Tái cơ cấu khai thác hải sản ưu tiên phát triển đội tàu xa bờ
Khó chuyển ngư trường
Có thể thấy nhiều nghề gây tổn thương nguồn lợi hải sản ven bờ như giã cào hay mành đèn, pha xúc vẫn hoạt động mạnh mẽ đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, trong tổng số hơn 4.000 tàu thuyền đang có, Quảng Nam mới chỉ sở hữu 510 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên, số phương tiện có công suất từ 30CV trở xuống là gần 3.000 chiếc.
Nghĩa là, số tàu thuyền hoạt động ven bờ chiếm đến hơn 87%.
Điều đó cũng cho thấy rằng, việc phát triển tàu thuyền theo hướng tự phát, vẫn chưa được kiểm soát.
Việc khai thác ven bờ quá lớn đã khiến cho nguồn lợi hải sản bị suy giảm mạnh trong thời gian qua.
Trong kế hoạch tái cơ cấu khai thác hải sản, Quảng Nam đã có quy định cấm ngư dân khai thác tôm hùm, rong mơ vào thời điểm các loài này sinh sản.
Tuy nhiên việc khai thác trái phép vẫn diễn ra.
Tỉnh đã có quy định về kích cỡ mắt lưới cho từng nhóm nghề khai thác hải sản, kiên quyết xử phạt tuy nhiên tình trạng vẫn chưa được thuyên giảm.
Vấn nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi hải sản bằng chất nổ, xung điện vẫn chưa được khống chế.
Gần 2 năm qua, tính từ thời điểm triển khai kế hoạch tái cơ cấu khai thác hải sản, vấn đề điều chỉnh lại năng lực sản xuất đã được đặt ra, sản xuất ở vùng bờ sẽ được hạn chế.
Tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp để hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, chuyển đổi nghề nghiệp từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ.
Cùng với đó là ứng dụng đồng quản lý nghề cá trên cơ sở phân vùng và phân cấp quản lý cho các địa phương ven biển.
Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp giúp ngư dân sinh kế bằng các nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản, dịch vụ, chăn nuôi đã được xét đến.
Ngay cả đối với vùng khơi, trên cơ sở nguồn lợi được điều tra, sẽ xác định số lượng tàu cá cho phép theo nghề ở từng vùng, ngư trường.
Tuy nhiên, chuyển biến là chưa lớn.
Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện tái cơ cấu khai thác hải sản đến thời điểm này là việc thay thế, chuyển đổi số tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ở ven bờ sang khai thác xa bờ diễn ra quá chậm.
Khống chế thuyền nhỏ
Theo Sở NN&PTNT trong thời gian đến, để nhiệm vụ tái cơ cấu khai thác hải sản được thực hiện tốt hơn, sẽ rà soát, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nghề, cơ cấu lao động theo hướng chuyển đánh bắt hải sản gần bờ sang sản xuất xa bờ.
Giải pháp được đưa ra là không thực hiện đăng kiểm, không cấp giấy giấy phép hoạt động cho các thuyền có công suất từ 30CV trở xuống.
Ngành thủy sản sẽ hướng dẫn ngư dân vay vốn sản xuất theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ - CP trước đây) được Chính phủ ban hành mới đây.
“Nghị định mới đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã... lên gấp 1,5 - 2 lần.
Mức cho vay mới được áp dụng cho một số lĩnh vực đặc thù, có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất như nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ, thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá.
Chúng tôi đang phối hợp với 6 địa phương ven biển của tỉnh để triển khai có hiệu quả”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Ông Nguyễn Văn Giỏi cho biết, Nghị định 89/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 89) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ được ngành thủy sản phối hợp với các địa phương nghề cá, các ngân hàng thương mại, triển khai đồng bộ hơn trong thời gian đến.
Việc này vừa giúp ngư dân Quảng Nam tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đóng mới tàu cá, tăng đội tàu có công suất từ 400CV trở lên, hoạt động trên các vùng biển xa.
Cùng với đó, ngư dân sẽ thay thế thuyền công suất nhỏ bằng đóng mới tàu cá lớn, giải quyết tình trạng suy giảm nguồn lợi.
“Quảng Nam rất chú trọng việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa đồng thời dành một khoản ngân sách thích hợp để bổ sung hàng năm cho Quỹ hỗ trợ ngư dân tiếp tục thực hiện hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, tăng đội tàu sản xuất xa bờ của tỉnh.
Cơ chế vay hợp vốn, đồng cho vay giữa Quỹ hỗ trợ ngư dân và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tăng hạn mức đầu tư cho ngư dân cũng được tính đến.
Cơ chế hỗ trợ trực tiếp thay thế cho hỗ trợ sau đầu tư đang được cân nhắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân tiếp cận, đóng mới tàu lớn, thay thế thuyền nhỏ” - ông Giỏi nói.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây một số hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Nam (huyện Ea H’leo - Đăk Lăk) đã mạnh dạn thực hiện đưa mô hình nuôi hươu sao và đã có nguồn thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong số đó có gia đình anh Đỗ Hữu Sang ở thôn 1.
Ngày 15-8-2013, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 27 qui định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cây giống, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, với Phương pháp xác định mức độ thiệt hại như sau:
Mô hình nuôi cá trê vàng lai phát triển gần 2 năm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã giúp không ít hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Mô hình này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân trong huyện. Toàn xã Tân Phú có 6 hộ nuôi với diện tích gần 10.000m2, tập trung nhiều ở ấp Tân Thuận B và ấp Tân Thuận.
Theo Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC), hơn 20 thẩm định viên đã được đào tạo để đánh giá trại nuôi theo tiêu chuẩn ASC dành cho cá tra trong đợt Đào tạo Thẩm định viên Cá tra lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam
Trong mấy năm gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm nay ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá đầu vào liên tục tăng còn đầu ra thì bấp bênh, giá giảm...