Sử dụng vi sinh bản địa VTV nuôi tôm thẻ chân trắng
Nhằm đảm bảo môi trường nuôi tôm an toàn dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho hộ nuôi; Trạm Khuyến nông huyện Long Phú, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện mô hình nuôi TTCT 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm hữu cơ vi sinh VTV xử lý đáy ao tại hộ anh Lê Hữu Trí (ấp 2, thị trấn Long Phú) cho kết quả tốt.
Chế phẩm hữu cơ vi sinh VTV được sản xuất từ bã mía có tác dụng trong ao nuôi tôm là phân hủy thức ăn thừa, phân tôm, vỏ tôm, các chất hữu cơ lắng đọng; tạo thức ăn tự nhiên cho tôm; gây màu nước ao; khử khí độc; đối kháng và ức chế vi khuẩn có hại (cạnh tranh, lấn át với các loài vi khuẩn gây bệnh và các loài tảo độc); kết dính và lắng tụ các chất hữu cơ lơ lửng tạo môi trường nước sạch, ổn định. Đây là chế phẩm bản địa được Công ty TNHH DV SX TM Thành Đạt (Sóc Trăng) sản xuất.
Theo ông Võ Thanh Vân, Giám đốc Công ty, ý tưởng sản xuất chế phẩm sinh học có tác dụng cải tạo ao nuôi thủy sản là từ thực tế qua nhiều năm nuôi tôm, người dân dùng các chế phẩm sinh học mua trên thị trường khá tốn kém. Vì vậy, ông nghĩ cách dùng chính bã mía để chế tạo chế phẩm hữu cơ vi sinh sau khi nhờ sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia về sinh học. Khi tạo ra sản phẩm vi sinh, ông thử nghiệm ngay tại ao nuôi tôm của gia đình, qua nhiều vụ nuôi sản phẩm phát huy hiệu quả trong việc cải tạo môi trường ao nuôi, tôm đạt năng suất, sản lượng góp phần tăng lợi nhuận. Do đó, ông Vân đã mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường khi được cấp phép lưu hành.
Nhận thấy Chế phẩm hữu cơ vi sinh VTV của Công ty Thành Đạt đem lại kết quả tốt qua nhiều năm phân phối trên thị trường, Trạm Khuyến nông huyện Long Phú đã triển khai mô hình nuôi TTCT 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm này tại hộ anh Lê Hữu Trí với diện tích ao nuôi 800 m2, hộ nuôi được hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn, 50% Chế phẩm VTV.
Vì nuôi tôm theo hình thức 2 giai đoạn nên trước khi thả tôm vào ao nuôi, tôm được ương trong bể, có lưới lan che để ổn định nhiệt độ, hố xi phông ở giữa và hệ thống ôxy đáy. Đây gọi là giai đoạn 1 có thời gian ương 17 ngày. Với diện tích bể ương 80 m2, chiều cao 1 m, nước được lấy từ ngoài ao qua túi lọc vào bể ương, sát trùng nước bằng BKC sau đó sử dụng men vi sinh bản địa VTV trước khi thả giống 2 ngày và kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp trước khi thả giống. Đồng thời, tôm giống mua có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh được kiểm tra dịch bệnh, số lượng 120.000 con, mật độ 1.500 con/m2.
Trong quá trình ương tôm, sử dụng vi sinh bản địa VTV định kỳ 2 ngày/lần/2 kg, sau 17 ngày tuổi tôm ương đạt trọng lượng 1 – 1,2 g/con tiến hành chuyển sang ao nuôi có diện tích lớn hơn đây là giai đoạn 2 (giai đoạn nuôi thương phẩm) thời gian nuôi 75 ngày, diện tích ao nuôi 800 m2 và mật độ 150 con/m2; khi đó sẽ lấy nước từ ao chứa qua túi lọc, xử lý nước bằng BKC, sau đó sử dụng men vi sinh bản địa VTV trước khi thả giống 2 ngày và kiểm tra các yếu tố môi trường trước thả giống.
Thức ăn cho tôm cần lựa chọn thương hiệu có uy tín theo liều lượng phù hợp thời thời điểm sinh trưởng của tôm. Riêng vi sinh bản địa VTV tháng thứ 1, dùng 3 ngày/lần/5 kg; tháng thứ 2, 3 sử dụng 2 ngày/lần/5 kg. Kết quả, tỷ lệ tôm sống đạt gần 90%, trọng lượng tôm 33 con/kg, năng suất gần 2,4 tấn/800 m2, thu về lợi nhuận gần 153 triệu đồng.
Anh Lê Hữu Trí chia sẻ: “Nuôi TTCT 2 giai đoạn sử dụng Chế phẩm hữu cơ vi sinh VTV xử lý đáy ao là mô hình hay hiệu quả, giúp giảm chi phí tăng lợi nhuận trên cùng diện tích nuôi, góp phần kiểm soát môi trường. Chính vì vậy, tôi đang thực hiện mô hình này với 2 ao lót bạt, diện tích 3.100 m2 hứa hẹn sẽ có vụ tôm bội thu”.
Có thể bạn quan tâm
Lươn giống nhân tạo có nhiều ưu điểm như cỡ giống đồng đều, chất lượng ổn định, sử dụng được thức ăn viên giúp tăng tỷ lệ sống và thuận lợi trong quá trình nuôi
Nghề nuôi cá biển bằng lồng bè đang ngày một phát triển về cả quy mô và đối tượng nuôi, việc phòng và điều trị một số bệnh do ký sinh trùng
Ngoài tiêu chí ngon, sạch và rẻ, sản phẩm tôm có nguồn gốc rõ ràng đang là yếu tố quan trọng để chinh phục người tiêu dùng.