Sức Hút Của Thanh Long

Trải qua hành trình cả trăm năm, thanh long - loại cây ăn trái có nguồn gốc từ sa mạc đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực có lợi thế phát triển, xuất khẩu bậc nhất của Việt Nam. Song, cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, thanh long đã trải qua những bước thăng trầm; điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn cứ lặp đi lặp lại và đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết.
Những năm gần đây, thanh long nhanh chóng khẳng định vị trí trong ngành hàng rau quả Việt Nam với tốc độ tăng diện tích, sản lượng đến “chóng mặt”. Cùng với Bình Thuận và Long An, Tiền Giang là 1 trong 3 vùng trồng thanh long tập trung nhất của cả nước, việc tăng diện tích ồ ạt trong vài năm trở lại đây đã đặt ra nhiều vấn đề.
Từng là cây trồng làm hàng rào
Về Chợ Gạo hôm nay, đến các xã thuộc Hệ sông Bảo Định, Tây kinh Chợ Gạo, hầu như đến nơi nào chúng tôi cũng thấy những vườn thanh long xanh rờn, bạt ngàn. Trên nhiều thửa ruộng lúa, hoa màu giờ đã “mọc” lên những dãy trụ xi măng trắng toát chuẩn bị trồng thanh long.
Ghé UBND xã Tân Thuận Bình, một trong những xã nằm trong vùng quy hoạch trồng thanh long của huyện, ông Lưu Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Thời gian qua, nông dân chuyển đất trồng các cây khác sang thanh long nhiều lắm, nâng diện tích cây ăn trái này trên địa bàn xã đến nay lên 300 ha”.
Từ lâu, thanh long là một trong những cây ăn trái gắn bó và thân thuộc với người dân Việt Nam. Tại Tiền Giang, huyện Chợ Gạo là nơi có diện tích thanh long trồng tập trung nhất. Hỏi bất kỳ người dân nào trong vùng Chợ Gạo về cây trồng này, họ đều phấn khởi và tự hào. Nhiều người còn đặt biệt danh cho cây trồng này là “cây làm giàu”, “cây đặc sản”.
Nhìn những vườn thanh long nối tiếp nhau trải dài ngút ngàn trên vùng đất “mở mảng chuyển vùng” (trong chiến tranh chống Mỹ) năm xưa, ít ai nghĩ rằng thời gian đầu đến vùng đất này chỉ là cây trồng dùng làm hàng rào quanh nhà.
Về nguồn gốc của cây trồng này, ông Huỳnh Hồng Ửng, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, cũng chỉ cho biết đại khái: “Cách đây khoảng 20 năm, thanh long vẫn còn chưa được người dân quan tâm; thường được trồng làm hàng rào trước nhà cho đẹp. Mãi sau này, thanh long mới phát triển”.
Với mong muốn hiểu thêm về nguồn gốc cây thanh long đến với Việt Nam nói chung, vùng đất Chợ Gạo nói riêng và hành trình trở thành cây ăn trái chủ lực, “cây làm giàu” hôm nay, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện và được ông cho biết, ngay từ nhỏ, ông đã thấy cây này trồng làm hàng rào trước nhà.
Lúc bấy giờ, người ta trồng để ăn và biếu trái cho người thân chứ không mua bán như bây giờ. Mãi đến cuối thập niên 1980, 1990, trái thanh long mới trở thành hàng hóa, từ đó cây thanh long mới bắt đầu được người dân trong vùng quan tâm trồng.
Theo các tư liệu mà chúng tôi có được, thanh long là cây ăn trái họ xương rồng có nguồn gốc ở vùng sa mạc Mexico, Colombia và Brazil, thuộc nhóm cây nhiệt đới khô, không kén đất. Cây trồng này được người Pháp mang vào Việt Nam khoảng 100 năm trước.
Cây được trồng trên đất không nhiễm phèn, mặn, có đủ nước tưới sẽ cho năng suất cao, chất lượng trái tốt. Cây phát triển trên vùng đất thịt sẽ tốt hơn vùng đất cát pha. Cây được trồng đầu tiên ở Nha Trang và Bình Thuận, sau đó phát triển vào Tiền Giang, Long An. Thời gian đầu, cây được trồng ở vùng đất cát, thiếu nước ở Bình Thuận hoặc trên bờ mương, bờ ruộng, bờ thửa hay trên gò cao ở Chợ Gạo và Châu Thành (Long An).
Khoảng 20 năm trở lại đây, trái thanh long được tiêu thụ mạnh ở miền Bắc và một số nước, từ đó diện tích thanh long ở các khu vực trên được mở rộng rất nhanh, trở thành cây chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Phát triển “nóng”
Có thể nói, thanh long là một trong những cây ăn trái có tốc độ phát triển nhanh nhất của cả nước trong hơn 10 năm qua. Theo Cục Trồng trọt, năm 1995, cả nước chỉ có 2.250 ha trồng thanh long, đến năm 2004 tăng lên 9.650 ha. Đến nay, cả nước đã có 28.700 ha, trong đó có 23.800 ha cho thu hoạch.
Trước đây, thanh long được trồng chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; đến nay đã phát triển khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài Tiền Giang và Long An, thanh long đang phát triển mạnh ở Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và thậm chí xuống tận Cà Mau.
Tại miền Đông Nam bộ, thanh long đang phát triển ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương. Không chỉ vậy, thanh long còn phát triển ra các tỉnh phía Bắc. Riêng Bình Thuận, trước đây vài năm, diện tích thanh long chỉ có khoảng 10.000 ha nhưng giờ đã có trên 20.000 ha.
Còn tại Tiền Giang, thanh long đang “lấn át” mạnh mẽ các cây trồng khác ở huyện Chợ Gạo. Tại khu vực Tây kinh Chợ Gạo, hầu như xã nào cũng trồng thanh long. Xã phát triển chậm nhất cũng vài chục ha, còn xã phát triển nhanh lên đến cả trăm ha trong 1 năm.
Trên địa bàn đã hình thành xã chuyên canh thanh long là Quơn Long (có 100% diện tích sản xuất nông nghiệp trồng thanh long). Ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, những năm qua, người dân đổ xô chuyển đổi cây trồng sang thanh long rất mạnh với diện tích trung bình mỗi năm từ 100 - 200 ha trồng mới.
Cùng với phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng thanh long cũng tăng mạnh. Năng suất thanh long đã tăng từ 11,6 tấn/ha vào năm 1995 lên trên 20 tấn/ha vào năm 2013, có nơi đạt 30 tấn/ha.
Gần 20 năm trước, sản lượng thanh long cả nước chỉ đạt 22.826 tấn, đến năm 2010 vượt 300 ngàn tấn. Còn năm 2013, sản lượng thanh long cả nước đã đạt trên 500 ngàn tấn/năm.
Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện đã có 600 ha thanh long trồng mới, nâng diện tích thanh long toàn huyện lên 3.400 ha.
Trong số diện tích thanh long trồng mới, có những diện tích trồng ngoài quy hoạch như Bình Phan, Bình Ninh, Bình Phục Nhứt với diện tích khoảng 50 - 70 ha. Không chỉ phát triển ở Chợ Gạo, thanh long còn phát triển sang các vùng lân cận.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện đã phát triển được 50 - 60 ha thanh long, tập trung ở các xã giáp ranh huyện Chợ Gạo. Còn ở huyện Tân Phước cũng đã phát triển 80 ha thanh long, huyện đang xin chủ trương lập dự án phát triển thanh long trên địa bàn.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, việc phát triển thanh long tự phát, ồ ạt không theo quy hoạch trong thời gian qua (chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng lúa sang) đã đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý; không thể thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nông dân (Nhà nước chưa có chủ trương cho chuyển đổi đất trồng lúa sang thanh long).
Việc phát triển diện tích ồ ạt thời gian qua đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước. Muốn thanh long phát triển bền vững, đảm bảo giá ổn định trên thị trường, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu. Hơn nữa, do nông dân trồng tự phát nên chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trồng dễ dẫn đến phát sinh sâu bệnh như bệnh đốm trắng bùng phát gây hại trong thời gian qua; hệ thống đường sá, điện chưa có; hệ thống thu mua chưa hình thành… gây khó khăn cho việc sản xuất và tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm

Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh đầu tư cho xã Phước Hưng với mức hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, thức ăn dành cho cá da trơn như Cargill, có độ đạm cao (30 – 40%).

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 42,3% số dự án đã, đang triển khai thực hiện và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại hiện đang gặp khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… Thực tế này đang đòi hỏi các ngành, địa phương cần sớm có những giải pháp phù hợp để giúp nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương.

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm liên tục giảm và hiện chỉ còn 85.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg; cộng với nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị đối tác Nhật, EU cảnh báo, thậm chí trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép đã gây hoang mang cho nhiều người.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được khởi xướng cách đây 5 năm. Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả, song dường như vẫn chỉ tập trung cho hàng của các doanh nghiệp, còn hàng nông sản của nông dân vẫn bị bỏ ngỏ trong cuộc vận động lớn và nhiều ý nghĩa này.

Hằng năm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cung cấp ra thị trường trên 850 tấn rau màu các loại. Tuy nhiên, khâu đóng gói, bảo quản rau màu của HTX còn hạn chế nên sản phẩm của HTX giá bán còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản được xem là yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm rau màu của HTX.