Sức sống mới trên vùng căn cứ năm xưa
Khu căn cứ Chìa Khóm (tên thường gọi của Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ngày trước) tại địa bàn ấp Thạnh Thắng được trùng tu khá khang trang để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống hào hùng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cùng với đó, cảnh vật, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã đổi thay vượt bậc.
Nuôi chứa cách mạng ngay trong lòng địch
Họ chính là những dân thường dũng cảm, kiên trung bảo vệ Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ đứng chân suốt thời gian dài, từ năm 1965-1968. Trong đó có ông Bảy Sạn (Võ Văn Sang), đương kim Trưởng ấp Thạnh Thắng, cũng chính là con trai thứ của bà Nguyễn Thị Ảnh, người đã trực tiếp đóng góp công sức, tài sản của nhà mình cho kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lúc bấy giờ, ông Sạn mới 12 tuổi, vậy mà cứ cách nhau vài ngày, lại cùng mẹ chạy ghe ra chợ Hỏa Lựu (chợ Phường VII ngày nay) thu mua lương thực, thuốc men về tiếp tế cho lực lượng ta đang hoạt động tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ đóng ngay trên phần đất gia đình. Chưa kể là cung cấp cơm, nước cho cơ quan đầu não vào những ngày diễn ra hội họp.
Trong số đó, có không ít lần nhờ sự mưu trí đã giúp ông vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, đảm bảo cho khu căn cứ an toàn tuyệt đối, nằm cách đồn địch không xa. Ông Bảy Sạn kể: “Có lần, tôi đã thoát hiểm trong gang tấc. Khi vừa chuẩn bị nổ máy Kohler, lui ghe từ bến chợ trở về nhà thì bất ngờ bị khám xét. Nếu không lanh trí buộc bao thuốc vô cây sào cắm xuống giấu dưới kênh Xà No sẽ bị địch phát hiện thì coi như tiêu đời”.
Trên thực tế, Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ cách tỉnh lỵ Chương Thiện của Mỹ - ngụy khoảng 15km và nằm trên trục giao thông thủy, tàu chiến của địch thường xuyên qua lại suốt thời gian dài từ năm 1965-1968. Thế nhưng, địch không hề biết và chưa có lần nào địch đánh vào căn cứ. Đó là nhờ Tỉnh ủy biết dựa vào dân, bám dân có truyền thống cách mạng như gia đình ông Bảy Sạn. Cho nên, Khu căn cứ Tỉnh ủy ở ấp Thạnh Thắng còn được ví là “căn cứ trong lòng dân”.
Trước hết là nhờ dân che chở đùm bọc và trực tiếp nuôi dưỡng chu đáo. Qua đó, Tỉnh ủy lãnh đạo quân và dân trong tỉnh Cần Thơ đấu tranh chống địch trong suốt thời gian địch tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968.
Xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới
Chính vì căm hờn trước sự tàn phá xóm làng của quân thù, mà ông Sáu Đôi (Dương Minh Đôi), ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, đã hăng hái tham gia cách mạng tại địa phương khi ở độ tuổi thiếu niên. Chỉ tay ra phía con lộ nông thôn khá thông thoáng trước nhà, ông Sáu Đôi hồi tưởng: “Xưa kia, xứ này làm gì có đường. Nhà cửa thì nhỏ hẹp, lụp xụp. Trên mái, vách nhà đều lợp và che chắn bằng lá, không gian bên trong thường đủ kê chiếc giường ngủ qua đêm là mừng lắm rồi”.
Vậy mà cuộc sống chẳng lúc nào yên, vì các trận pháo kích thường xuyên tàn phá nhà cửa, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. “Dọc theo tuyến sông, kênh rạch ngày trước chủ yếu là rừng lá nên dễ bề giúp cho quân ta ẩn náu và chiến đấu với kẻ thù. Thế mà giờ đây đã thay thế bằng các tuyến đê bao kết hợp thảm nhựa trên bề mặt lộ nông thôn, phục vụ đắc lực cho quá trình canh tác, giao thương hàng hóa của người dân” - ông Đôi chia sẻ.
Bởi trước kia, ngoài chuyện không có lộ thì phần lớn diện tích đất đai nơi đây bị nhiễm phèn, mặn nên quanh năm, bà con xứ này chỉ có thể canh tác một vụ khóm nhưng năng suất khá thấp. Đời sống vì thế mà thiếu thốn triền miên. Do đó, sau khi hòa bình lập lại, chính quyền địa phương đã tập trung vận động người dân tham gia cùng với Nhà nước từng bước nạo vét kênh, rạch tạo nguồn, bồi đắp hệ thống đê bao, cống, đập cho vững chắc để ngăn mặn, trữ ngọt, tháo chua cho ruộng vườn.
Còn các cơ quan chuyên môn thì đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy mà giúp gia tăng thêm mùa vụ; nâng cao năng suất cây trồng. Ông Sáu Đôi khẳng định: “Đúng là thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc khai phóng bưng biền. Mặt khác, người dân đã chủ động chọn lựa các loại cây trồng có giá trị kinh tế nhưng thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng để canh tác, thay vì độc canh cây khóm nên cuộc sống dần dần được sung túc hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến Lê Văn Đạt cho rằng: Từ hạ tầng giao thông nông thôn cho đến điện lưới quốc gia đã phủ kín khắp địa bàn, kể cả nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều cũng đủ để cho thấy sự đổi thay rõ nét của một vùng đất anh hùng sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Càng tự hào hơn khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang chung tay, góp sức để xây dựng quê hương Hỏa Tiến trở thành xã nông thôn mới theo lộ trình đến năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mía đường 2014 - 2015, thời tiết khô hạn kéo dài, giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm đã gây không ít khó khăn cho các nhà máy. Tuy nhiên, các nhà máy đường vẫn tập trung triển khai vụ ép mới, nâng cao năng suất để sẵn sàng cho một vụ ép mới hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.