Tái Diễn Tình Trạng Mất Trộm Trâu Bò

Gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục tái diễn tình trạng trộm cắp trâu bò ở một số vùng nông thôn, nhất là tại các huyện miền núi, biên giới, làm cho các gia đình nghèo vốn “một nắng, hai sương”, nay lại phải sống trong tâm trạng bất an vì tài sản có giá trị lớn của gia đình là những con trâu, con bò chăn thả trên đồng luôn bị kẻ gian rình rập trộm cắp.
Trước đây, tại huyện Tịnh Biên cũng đã từng xảy ra tình trạng trộm cắp trâu bò của người dân. Bọn tội phạm này rất liều lĩnh, sau khi trộm cắp chúng dắt trâu bò đến khu vực vắng vẻ xẻ thịt nhưng chỉ lấy những gì có giá trị mang đi tiêu thụ, còn những phần không có giá trị chúng bỏ lại khiến người dân vùng nông thôn rất đau xót và hoang mang.
Sau đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng vào cuộc, một số đối tượng bị bắt giữ nên nạn trộm cắp trâu bò tạm thời lắng dịu. Thế nhưng, tình trạng trộm cắp trâu bò lại nổi lên gần đây, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận.
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 8-8-2014, do không có tiền tiêu xài, đối tượng Chau Sai (tự Danl, sinh năm 1987, ngụ xã An Tức, Tri Tôn) đến khu vực ấp Trung An, xã Lê Trì thì phát hiện đàn bò của chị Cao Thị Cẩm Thúy đang ăn cỏ trên đồng.
Quan sát thấy không có người trông coi, Sai mở dây rồi dẫn con bò trị giá gần 24 triệu đồng của chị Thúy đi về hướng xã Lê Trì. Do địa điểm thả bò cách nhà không xa nên chị Thúy phát hiện, tri hô và báo cho Công an xã Lê Trì truy đuổi, bắt giữ đối tượng. Trước đó không lâu, đối tượng Chau Tôn (sinh năm 1976) đến chuồng bò của ông Chau Tuch (ngụ xã Núi Tô, Tri Tôn) cắt cửa chuồng trộm được 1 con bò, rồi thuê xe tải chở đi tiêu thụ.
Qua những vụ mất trộm trâu bò xảy ra trên địa bàn cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng này thường tìm đến các khu vực chăn thả trâu bò và người dân lơ là, mất cảnh giác trong việc trông coi, quản lý trâu bò thì ra tay trộm cắp. Mặc dù đã có rất nhiều vụ mất trộm trâu bò tương tự xảy ra ở vùng nông thôn, tuy nhiên do thói quen thả rông trâu bò trên đồng mà không có người trông giữ nên vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này trộm cắp.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng trộm cắp trâu bò, nhất là tại một số địa bàn giáp biên, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp và vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trộm cắp trâu bò, người dân cần nêu cao ý thức tự bảo vệ tài sản, cảnh giác với các đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phương. Khi chăn thả trâu bò, cần có người trông giữ cẩn thận và khi có vụ việc xảy ra hay phát hiện đối tượng khả nghi cần báo ngay cho lực lượng Công an hoặc chính quyền địa phương để kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, góp phần bảo vệ tài sản của người dân.
Đối với người nông dân, con trâu, con bò không chỉ sử dụng cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa mà còn là tài sản có giá trị lớn. Theo người dân, một con bò trưởng thành hiện nay có giá từ 25 đến 30 triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ đối với nông dân, họ phải dành dụm, tích cóp nhiều năm với hy vọng cải thiện đời sống gia đình và lo cho con cái ăn học.
Có thể bạn quan tâm

Hai tháng sau khi đưa ra một nghiên cứu về Hội chứng tôm chết sớm (EMS), Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) George Chamberlain cho biết, EMS tiếp tục gây thiệt hại cho tôm nuôi toàn cầu, tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn nhờ những nỗ lực trong việc nghiên cứu và tìm hiểu đại dịch này.

Tổng giá trị xuất khẩu (XK) nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong 4 tháng đầu năm lên hơn 23,4 triệu USD, nhưng con số này vẫn giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2013.

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.

Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, ở thôn An Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là một minh chứng cho điều đó.

Thống kê của Trạm Thú y huyện, tổng đàn heo hiện có của huyện gần 14.000 con. Nhiều hộ nuôi heo cho biết, thời gian này rất thích hợp cho việc tái đàn để phục vụ thị trường sắp tới. Tuy nhiên, số lượng con giống ở địa phương đang khan hiếm và dự báo sẽ tăng giá, người nuôi sẽ đầu tư chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khi xuất chuồng.