Tái Canh Cà Phê Chưa Có Chiến Lược Mang Tầm Quốc Gia
Tính toán của các nhà khoa học cho thấy, để bảo đảm tái canh cà phê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, thất thu ít nhất 150 triệu đồng/ha.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mỗi năm đóng góp nhiều tỷ đô la cho quốc gia. Tuy nhiên điều này có thể gây ảnh hưởng lớn trong tương lai gần vì diện tích vườn cà phê già cỗi tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Hội nghị sơ kết tái canh cà phê được tổ chức bởi Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên vừa diễn ra tại Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng cho thấy điều đó.
Sản lượng sụt giảm liên tục
Với hơn 535 nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ (chiếm 82,14% diện tích tự nhiên của tỉnh) phân bố trên các cao nguyên TX Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, phía đông huyện Cư Jut và Krông Nô, cà phê là loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao của Đăk Nông.
Trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, chiếm 70% trong cơ cấu cây công nghiệp lâu năm. Do ảnh hưởng yếu tố thị trường, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh luôn có sự biến động nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Nếu như năm 2010, diện tích cà phê toàn tỉnh chỉ có gần 76 nghìn ha, thì đến hết năm 2013, diện tích này đã tăng lên 117 nghìn ha, đóng góp hơn 60% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 40% GDP của tỉnh.
Tuy có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng những năm gần đây, diện tích cây cà phê của Đăk Nông đang có một tỷ lệ lớn cằn cỗi, năng suất giảm nghiêm trọng. Theo tính toán của Sở NN-PTNT tỉnh này, đến năm 2020, có khoảng gần 25 nghìn ha cà phê sẽ không cho thu hoạch, hoặc thu hoạch với năng suất, chất lượng thấp.
Theo Vicofa, tính đến hết năm 2013, tổng diện tích cà phê của cả nước đạt hơn 620 nghìn ha. Trong số này có khoảng 86 nghìn ha cây trên 20 năm tuổi, cộng thêm khoảng trên 40 nghìn ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quả thấp. Như vậy, tổng diện tích cà phê cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới là khoảng 140 - 160 nghìn ha.
Không riêng Đăk Nông, ở Tây Nguyên, diện tích cà phê già cỗi, những vườn cây có độ tuổi trên 20 năm, năng suất đạt thấp, sinh trưởng kém và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo, chiếm tỷ lệ cao.
Nếu không có kế hoạch và triển khai thực hiện tốt chương trình tái canh, đến năm 2020, hầu hết diện tích cà phê ở Tây Nguyên cũng như cả nước sẽ bước sang già cỗi. Ví dụ năm 2012, năng suất cà phê đạt 2,35 tấn/ha, nhưng năm 2013 chỉ còn 2,25 tấn/ha; sản lượng niên vụ 2012/13 giảm trên 20%, dự kiến niên vụ 2013/14 giảm khoảng 15%. Đây là năm thứ hai liên tiếp sản lượng cà phê bị giảm.
Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đời sống cây cà phê sung sức nhất chỉ từ năm thứ 5 đến năm thứ 15. Những năm tiếp theo, cây già cỗi, sức đề kháng thấp, sâu bệnh sẽ phát triển.
Tính toán của các nhà khoa học cho thấy, để bảo đảm tái canh cà phê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, thất thu ít nhất 150 triệu đồng/ha. Cùng với đó, vốn đầu tư cho các khâu cày bừa, cây giống, phân bón, chăm sóc… trong 3 năm cho mỗi ha cà phê tái canh, có thể lên đến hơn trăm triệu đồng. Vừa bị hụt thu, vừa phải đầu tư thêm là khó khăn lớn, nông dân khó vượt qua được.
Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự, cho rằng, việc tái canh cây cà phê là một trong những nhiệm vụ quan trọng, sống còn để phát triển ngành cà phê Việt Nam bền vững.
Từ nhiều năm qua, Hiệp hội đã phối hợp và xúc tiến cho công việc này như đề xuất với các bộ ngành về chiến lược, cơ chế; tổ chức hội thảo, hội nghị hướng dẫn hội viên, địa phương; cấp giống miễn phí... Tuy nhiên tái canh cây cà phê vẫn đang gặp phải vô vàn khó khăn.
Khó nhất vẫn là tiền
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tính bình quân trong vòng 7 năm trở lại đây, lượng cà phê XK của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng trên 17,7%. Cà phê cũng là mặt hàng nông sản có giá trị cao mang lại nguồn ngoại tệ hàng tỷ USD cho quốc gia.
Ở Tây Nguyên, cà phê có đóng góp tới 30% GDP của nhiều tỉnh. Không những thế, còn tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho hàng triệu gia đình, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên. Do đó việc cần có một chiến lược phát triển ngành cà phê, trong đó có tái canh là nhiệm vụ cấp bách.
“Dường như đang tồn tại một nghịch lý là có những ngành có chiến lược đầu tư nhiều nhưng lại không phát triển, trong khi một ngành phát triển như cà phê lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ, đặc biệt là chưa có chiến lược mang tầm quốc gia”, ông Lương Văn Tự.
Cụ thể, việc quy hoạch vùng trồng, diện tích trồng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay và trong tương lai. Vấn đề nghiên cứu sử dụng những giống cà phê mới cho năng suất cao, chịu hạn, hạn chế đến mức tối đa mở rộng diện tích trồng mới và áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước cũng chưa được thực hiện. Đặc biệt là vấn đề nguồn vốn khó tiếp cận, lãi suất quá cao.
Ông Nguyễn Đại Ngọc, GĐ Cty TNHH MTV Cà phê Ia G’rai (Tổng Cty Cà phê Việt Nam) thổ lộ: “Đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, bởi các ngân hàng đều đưa ra lãi suất cao, hơn 10%/năm. Do đó, với vốn tự có, chúng tôi mới chỉ tái canh được hơn 100 ha trong tổng số gần 300 ha cà phê già cỗi”.
Việc tái canh cây cà phê gặp khó khăn về vốn đầu tư. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có qua nhiều năm tích cóp của các nông hộ và DN thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc vay vốn vì cho rằng lãi suất cho vay trên 10% vẫn còn cao. Bên cạnh đó, định suất vay chỉ được 50 triệu đồng cho mỗi ha, thấp hơn nhiều so với đầu tư thực tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tái canh không phải là vấn đề mới hay quá khó, nhưng đến nay vẫn tạo ra bước đột phá, mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra từ định hướng chiến lược đến cách làm cụ thể, thậm chí có mô hình đã thành công. Nguyên nhân cơ bản được cho là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ chính thức từ phía Nhà nước.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho rằng, để công tác tái canh cà phê mang lại hiệu quả cao, Chính phủ cần sớm ban hành đề án tái canh cà phê toàn diện mang tầm quốc gia; đồng thời phải có quy hoạch sản xuất cà phê hợp lý để phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt phải có cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản để tạo điều kiện cho DN, nông dân tiếp cận vốn dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm
Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam chiếm một diện tích rất lớn, khoảng trên 35.000 ha, tiềm lực và tiềm năng đều thua kém so với các vùng khác trong tỉnh
Hiện tại, các mô hình nuôi cá, nuôi heo… không còn là cách làm giàu duy nhất mà ngày càng có nhiều nông dân trẻ, chủ trang trại tìm tòi, học hỏi đầu tư chăn nuôi nhiều loại động vật mới lạ, cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dúi - loại động vật hoang dã, sống trong các vùng đồi núi đã mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước.
Hơn 10 ngày trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hai huyện Cần Đước, Long An có số lượng tôm thẻ chết hàng loạt khiến hơn 30% diện tích nuôi tôm của hai huyện này tạm thời bị bỏ không, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Long (TP.Vũng Tàu)
Năm 2011 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Quân Bình và Cẩm Giàng. Qua đánh giá cho thấy mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.