Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Suy Giảm Nguồn Lợi Thuỷ Sản Nỗi Lo Còn Đó

Suy Giảm Nguồn Lợi Thuỷ Sản Nỗi Lo Còn Đó
Ngày đăng: 02/04/2013

Là một trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, trong những năm qua nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản của Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà dẫn đến hậu quả nguồn lợi thuỷ sản bị cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm ở vùng ven bờ đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng...

Theo đánh giá của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, hiện nay nguồn lợi thuỷ sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh đang giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt được. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng tới 70%, nếu như trước đây, một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm, như cá trích, tôm hùm, bào ngư, điệp, mực v.v.. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi là do cùng với việc khai thác quá mức là sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ (như hiện tượng rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển v.v.. bị chết chẳng hạn); rồi còn do việc sử dụng các phương pháp khai thác huỷ diệt (chất nổ, xung điện) và các công cụ khai thác không lựa chọn.

Có một thực tế, với áp lực của cuộc sống hiện nay, để khai thác được nhiều loài thuỷ sản với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ nhu cầu mưu sinh thì ngư dân sẵn sàng vi phạm pháp luật làm các nghề cấm để đạt được mục đích khai thác. Trong một chuyến đi thực tế cùng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kiểm tra ngư trường khu vực Hải Hà, Móng Cái, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến không ít trường hợp vi phạm trong việc đánh bắt thuỷ sản. Trong đó, nhiều nhất vẫn là tình trạng khai thác trong vùng cấm, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác... Khi hỏi một số người dân làm nghề xăm bãi trong khu vực cấm khai thác, rằng họ có biết việc làm của họ đang vi phạm vào quy định công tác bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản không thì hầu hết các ngư dân đều thừa nhận việc làm của mình là không đúng. Có người nói, họ cũng đã từng bị các lực lượng chức năng nhắc nhở và phạt tiền, nhưng tất cả cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo hàng ngày nên họ “biết sai vẫn cứ làm”…

Nói về việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cho rằng, so với các tỉnh khác, Quảng Ninh cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Do địa bàn quản lý rộng, có nhiều đảo, lắm vùng vịnh và luồng đi lại trên biển, tàu thuyền phân tán ở các ngư trường khác nhau khiến công tác kiểm tra kiểm soát của Chi cục và các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng xấu có thể tận dụng yếu tố này để thực hiện các hành vi vi phạm.

Thêm nữa, mặc dù Quảng Ninh là một trong số những tỉnh có số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác thuỷ sản lớn nhất trong cả nước, song chủ yếu là tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ. Trong tổng số 10.524 phương tiện tàu thuyền khai thác lắp máy hiện nay thì có tới 7.939 tàu thuyền công suất máy dưới 20CV, chỉ có 172 tàu công suất trên 90CV tham gia hoạt động khai thác xa bờ. Mặt khác, trong những năm qua, việc thực hiện các quy định về khu vực cấm khai thác và thời gian cấm khai thác tại Quảng Ninh vẫn chưa được thực hiện triệt để; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân trong thời gian cấm khai thác và tại các khu vực triển khai khoanh vùng bảo tồn, nhất là những người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề khai thác thuỷ sản, kinh tế khó khăn chưa có khả năng đóng tàu lớn để vươn khơi xa.

Việc gia tăng tốc độ khai thác như hiện nay, đặc biệt là sự mất cân đối giữa 2 lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ, chính là mối lo trong tương lai nguồn lợi thuỷ sản ven bờ của tỉnh, nhất là các nhóm cá nổi, cá tầng đáy, sẽ vĩnh viễn biến mất. Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hoá xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành khác: công nghiệp, khai thác than, du lịch, san lấp mặt bằng, quai đê, lấn biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản v.v.. cũng góp phần làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài thuỷ sản; thu hẹp, mất dần diện tích các rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, rạn san hô vốn là nơi sinh trưởng của các loài hải sản trong giai đoạn ấu trùng và con non. Từ đó, nguồn lợi thuỷ sản vốn đã cạn kiệt, ngày càng trở nên cạn kiệt hơn, một số loài thuỷ sản có nguy cơ bị tuyệt chủng…

Cùng với những bất cập nói trên, hiện nay cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh, nhất là các cảng cá, bến cá, cung ứng dịch vụ xăng dầu, nước đá, nước ngọt quy mô lại còn quá nhỏ, manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngành. Các dự án đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tiến độ đầu tư chậm chưa phát huy được hiệu quả trong sản xuất; việc đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khai thác còn hạn chế; ngư dân hoạt động thuỷ sản đa số là người nghèo, nhìn chung trình độ dân trí còn thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội, hạn chế trong việc tiếp thu và thực hiện pháp luật, nhất là những quy định trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Điều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhưng do lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu v.v.. nên không đủ để “bao sân”. Từ đó, việc xử lý vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”…

Trước tình trạng này, để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững, thực sự là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dựng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuỷ sản, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến các tầng lớp nhân dân…

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với kinh nghiệm sản xuất được tích luỹ bao đời nay và định hướng phát triển đúng đắn, hy vọng tình trạng suy giảm tài nguyên biển sẽ từng bước được khắc phục.


Có thể bạn quan tâm

Sầu Riêng Tăng Giá Trở Lại Sầu Riêng Tăng Giá Trở Lại

Được biết, huyện Cai Lậy có 14.200 ha cây ăn trái, trong đó có 10.300 ha vườn chuyên canh. Sầu riêng là cây ăn trái chiếm diện tích lớn của huyện, tập trung tại các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, Mỹ Long… Theo tổng hợp từ Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy, sầu riêng xử lý cho trái nghịch mùa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, trên 500 triệu đồng/ha.

20/01/2015
Hội Nghị Toàn Cầu Về Thú Y Thủy Sản Hội Nghị Toàn Cầu Về Thú Y Thủy Sản

Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về thú y, thủy sản diễn ra sáng nay (20/1) tại Thành phố Hồ Chí Minh do Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. 200 đại biểu của 87 nước thành viên thuộc Tổ chức Thú y thế giới đã tham dự phiên khai mạc hội nghị.

21/01/2015
Thừa Thiên Huế Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Thừa Thiên Huế Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô có nhiều tiềm năng lớn trong việc nuôi tôm chân trắng. Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc cho phép nuôi tôm chân trắng ở khu vực này. Đây là cơ hội thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

21/01/2015
Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng

Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao được xã Vũ Ðoài (Vũ Thư - Thái Bình) chú trọng phát triển từ năm 2012. Vũ Ðoài có sông Hồng chảy qua, với đặc tính nước ngọt, lợ rất phù hợp và thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, chủ yếu là giống cá diêu hồng, cá lăng và cá chép V1.

21/01/2015
Nguy Cơ Cạn Kiệt Nguồn Thủy Sản Nguy Cơ Cạn Kiệt Nguồn Thủy Sản

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh lâu dài, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh”.

21/01/2015