Sử Dụng Chất Cấm Trong Thức Ăn Chăn Nuôi Bị Truy Tố!

Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh sẽ kết hợp với cơ quan công an, tiến hành điều tra, kiểm tra gắt gao chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đặc biệt là sử dụng chất cấm.
* Xét nghiệm 1 lần, "dính" chất cấm là xử lý ngay
Theo đó, DN sử dụng chất cấm trong SX, gia công TĂCN sẽ bị xử lý rất nặng, rút giấy phép, thậm chí đề nghị truy tố hình sự.
Thông tin này vừa được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết trong đợt triển khai trọng điểm chất lượng TĂCN năm 2014 tại 6 tỉnh có hoạt động SX kinh doanh và chăn nuôi lớn trên cả nước gồm TP Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, TP.HCM, Đồng Nai và Vĩnh Long.
Tại phía Bắc, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN sản xuất, kinh doanh TĂCN và hoạt động chăn nuôi lớn nhất với gần 80 cơ sở SX TĂCN và hơn 1.100 cơ sở kinh doanh TĂCN. Đây sẽ là địa bàn mà Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan dồn lực lượng kiểm tra chất lượng TĂCN, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong TĂCN.
Tại cuộc họp triển khai đợt kiểm tra trọng điểm TĂCN ngày 20/8 vừa qua cùng Sở NN-PTNT TP Hà Nội, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Đợt kiểm tra trọng điểm chất lượng TĂCN lần này, cơ quan chức năng sẽ có phương án tiếp cận mới. Thay vì tổ chức kiểm tra kiểu trống dong cờ mở, “công văn đi trước, đoàn kiểm tra rồng rắn theo sau”, cơ quan thanh tra của Sở NN-PTNT phối hợp với Cục Chăn nuôi sẽ có sự vào cuộc của các lực lượng công an kinh tế và Cục An ninh Nông nghiệp (Bộ Công an).
Các DN, cơ sở SX TĂCN, kể cả các trang trại chăn nuôi “có vấn đề” về chất lượng TĂCN, đặc biệt là sử dụng chất cấm sẽ bị bí mật điều tra, mật phục để kiểm tra hoặc lấy mẫu đột xuất.
“Trước tình trạng lôm côm trong quản lí TĂCN, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo làm quyết liệt đặc biệt đối với vấn nạn sử dụng chất cấm để xốc lại ngành TĂCN. Đối tượng vi phạm trong sử dụng chất cấm sẽ bị xử lí rất nặng, đình chỉ SX, thậm chí đề nghị truy tố hình sự” – ông Vân cho biết.
Để thực hiện đợt ra quân kiểm tra trọng điểm này, Cục Chăn nuôi đã đề nghị UBND các tỉnh thành lập BCĐ triển khai, với trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, nòng cốt là lực lượng thanh tra chuyên ngành, phối hợp với an ninh kinh tế và an ninh nông nghiệp.
Về quy trình kiểm tra lấy mẫu, theo kiến nghị của Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội, để đảm bảo việc xử lí các DN, cá nhân vi phạm quyết đoán hơn trong đợt kiểm tra cao điểm này, các mẫu TĂCN sẽ chỉ gửi phân tích ở một đơn vị phân tích, nếu “dính” dương tính với chất cấm thì cơ quan chức năng có quyết định xử lí ngay.
Theo ông Trần Anh Hiếu, đội trưởng đội Thanh tra chuyên ngành số 3 (Sở NN- PTNT Hà Nội), trước đây, có rất nhiều trường hợp cùng một lô TĂCN, lực lượng Thanh tra đưa đi phân tích chỗ này dương tính với chất cấm, nhưng sau đó đơn vị thứ 2 phân tích lại âm tính nên rất khó khăn cho việc xử lí vi phạm. Vì vậy từ nay, sẽ chỉ xét nghiệm một lần, nếu dương tính với chất cấm là xử ngay.
“Quy định hàng hóa trong mỗi lô phải đồng nhất, nên chẳng có lí do gì phải đi phân tích lần 2, lần 3 như hiện nay cả. Quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra cũng hoàn toàn cho phép cơ quan chức năng có quyền xử ngay nếu phát hiện vi phạm, đối với chất cấm trong TĂCN thì hoàn toàn có cơ sở pháp luật để khởi tố hình sự” – ông Hiếu nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm: Các chỉ tiêu kiểm tra trong đợt cao điểm từ nay đến cuối năm sẽ tập trung toàn diện vào cả DN TĂCN, cơ sở gia công, cơ sở kinh doanh lẫn các trang trại chăn nuôi.
Các nội dung kiểm tra sẽ tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số nhóm chỉ tiêu chính về chất lượng và an toàn của TĂCN như Protein, Lysine, các chất cấm (chủ yếu là Salbutamol và một số mẫu sẽ kiểm tra thêm về Clenbuterol, Ractopamine)...
Ngoài các DN TĂCN, cơ quan kiểm tra sẽ tập trung thêm vào nhóm chăn nuôi có nguy cơ sử dụng chất cấm cao là các cơ sở chăn nuôi tự phối trộn TĂCN hoặc tận dụng các nguồn thức ăn từ bếp ăn tập thể, nhà hàng, KCN…
6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 31 mẫu TĂCN do Sở NN-PTNT Hà Nội phân tích, có tới 14 chỉ tiêu bị phát hiện vi phạm, nhiều nhất là chỉ tiêu về axit amin, protein thô không đạt yêu cầu, trong đó chủ yếu thuộc các loại TĂCN dành cho lợn.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở Bình Thuận, làm GAP trên thanh long nhưng trang trại Duy Lan ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam đã tìm được một cách đi cho riêng mình và đây thực sự là một mô hình siêu tốc vì từ lúc nộp đơn là ngày 30/10/2006 đến ngày 12/3/2007 là lần thẩm định cuối cùng và đến 5/7/2007 là đã được tổ chức IMO của Thụy Sỹ công nhận chính thức đạt tiêu chuẩn Euro GAP.

Những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích nuôi không ngừng được mở rộng trên cả 3 vùng nuôi mặn, lợ và nuôi nước ngọt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tính bền vững của nghề nuôi còn thấp.

Gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều phương tiện kỹ thuật mới, hỗ trợ tích cực việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Núi Thành.

Ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: Hơn nửa tháng qua, vùng nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) xuất hiện nhiều nghêu giống, sò huyết giống, thu hút hàng ngàn người đến khai thác.