lực do anh Lê Phước Hoàng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), chủ cơ sở sửa chữa động cơ máy thủy Phước Hoàng chế tạo đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con ngư dân hành nghề đánh bắt lưới rê, lưới cá.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện giá cá tra nguyên liệu đang ở mức thấp, chỉ từ 22.000 đến 23.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được người dân huyện Quỳnh Nhai đầu tư nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế...