Sử Dụng Phân Bón Cho Cây Xoài
Xoài ưa đất có tầng sâu, nhưng lại không kén đất về mặt hóa học. Độ pH đất thích hợp cho xoài là 5,5 - 7,5. Tuy nhiên, xoài có thể trồng được cả ở những đất chua hơn và kiềm hơn miễn là không có tầng đá hoặc đá ong quá nông và có tầng nước ngầm đủ sâu. Xoài cũng có nhu cầu rất lớn đối với dinh dưỡng, nhưng hiện chưa có số liệu về mặt này. Việc bón phân cho xoài ở ta chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm.
Sử dụng phân bón
Lượng phân bón khuyến cáo cho cây xoài như sau:
· Bón lót khi trồng: Mỗi hố bón 20 - 25 kg phân chuồng hoai + 2,5 kg Super Lân + 1 kg KCl. Đem trộn tổng số phân với 2 phần đất lớp mặt rồi rải quanh gốc cây. Nếu có côn trùng trong đất phá gốc, rễ cây thì cần trộn thêm thuốc sát trùng cần thiết.
· Bón cho cây thời kỳ KTCB: Năm thứ nhất mỗi cây bón 170 g urê (73 g N) + 112 g Super lân, 114 g KCl (68 g K2O). Các năm sau bón tăng dần theo cách năm thứ 2 gấp đôi năm thứ nhất, năm thứ 3 gấp 3 v.v.. Như vậy đến năm thứ 10 bón mỗi cây 1,7 kg urê + 1,12 kg Super lân + 1,14 kg KCl.
· Bón thời kỳ cho quả: Một số tác giả cho rằng, sản lượng xoài đạt cao nhất nếu bón cho mỗi cây 1 kg N + 0,87 kg P2O5 + 1,66 kg K2O.
Các loại phân chuồng và lân bón sớm khi thu hoạch vào tháng 6 - 7, hoặc trước khi phân hóa hoa. Đạm và lân có thể bón 2 lần vào các tháng 1 - 2 khi vừa ra hoa và tháng 6 - 7 khi hình thành đọt mới.
Các tác giả Dương Minh, Võ Thanh Hoàng, Lê Thanh Phong, Võ Hùng Nhiệm (1999) cũng đưa ra quy trình bón phân cho xoài với 300 - 500 g phân NPK 16-16-8 + 300 g urê/cây/năm ở thời kỳ KTCB. Vào thời kỳ kinh doanh bón tối thiểu 2-5 kg phân NPK 16-16-8 + 1,5-3 kg phân urê/cây/năm. Tuy nhiên, bón theo cách này về lâu dài thì kali sẽ bị thiếu.
Sử dụng phân NPK
Ngoài việc bón phân trước khi trồng cây, trong các năm KTCB cần chọn loại phân có tỷ lệ NPK 3:2:1 hay 2:1:1 như 14-8-6; 14-9-9-6; 18-8-8-6; 19-7-8; 20-15-7; 20-10-10 v.v.. mà bón. Khi cây bước sang thời kỳ kinh doanh chọn các loại phân có tỷ lệ NPK 4:1:4 hay 3:1:3 (như NPK 20-7-25) để bón cho xoài ở các tuổi như sau.
Năm thứ nhất: Tính toán để lượng bón cho 1 gốc xoài là 78 g N.
Năm thứ 2: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 2 = 156 g N/ cây.
Năm thứ 3: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 3 = 234 g N/ cây.
Năm thứ 4: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 4 = 312 g N/ cây.
Cứ như vậy cho đến năm thứ 10 ta cần bón cho mỗi gốc là 780 g N/ cây. Lượng phân có thể tăng tối đa đến 1 kg N/ cây thì dừng lại.
Phân bón cho xoài chưa có trái nên chia 2 lần, bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Bón cho xoài có trái cũng chia 2 lần: Lần 1 vào đầu mùa mưa (lúc xoài mang trái) và lần 2 vào tháng 9-10 dương lịch (trước khi ra hoa)
Sử dụng phân "Con Ó đen" chuyên dùng cho cây ăn quả của Xí nghiệp Phân bón Chánh Hưng bón cho xoài kinh doanh như sau:
(Phân F1 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 20-10-10; phân F2 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 8-18-8; phân F3 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 15-10-20)
- Bón phân trước khi ra hoa (tháng 9-10): Dùng F2 (8-18-8), bón 3-5 kg/ cây.
- Bón phân khi trái đang lớn (tháng 4-5): Dùng F3 (15-10-20), bón 3-4 kg/cây.
Lượng phân bón thay đổi nhiều ít tùy thuộc vào độ lớn của cây và năng suất thu hoạch dự kiến. Cây càng lớn và sản lượng càng cao thì mức bón càng tăng, ngược lại nếu cây nhỏ, còi cần giảm lượng phân bón/cây .
Có thể bạn quan tâm
Vườn xoài áp dụng tưới tiết kiệm không chỉ giúp người trồng tiết kiệm công tưới, lượng nước tưới, mà còn giúp cây tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh
Từ khi được chuyển giao phương pháp tưới tiết kiệm bằng mini pan, “thủ phủ” xoài cát Hòa Lộc ở Bình Định không còn lo lắng về nước tưới.
Bệnh phấn trắng hại xoài thường xuất hiện trong mùa xoài ra lộc, nụ non làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng loại trái cây giàu dinh dưỡng
Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn thành công giống xoài Yên Châu cho quả to, hạt nhỏ, giảm tỉ lệ chất xơ.
Xoài là cây ăn quả chính ở nước ta, vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị cảnh quan bóng mát. Nhu cầu giống cây này đang còn rất lớn.