Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp, Nhìn Từ Đồng Tháp
Là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những kỳ tích khi đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) như Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp của Hà Lan, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), tỉnh Ibaraki (Nhật Bản),…
Tiềm năng lớn
Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có thế mạnh và tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây, hoa kiểng,… Nông nghiệp hiện chiếm 36% GDP của tỉnh với hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Đồng Tháp đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cá tra, xoài; đứng thứ ba về diện tích và sản lượng lúa, là một trong 3 vùng trồng hoa nổi tiếng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và còn có trên 30 sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương. Với hệ thống giao thông thủy thuận tiện, Đồng Tháp là trung tâm sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản của ĐBSCL với tổng sản lượng 3,3 triệu tấn/năm.
Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong đề xuất và được chọn thí điểm xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập của nông dân tăng 2 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm. Đề án xác định tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, cá tra, vịt, hoa kiểng. Đề án cũng đặt ra nội dung chuyển dịch một bộ phận lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn để tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh xác định hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực: hỗ trợ kỹ thuật phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, xúc tiến đầu tư xây dựng thung lũng lúa gạo, các tổ hợp công – nông nghiệp và dịch vụ, công nghệ chế biến nông sản và phụ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại trong tiêu thụ nông sản,…”.
Đã đến lúc “mần” thôi
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho biết, điều đáng mừng là đội ngũ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất khát khao đổi mới và có những quyết sách táo bạo để thu hút đầu tư với phương châm “chính sách ưu đãi nhất, cơ chế linh hoạt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất”. “Vì vậy, đã đến lúc phải “mần” thôi”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Đồng Tháp đã có những bước đột phá về chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là khu vực tư nhân và tăng quy mô sản xuất như hỗ trợ 50% lãi suất cho hộ gia đình, cá nhân để thuê đất sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên cho vay và hỗ trợ 50% lãi suất chi phí san bằng mặt ruộng cho các hộ nông dân liên kết sản xuất.
Các doanh nghiệp đầu tư KHCN, xây dựng thương hiệu, hạ tầng cho HTX; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng có chính sách hỗ trợ riêng. Điều này sẽ tạo hứng khởi cho các doanh nghiệp đến đầu tư vào địa bàn. Hơn thế nữa, Đồng Tháp xác định nông nghiệp, nông thôn sẽ là trung tâm của quá trình tái cơ cấu kinh tế, các ngành, dịch vụ khác phát triển cũng là để phục vụ nông nghiệp.
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp dù đã có nhiều bước đột phá nhưng vẫn mang tính tổng quát. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần cụ thể hóa từng đề án cho mỗi ngành hàng chủ lực đã được xác định.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, cá tra là sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp với tiềm năng vô cùng lớn do có hệ thống sông ngòi dày đặc, năng lực chế biến của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần đa dạng hóa cơ cấu giống bởi hiện nay rô phi đang là đối tượng thủy sản được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng cần rà soát lại các cơ sở nuôi cá tra, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đại diện Tập đoàn Sao Mai cho rằng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để tái cơ cấu thành công. Trên thực tế, trước đây, mỡ cá ở ĐBSCL được coi là một loại phế phẩm trong quá trình chế biến cá tra philê nên bán đổ bán tháo sang Trung Quốc, Đài Loan,… Qua tìm hiểu của tập đoàn, người ta lại chế biến mỡ cá này thành thực phẩm chức năng, bán lại cho ta với giá cao ngất ngưởng. Chính vì vậy, Sao Mai đã nghiên cứu, chế biến được loại dầu cá cao cấp, bước đầu nhận được tín hiệu khả quan từ thị trường. Sao Mai tham vọng sẽ không bỏ bất cứ thứ gì từ con cá tra, vừa để nâng cao giá trị gia tăng, vừa bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp”, ông Hùng nhấn mạnh, Đồng Tháp sẽ quan tâm cải cách thủ tục hành chính với phương châm đảm bảo trách nhiệm, công khai, minh bạch, lắng nghe và giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẵn sàng chào đón các nhà tài trợ, doanh nghiệp đến địa phương để thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đột phá mới trong phát triển.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Tai-co-cau-nong-nghiep-nhin-tu-Dong-Thap-108-48353.html
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.
Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.
Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.
Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.