Tái đàn vật nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh
Tết Bính Thân vừa qua, gia đình anh Quách Văn Đoàn, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã xuất ra thị trường hơn 7 tấn lợn hơi và trên 1000 con vịt. Giá tuy không cao nhưng cũng ổn định giúp gia đình có thêm tiền chi tiêu dịp Tết. Thu nhập chính phụ thuộc vào chăn nuôi nên qua Tết gia đình anh lại tất bật chuẩn chị cho việc tái đàn.
Anh Đoàn cho biết: “Nửa tháng trước gia đình nhập về 2.500 vịt siêu để bổ sung vào số vịt đã được gia đình bán trước Tết. Mặc dù khâu chọn giống, phòng chống dịch bệnh được gia đình đặc biệt chú ý nhưng do đợt rét vừa qua một số con cũng đã bị chết. Rút kinh nghiệm, đối với đàn lợn, tôi phải đợi nắng ấm hẳn mới cho tách mẹ để nuôi”.
Nhiều người chăn nuôi cho biết: Hiện nay, điều kiện khôi phục đàn gia súc, gia cầm có nhiều yếu tố thuận lợi. Trên địa bàn, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Giá hầu hết các loại giống gia súc gia cầm đều ổn định, thậm chí giảm so với trước Tết. Bên cạnh đó, giá thức ăn cũng đã chững lại, thậm chí sẽ giảm giá vì nguyên vật liệu đầu vào phong phú cùng với giá xăng dầu liên tục giảm, kéo theo cước vận tải giảm.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó chi cục Thú y cho biết: Nhờ hoạt động chăn nuôi trong năm phát triển tốt mà nguồn cung thực phẩm Tết dồi dào, giá cả hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh và cả xuất bán. Hiện đang là thời điểm bà con tập trung tái đàn, để chăn nuôi hiệu quả, các địa phương, hộ chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch bệnh bởi điều kiện thời tiết những ngày đầu năm có nhiều biến động bất lợi cho gia súc, gia cầm khiến sức đề kháng vật nuôi giảm, dễ mắc bệnh.
Do đó, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ. Khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc, hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Cần tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường đưa các giống, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm có giá trị mang tính đặc trưng vùng miền để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, con giống và kiểm dịch động vật trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, kinh doanh con giống, vật tư phục vụ chăn nuôi không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Thời gian này, ngành nông nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng đàn để chuẩn bị công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh, như: cúm gia cầm, dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn, LMLM... trên địa bàn toàn tỉnh và dự kiến trong tháng 3, tháng 4 sẽ tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT về việc hướng dẫn nhập khẩu đất vào Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, có một đề xuất nhập khẩu đất như vậy.
Mới qua được 1/3 mùa khô nhưng nhiều diện tích cây trồng ở Gia Lai đã cháy khô vì không có nước tưới. Để cứu cây, hàng trăm hộ dân ở Gia Lai đã bắt đầu chạy đua với hạn, nhưng nhiều người chỉ biết mắc võng nằm chờ có nước...
Sau hơn 8 năm gây dựng, phát triển, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hiện cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.