Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sủng Thài Tìm Hướng Thoát Nghèo

Sủng Thài Tìm Hướng Thoát Nghèo
Publish date: Wednesday. September 17th, 2014

Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

Phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi o­ng và trồng cây dược liệu đang được xã lựa chọn là hướng phát triển kinh tế trọng tâm nhằm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên vùng đất khó.

Xã Sủng Thài có gần 1.150 hộ, trên 6.000 nhân khẩu sinh sống ở 19 thôn. Cuộc sống của bà con dựa hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do điều kiện địa hình phức tạp, đá núi tai mèo nhiều hơn đất sản xuất nên toàn xã chỉ có gần 550 ha đất trồng ngô, 35 ha đất trồng lúa một vụ.

Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã đó là tập trung nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng nhằm đảm bảo lương thực tại chỗ cho nhân dân.

Thực hiện điều đó, những năm qua, xã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể về cơ sở vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trồng giống mới và thực hiện mạnh chương trình đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu. Nhờ đó, năng suất lúa, ngô tăng đều hàng năm, đến nay, năng suất bình quân cây ngô toàn xã đạt trên 33 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn; năng suất lúa đạt 68 tạ/ha, sản lượng đạt trên 240 tấn.

Ngoài cây lúa, ngô, nhân dân trong xã cũng tập trung sản xuất trên 600 ha cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau, đậu các loại. Nổi bật, hàng năm, xã trồng được gần 500 ha đậu tương; là cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao nên bà con cũng có thêm nguồn thu, góp phần ổn định cuộc sống...

Đồng chí Giàng Mí Sùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nhờ biết trồng ngô, lúa, đậu tương giống mới kết hợp với thâm canh nên các hộ dân trong xã dần ổn định lương thực ăn trong năm, không còn hộ thiếu đói.

Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất ít, số hộ, số khẩu toàn xã lại đông nên dù cây trồng có đạt năng suất, sản lượng cao cũng chỉ giúp bà con đủ lương thực ăn chứ khó có thể nâng cao thu nhập để thoát khỏi hộ nghèo theo tiêu chí mới. Minh chứng cụ thể đó là số hộ nghèo, cận nghèo toàn xã vào thời điểm hiện tại vẫn còn trên 60%.

Thực tế đó đòi hỏi xã phải tìm kiếm, lựa chọn hướng thoát nghèo trong điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt. Qua nghiên cứu, đánh giá điều kiện thực tế, xã quyết định lấy chăn nuôi gia súc, nuôi o­ng và trồng cây dược liệu ở một số vùng có điều kiện là hướng phát triển kinh tế bền vững, xóa nghèo cho nhân dân”.

Phát triển chăn nuôi gia súc trong bối cảnh người dân gặp khó khăn về giống, vốn đầu tư, xã đã quan tâm triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc.

Trong đó, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện chương trình cho vay ủy thác giúp các hộ vay vốn ưu đãi mua trâu, bò sinh sản. Bên cạnh đó, xã cũng phát động phong trào “tương thân, tương ái” vận động các hộ có nhiều bò cho các hộ nghèo chưa có bò nuôi rẽ để lấy con giống. Trong những năm qua trên địa bàn xã đã có gần 20 hộ có giống bò nuôi từ hình thức này.

Đi liền với phát triển số lượng, xã thực hiện tốt công tác phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác phòng, chống đói rét, tiêm phòng vắc xin cho gia súc, do đó giảm hẳn số gia súc bị chết rét, bị dịch bệnh. Việc phát triển chăn nuôi cũng đi liền với công tác trồng cỏ, hiện tại xã trồng được gần 300 ha cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ Đông.

Phát triển chăn nuôi ở xã thực sự có bước phát triển, đặc biệt là ý thức của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi hàng hoá. Trên địa bàn xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi quy mô vừa, trong đó tiêu biểu như gia đình ông Sính Mí Chá ở thôn Cháng Pùng B phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, cho thu nhập cao. Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực trong chăn nuôi nên tổng đàn gia súc của xã tăng đều hàng năm, đến nay, tổng đàn gia súc đạt 4.000 con, trong đó đàn trâu, bò gần 1.700 con...

Hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã có bò để nuôi, với những hộ chưa có trâu, bò sinh sản, trong năm nay, huyện giao chỉ tiêu cho xã thực hiện hỗ trợ 54 con trâu, bò cho các hộ theo chương trình của tỉnh (trong đó hỗ trợ cho không 10 triệu đồng, cho vay từ Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng). Ngoài chăn nuôi gia súc, xã cũng tập trung phát triển đàn o­ng lấy mật hoa Bạc Hà, đến nay xã có tổng đàn o­ng gần 400 tổ, chủ yếu tập trung tại các thôn núi đá...

Một trong những tiềm năng đang được khai thác, hy vọng xóa nghèo bền vững cho người dân ở các thôn Sủng Thài A, Sủng Thài B đó là phát triển trồng cây dược liệu.

Đây là những thôn có điều kiện thời tiết mát mẻ, có mặt bằng nên Công ty Bình Minh lựa chọn sản xuất thử nghiệm các loại cây dược liệu quý, trong đó có cây Atisô và đặc biệt là cây Hồng Hoa (loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế rất cao). Trong năm 2014, Công ty Bình Minh liên kết với nhân dân tại hai thôn Sủng Thài A và B trồng thử nghiệm 1,5 ha cây Hồng Hoa, gần 1 ha cây Atisô.

Hiện nay, cây Atisô đang sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, riêng với cây Hồng Hoa đang trong quá trình trồng thử nghiệm nhưng được các nhà chuyên môn đánh giá có khả năng phát triển tốt trên vùng đất này. Bí thư Đảng ủy xã Giàng Mí Sùng vui vẻ cho biết: “Chương trình trồng cây dược liệu triển khai tại thôn Sủng Thài A và B là một trong những tín hiệu vui trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm ghèo trên địa bàn.

Với hình thức doanh nghiệp liên kết với nhân dân thuê đất trồng cây dược liệu và tạo điều kiện làm việc thời vụ sẽ giúp cho người dân có nguồn thu ổn định. Diện tích có thể phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã lên đến gần 20 ha, do đó trong thời gian tới xã tiếp tục tạo điều kiện cho Công ty Bình Minh liên kết với nhân dân thực hiện trồng thí điểm và nhân rộng diện tich cây dược liệu, vừa tạo vùng sản xuất dược liệu quý cho tỉnh, vừa giúp người dân tăng thu nhập”.

Tin tưởng rằng, với những thành quả ban đầu đạt được, hướng phát triển kinh tế bền vững của xã sẽ giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.


Related news

Bình Định thành lập 369 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản Bình Định thành lập 369 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản

Ngày 19.7, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Đến nay, ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thành lập 369 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 1.424 tàu cá tham gia.

Wednesday. July 22nd, 2015
Gỡ khó cho vùng nuôi tôm Gỡ khó cho vùng nuôi tôm

Nhiều năm qua, ngành hàng tôm luôn có giá trị cao trong nhóm đầu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu (XK). Người dân chuyển đổi sản xuất theo nghề nuôi tôm từng làm giàu, đời sống sung túc. Thế nhưng từ đầu năm đến nay trước những thay đổi bởi thời tiết bất thường, dịch bệnh và thị trường XK sụt giảm, trong khi tôm nguyên liệu gặp cạnh tranh giảm giá đã đẩy người nuôi tôm lâm vào thế khó.

Wednesday. July 22nd, 2015
Tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc Tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc

Năm tháng đầu năm nay, XK tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 89,1 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), giá tôm Việt Nam hiện nay đang cao hơn so với giá NK trung bình của Hàn Quốc, và cũng cao hơn so với giá tôm của Ấn Độ khoảng 2 USD/kg và cao hơn của Trung Quốc 4 - 5 USD/kg.

Wednesday. July 22nd, 2015
Gà Thanh Chương lối đi cũ, cách làm mới Gà Thanh Chương lối đi cũ, cách làm mới

Đuổi kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, nghề chăn nuôi gà truyền thống ở Thanh Chương (Nghệ An) đang được chuyển đổi theo hướng thương mại hoá. Trên nền tảng sẵn có vững chãi với điều kiện tự nhiên và con người thuận lợi, nuôi gà quy mô lớn đang mở ra cho người nông dân Thanh Chương một lối đi mới rất đáng để hy vọng.

Wednesday. July 22nd, 2015
Hiệu ứng tích cực từ việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi Hiệu ứng tích cực từ việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố tập trung xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Wednesday. July 22nd, 2015