Sủng Thài Tìm Hướng Thoát Nghèo
Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi ong và trồng cây dược liệu đang được xã lựa chọn là hướng phát triển kinh tế trọng tâm nhằm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên vùng đất khó.
Xã Sủng Thài có gần 1.150 hộ, trên 6.000 nhân khẩu sinh sống ở 19 thôn. Cuộc sống của bà con dựa hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do điều kiện địa hình phức tạp, đá núi tai mèo nhiều hơn đất sản xuất nên toàn xã chỉ có gần 550 ha đất trồng ngô, 35 ha đất trồng lúa một vụ.
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã đó là tập trung nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng nhằm đảm bảo lương thực tại chỗ cho nhân dân.
Thực hiện điều đó, những năm qua, xã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể về cơ sở vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trồng giống mới và thực hiện mạnh chương trình đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu. Nhờ đó, năng suất lúa, ngô tăng đều hàng năm, đến nay, năng suất bình quân cây ngô toàn xã đạt trên 33 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn; năng suất lúa đạt 68 tạ/ha, sản lượng đạt trên 240 tấn.
Ngoài cây lúa, ngô, nhân dân trong xã cũng tập trung sản xuất trên 600 ha cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau, đậu các loại. Nổi bật, hàng năm, xã trồng được gần 500 ha đậu tương; là cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao nên bà con cũng có thêm nguồn thu, góp phần ổn định cuộc sống...
Đồng chí Giàng Mí Sùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nhờ biết trồng ngô, lúa, đậu tương giống mới kết hợp với thâm canh nên các hộ dân trong xã dần ổn định lương thực ăn trong năm, không còn hộ thiếu đói.
Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất ít, số hộ, số khẩu toàn xã lại đông nên dù cây trồng có đạt năng suất, sản lượng cao cũng chỉ giúp bà con đủ lương thực ăn chứ khó có thể nâng cao thu nhập để thoát khỏi hộ nghèo theo tiêu chí mới. Minh chứng cụ thể đó là số hộ nghèo, cận nghèo toàn xã vào thời điểm hiện tại vẫn còn trên 60%.
Thực tế đó đòi hỏi xã phải tìm kiếm, lựa chọn hướng thoát nghèo trong điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt. Qua nghiên cứu, đánh giá điều kiện thực tế, xã quyết định lấy chăn nuôi gia súc, nuôi ong và trồng cây dược liệu ở một số vùng có điều kiện là hướng phát triển kinh tế bền vững, xóa nghèo cho nhân dân”.
Phát triển chăn nuôi gia súc trong bối cảnh người dân gặp khó khăn về giống, vốn đầu tư, xã đã quan tâm triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc.
Trong đó, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện chương trình cho vay ủy thác giúp các hộ vay vốn ưu đãi mua trâu, bò sinh sản. Bên cạnh đó, xã cũng phát động phong trào “tương thân, tương ái” vận động các hộ có nhiều bò cho các hộ nghèo chưa có bò nuôi rẽ để lấy con giống. Trong những năm qua trên địa bàn xã đã có gần 20 hộ có giống bò nuôi từ hình thức này.
Đi liền với phát triển số lượng, xã thực hiện tốt công tác phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác phòng, chống đói rét, tiêm phòng vắc xin cho gia súc, do đó giảm hẳn số gia súc bị chết rét, bị dịch bệnh. Việc phát triển chăn nuôi cũng đi liền với công tác trồng cỏ, hiện tại xã trồng được gần 300 ha cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ Đông.
Phát triển chăn nuôi ở xã thực sự có bước phát triển, đặc biệt là ý thức của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi hàng hoá. Trên địa bàn xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi quy mô vừa, trong đó tiêu biểu như gia đình ông Sính Mí Chá ở thôn Cháng Pùng B phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, cho thu nhập cao. Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực trong chăn nuôi nên tổng đàn gia súc của xã tăng đều hàng năm, đến nay, tổng đàn gia súc đạt 4.000 con, trong đó đàn trâu, bò gần 1.700 con...
Hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã có bò để nuôi, với những hộ chưa có trâu, bò sinh sản, trong năm nay, huyện giao chỉ tiêu cho xã thực hiện hỗ trợ 54 con trâu, bò cho các hộ theo chương trình của tỉnh (trong đó hỗ trợ cho không 10 triệu đồng, cho vay từ Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng). Ngoài chăn nuôi gia súc, xã cũng tập trung phát triển đàn ong lấy mật hoa Bạc Hà, đến nay xã có tổng đàn ong gần 400 tổ, chủ yếu tập trung tại các thôn núi đá...
Một trong những tiềm năng đang được khai thác, hy vọng xóa nghèo bền vững cho người dân ở các thôn Sủng Thài A, Sủng Thài B đó là phát triển trồng cây dược liệu.
Đây là những thôn có điều kiện thời tiết mát mẻ, có mặt bằng nên Công ty Bình Minh lựa chọn sản xuất thử nghiệm các loại cây dược liệu quý, trong đó có cây Atisô và đặc biệt là cây Hồng Hoa (loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế rất cao). Trong năm 2014, Công ty Bình Minh liên kết với nhân dân tại hai thôn Sủng Thài A và B trồng thử nghiệm 1,5 ha cây Hồng Hoa, gần 1 ha cây Atisô.
Hiện nay, cây Atisô đang sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, riêng với cây Hồng Hoa đang trong quá trình trồng thử nghiệm nhưng được các nhà chuyên môn đánh giá có khả năng phát triển tốt trên vùng đất này. Bí thư Đảng ủy xã Giàng Mí Sùng vui vẻ cho biết: “Chương trình trồng cây dược liệu triển khai tại thôn Sủng Thài A và B là một trong những tín hiệu vui trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm ghèo trên địa bàn.
Với hình thức doanh nghiệp liên kết với nhân dân thuê đất trồng cây dược liệu và tạo điều kiện làm việc thời vụ sẽ giúp cho người dân có nguồn thu ổn định. Diện tích có thể phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã lên đến gần 20 ha, do đó trong thời gian tới xã tiếp tục tạo điều kiện cho Công ty Bình Minh liên kết với nhân dân thực hiện trồng thí điểm và nhân rộng diện tich cây dược liệu, vừa tạo vùng sản xuất dược liệu quý cho tỉnh, vừa giúp người dân tăng thu nhập”.
Tin tưởng rằng, với những thành quả ban đầu đạt được, hướng phát triển kinh tế bền vững của xã sẽ giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Theo các chủ hộ tham gia mô hình, cá phát triển rất tốt. Sau 6 tháng nuôi cá trắm đen đạt 1,1 kg/con, cá chép V1 đạt 1,3 kg/con, cá mè đạt 1,5 kg/con. Sau trừ chi phí đầu tư, mô hình thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/mô hình. Đây là mô hình nuôi có hiệu quả cao kinh tế cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã giúp không ít nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu... Trong đó, mô hình sản xuất đa canh của nông dân Trần Minh Phúc (ấp Nhơn Lợi, xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) là một điển hình.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, nuôi thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, việc phát triển diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Ðiều đó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo là hạ tầng phục vụ nghề nuôi không phát triển theo kịp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.
Hiện nay, nghề sản xuất, ương nuôi cá rô phi giống trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trước xu thế đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi thương phẩm theo hướng không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu, chắc chắn nghề sản xuất cá rô phi giống sẽ tiếp tục được mở rộng.
Xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được quy hoạch là vùng ngọt hóa. Do các công trình thủy lợi chưa khép kín hoàn toàn nên còn ảnh hưởng xâm nhập mặn (khoảng tháng 4 - 6 hàng năm), độ mặn tối đa 8%o, nên một số người dân đào ao nuôi tôm nước lợ.