Tái Đàn Cùng Nỗi Lo Dịch Bệnh
Chưa kịp nguôi nỗi đau mất hơn 28.200 con gia súc gia cầm (GSGC) do trận lũ hồi giữa tháng 11 gây ra, thì hiện giờ, người chăn nuôi lại phập phồng lo sợ dịch bệnh tấn công khi đang gắng gượng tái đàn.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Quảng Ngãi, đến thời điểm này, tất cả các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn và lở mồm long móng (LMLM) đợt 2 năm 2013 cho 348.550 con lợn và 240.150 con trâu, bò. Riêng việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ở TP.Quảng Ngãi và 6 huyện đồng bằng chỉ đạt hơn 27,5% kế hoạch.
Giá tăng, dịch bệnh rập rình…
Từ đầu tháng 12.2013, giá heo hơi liên tục tăng và hiện ở mức 46.000 - 48.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi tiếc rẻ. Lý do, heo tăng giá nhưng chuồng trại trống không do trận lũ vừa rồi đã cuốn trôi hơn 14.000 con heo là tài sản và công sức của nhiều hộ gia đình. Vậy nên khi nghe heo tăng giá vùn vụt, chị Phạm Thị Hiệp ngụ thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), là hộ có nhà sập và 4 con heo thịt bị nước lũ cuốn trôi chỉ biết thở dài.
Cùng tâm trạng này, chị Lý Thị Hương ở thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cũng trĩu buồn khi nhìn dãy chuồng ngày nào đầy heo, giờ trống trơn. Thế nên, thay vì niềm vui rạng rỡ mỗi khi heo nhích giá, giờ chị Hương chỉ biết lặng lẽ…nhìn chuồng, rồi lau nước mắt.
Trong khi người nuôi heo tiếc rẻ vì giá tăng thì những hộ có vịt, gà cũng không khỏi âu lo do cúm gia cầm có dấu hiệu tái phát. Nhất là khi ông Bùi Mẫn ở thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) vừa có 500 con vịt bị chết và tiêu hủy vì nhiễm virút cúm. Theo ông Mẫn thì số vịt trên đang tuổi ăn khỏe, chóng lớn nên gia đình rất mừng. Những tưởng nó sẽ giúp ông Mẫn có thêm chi phí trang trải dịp Tết nhưng không ngờ, chỉ trong hai ngày, 250 con vịt đồng loạt chết. Số còn lại cũng bị Chi cục Thú y tiêu hủy ngay sau đó.
Ngoài sự xuất hiện của cúm gia cầm, bệnh LMLM và tai xanh ở lợn, trâu, bò cũng đang rình rập. Đặc biệt là dịch LMLM đang bùng phát và hoành hành dữ dội ở các tỉnh bắc miền Trung khi vi rút biến chuyển từ tuýp O sang tuýp A. Thế nên dù 100% đàn heo, trâu, bò đã được tiêm phòng (loại vắc xin đa tuýp), nhưng nói như Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn thì: “Nếu không kiểm soát chặt quá trình vận chuyển, buôn bán thì dịch bệnh do virút tuýp mới gây ra rất dễ xâm nhập, lây lan. Nhất là giữa lúc bà con đang ráo riết tái đàn”.
Tái đàn: Heo ngại, thủy cầm chủ quan
Chưa kịp hoàn hồn vì mưa lũ tàn phá thì giờ đây, người chăn nuôi lại phải đối mặt với dịch bệnh. Chẳng thế mà dù rất muốn tái đàn, phục hồi sản xuất nhưng không ít hộ e ngại. Nói như chị Hương thì, sau lũ kinh tế gia đình kiệt quệ. Nếu giờ gầy đàn, chị phải vay mượn nên nhỡ mua phải lợn giống bị “dính” bệnh thì lại ôm nợ. Nên sau hồi cân nhắc, chị Hương quyết định… chăm heo nái và đợi nó đẻ!
Đồng quan điểm này, nhiều hộ chăn nuôi cũng bảo rằng khi nước lũ rút, xác GSGC có mặt ở nhiều tuyến đường, kênh mương nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Mặc dù công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi được các địa phương lẫn Chi cục Thú y gấp rút thực hiện, nhưng thực tế họ vẫn lo nên ngại tái đàn.
Trái với sự e ngại trên, hộ nuôi gia cầm - nhất là thủy cầm lại hồ hởi tái đàn và ít bận tâm đến chuyện dịch bệnh. Bằng chứng là hiện có đến 72,5% đàn thủy cầm “trắng” vắc xin. Lý giải điều này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Đình Tuấn nói rằng: Một là do hộ nuôi thả đồng nên việc kiểm tra, thống kê số lượng chưa chính xác. Hai là chủ hộ không mặn mà khi phải trả phí tiêm phòng 200 đồng/con.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất nhiều hộ nuôi thủy cầm đã tự mua vắcxin về tiêm. Đơn cử như ở bãi vịt xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Những hộ ở đây cho biết họ nuôi vịt đẻ nên rất chăm tiêm vắcxin. Điều quan ngại là dù những hộ như ông Nguyễn Phu, Lương Văn Cam bảo đã tiêm phòng cho đàn vịt đến lần thứ 4, thứ 5 nhưng đó cũng chỉ là… nói, chứ chẳng có gì để chứng minh!
Trước tình trạng này, Chi cục Thú y cũng chỉ biết tăng cường công tác tuyên truyền và rà soát số gia súc mới phát sinh, gia cầm “trắng” vắc xin để tiêm nhắc. Nhưng “về lâu dài, cần thiết phải quy hoạch và đổi mới hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, hạn chế nuôi thủy cầm thả đồng như hiện nay”, ông Tuấn đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 50% thị trường. Giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2013 bình quân là 7 ngàn USD/tấn. Năm 2014, giá hồ tiêu có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.
Vụ nấm rơm đông xuân năm nay, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xuống giống hơn 35ha, tập trung ở các xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa... Trong đó, xã Tân Hòa là nơi có diện tích trồng nhiều nhất, nông dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm.
Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.
Giá bưởi tết hiện đang ở mức cao kỷ lục. Đứng ở mức cao nhất là bưởi Tân Triều (Đồng Nai) với bưởi đường da xanh ruột hồng có giá 1,1-1,2 triệu đồng/chục; bưởi đường lá cam loại 1 có giá từ 800 - 900 ngàn đồng/chục; tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được trồng tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 7 năm trước, đến nay, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn (gọi chung là cây có múi) đã đứng vững trên vùng đất này, diện tích đang tăng từng ngày. Xung quanh việc mở rộng diện tích cây có múi ở Lục Ngạn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.