Cà Chua Chết Hàng Loạt Tại Huyện An Dương
Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.
Xã Đồng Thái (huyện An Dương), là địa phương có diện tích trồng cà chua lớn nhất huyện. Vụ này, 60% số diện tích trồng cà chua ở địa phương trong tình trạng héo rũ mật độ cây chết khá cao. Nhiều diện tích cây chưa kịp cho thu hoạch lứa quả nào đã héo rũ. Một số diện tích ra hoa nhỏ như hoa ớt và xoăn nõn, khi cây có quả thì xuất hiện tình trạng quả bị nứt vỡ hàng loạt …, khiến nông dân có thu hoạch cũng không bán được. Nông dân bó tay trước căn bệnh lạ trên cây cà chua.
Theo bà Trần Thị Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), qua kiểm tra, dùng dung dịch thử để phát hiện bệnh nghi là héo xanh thì kết quả thử test nhanh cũng không cho thấy dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Khi tìm hiểu về nguồn gốc giống cà chua, nhiều hộ dân ở Đồng Thái cho biết, mua cây giống tại xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Đây là giống cà chua Mongal F1 hay còn gọi là Pháp lai, do Công ty TNHH sản xuất thương mại Xanh cung ứng. Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm về nông trại sản xuất và kinh doanh giống cây trồng của gia đình ông Nguyễn Công Chuẩn ở xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, địa chỉ cung ứng giống cho nông dân để tìm hiểu.
Theo sổ quản lý bán hàng của ông Chuẩn, vụ hè thu năm nay, có hơn 30 hộ dân của các huyện An Dương, An Lão và Tiên Lãng đến mua cây và hạt giống cà chua Mongal F1 của gia đình ông về trồng. Trong đó có gần 32.000 cây giống, chủ yếu được cung cấp cho nông dân các xã Đồng Thái, An Hồng, Tân Tiến, Bắc Sơn, Đặng Cương của huyện An Dương. Số cây này quy ra diện tích trồng là 1,5 ha. Còn lại, nông dân mua hạt về tự gieo.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Công Chuẩn, ngoài nông dân xã Đồng Thái (An Dương), khá nhiều nông dân các xã của huyện Nam Sách - địa phương có vùng trồng cà chua tập trung lớn nhất của tỉnh Hải Dương cũng xảy ra tình trạng cà chua chết non và bị nứt vỡ quả, không thể xuất bán được từ đầu tháng 10. Tra cứu nhật ký bán hàng, gia đình phát hiện tất cả các điểm nông dân trồng cà chua bị hỏng đều rơi vào 2 lô hạt giống sản xuất vào ngày 30-8-2013 và 19-5-2014 do Công ty TNHH sản xuất thương mại Xanh cung ứng.
Ông Chuẩn đã liên hệ với công ty để có giải pháp xử lý. Ngay sau khi phát hiện 2 lô hàng hạt giống cà chua kém chất lượng, ông Chuẩn hủy 20 gói hạt giống đã ngâm ủ để chuẩn bị cung ứng cho nông dân trong vụ đông. Đồng thời, trả lại 20 gói hạt giống của 2 lô hàng sản xuất ngày 30-8-2013 và 15-9-2014 cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Xanh (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh).
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp-PTNT, nhiều khả năng tình trạng cà chua héo rũ và chết khi bắt đầu cho thu hoạch quả không chỉ xảy ra ở xã Đồng Thái (An Dương) mà còn ở nhiều địa phương khác. Hiện, Sở Nông nghiệp- PTNT đang kiểm tra lại tình hình, đồng thời có biện pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này. Đồng thời, Sở cũng đang liên hệ với Công ty TNHH sản xuất thương mại Xanh, tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả.
Có thể bạn quan tâm
Giữa cái nắng gay gắt, bước vào vườn dưa lưới trồng phủ bạt với dàn cây xanh mướt mắt, trái lủng lẳng sắp đến ngày thu hoạch ai cũng trầm trồ, thích thú…
Lên Tây Nguyên cắm chốt trong rừng cà phê, về đồng bằng đón hoa keo lá tràm, quanh năm sống tạm bợ trong lều tạm. Đấy là cuộc sống của những người nuôi ong lấy mật.
Từ ngày 18/10 đến 20/10/2013, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại TP. tổ chức cho nông dân sản xuất giỏi, Hội viên Hội Làm vườn và khuyến nông viên các quận huyện tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm sản xuất trong phát triển rau VietGAP và an toàn thực phẩm, hoa kiểng kết hợp khai thác du lịch sinh thái cộng đồng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ qua đó giúp cho nông dân TP.HCM có dịp trao đổi, học tập những mô hình hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh về phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Trong 03 ngày đoàn được tham quan các mô hình như vườn hoa địa lan Anh Quỳnh với diện tích khoảng 6000m2, 20.000 chậu, 12 giống địa lan các loại được nhập từ các nước như Úc, Nhật…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Bắc Giang rất lớn. Nếu khai thác diện tích mặt nước hợp lý kết hợp đưa giống mới, đầu tư thâm canh, gối vụ thì năng suất, giá trị thuỷ sản sẽ cao hơn rất nhiều.
Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk góp 95% vốn) vừa triển khai dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn với hơn 2.490ha đất xây dựng hệ thống chuồng trại và trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho 20.000 con bò sữa.